Tụ tập giữa đường để chụp ảnh bị xử phạt thế nào?
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao hình ảnh một nhóm phụ nữ mặc đồ thể thao tập thể dục, yoga ngay giữa đường để chụp ảnh. Những hình ảnh này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận vì mất an toàn giao thông.
Phản cảm tập thể dục, nhảy nhót giữa đường
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh hơn chục người phụ nữ mặc quần áo tập yoga, nằm ngửa trên những chiếc thảm giữa đường để chụp ảnh với hoa bằng lăng, bất chấp các phương tiện qua lại.
Được biết, khu vực nhóm phụ nữ trải thảm nằm là đoạn giữa đường nhánh Quốc lộ 37 (thuộc thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
Khi những hình ảnh này được chia sẻ, nhiều người cho rằng cần phải xử lý nghiêm hành vi gây mất an toàn giao thông.
Liên quan đến sự việc này, Công an huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho biết, đã nắm bắt được thông tin về nhóm phụ nữ trải thảm tập yoga giữa đường. Hiện cơ quan này đang xác minh danh tính nhóm người và xử lý theo quy định.
Sự việc trên chưa lắng xuống thì ngày hôm nay, hình ảnh nhóm 5 phụ nữ cùng nhau đứng trước đầu ôtô con và nhảy nhót, gây cản trở giao thông lại tiếp tục kiến dư luận dậy sóng. Sự việc được cho diễn ra ở một tuyến đường trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt.
Theo đó, vụ việc được camera hành trình của một ôtô ghi lại vào lúc 13 giờ 45 ngày 17.5 tại tuyến đường Hoa Phượng Tím (Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng).
Hình ảnh từ camera hành trình cho thấy, 5 phụ nữ đứng trước đầu ôtô con màu đen biển số tỉnh Lâm Đồng, nhảy nhót theo nhịp điệu.
Ở phía sau ôtô màu đen, nhiều phương tiện tham gia giao thông gồm ôtô, xe máy buộc phải di chuyển chậm để tránh chiếc xe đang dừng đỗ và nhóm người trên.
Video này xuất hiện trên mạng xã hội Facebook, nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc dừng xe và nhảy nhót của nhóm phụ nữ gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, đơn vị đã phân công thêm nhân sự để tuần tra, kiểm soát các tuyến đường trong khu du lịch. Trường hợp nhóm phụ nữ nhảy nhót giữa đường là hành động bất chợt, nhóm người đã rời đi nên không thể xác minh thêm.
Rất đáng tiếc, những sự việc trên lại không phải là hi hữu. Vào năm 2022, hình ảnh một nhóm phụ nữ mặc đồ bó sát tập yoga giữa đường để chụp ảnh cũng đã gây tranh cãi. Đa phần cho rằng diện trang phục như vậy rồi ngồi dưới lòng đường là không nên, dù xung quanh khu vực hồ Gươm trở thành phố đi bộ dịp cuối tuần.
Trước đó vào 2021, trên mạng xã hội có lan truyền hình ảnh về một nhóm phụ nữ mặc trang phục tập yoga chụp hình tại "cổng trời" ở chùa Linh Quy Pháp Ấn tọa lạc tại đồi 45, thôn 4, Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng. Họ diện thiết kế gồm quần legging kết hợp với áo croptop ôm sát. Sự việc này cũng đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ dư luận bởi cách ăn mặc không phù hợp ở chốn linh thiêng.
Tập thể dục giữa đường gây cản trở giao thông xử phạt thế nào?
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác cũng như hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra, người dân không nên đi bộ, chạy bộ thể dục dưới lòng đường. Nếu con đường có vỉa hè thì chỉ nên đi bộ, chạy bộ thể dục trên vỉa hè. Việc đi bộ, chạy bộ luyện tập thể dục chỉ nên diễn ra tại công viên, quảng trường, bãi đất trống… nơi không có các phương tiện lưu thông qua lại.
Ngoài ra, cơ quan chức năng, chính quyền các địa bàn cũng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đi bộ, chạy bộ luyện tập thể dục dưới lòng đường. Nếu các trường hợp nào cố tình vi phạm, hoặc vi phạm nhiều lần thì phải xử phạt nghiêm.
Theo Khoản 2 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông;
b) Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường bộ; sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
c) Người được chở trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy sử dụng ô (dù);
d) Người được chở trên xe đạp, xe đạp máy bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh.”
Như vậy, hành vi chơi thể thao gây cản trở giao thông có thể bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.