Từ tàu điện trên cao nhìn về điều chỉnh quy hoạch
Sau bao mong mỏi, đợi chờ, người Hà Nội đã được chứng kiến những chuyến tàu chính thức lăn bánh trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Sự xuất hiện của loại hình vận tải công cộng này góp phần từng bước hoàn thiện đô thị văn minh.
Đường sắt đô thị sẽ trở thành động lực cho quá trình phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Tiến Tuấn
Những bài học quý giá
Để hoàn thành dự án đường sắt dài 13,05km, với 12 ga và 1 khu depot, phải mất 10 năm, trễ hơn 5 năm so với kế hoạch. Nếu tính cả thời gian từ khi xuất hiện ý tưởng trên đồ án quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 1998 thì lên tới hơn 20 năm. Điều này cho thấy, ngay bài học đầu tiên đối với công tác quy hoạch chính là công tác dự báo.
Dự báo quy hoạch đến năm 2030, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ gồm 10 tuyến, với 417,8km, dài gấp 32 lần chiều dài của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nếu tính cả 8,5km đoạn trên cao, sắp đưa vào vận hành của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, thì cũng gấp hơn 19 lần. Đáng nói hơn, sau hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đã và đang trở thành hiện thực, hiện chưa có thêm tuyến nào được khởi công xây dựng. Nếu cứ duy trì tiến độ 10 năm hình thành 2 tuyến kể từ khi khởi công, thì phải 40 năm nữa Hà Nội mới có đủ 10 tuyến đường sắt đô thị. Nếu tính theo chiều dài tuyến đường có lẽ thời gian sẽ còn kéo dài hơn thế. Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, có lẽ cần phải thay đổi phương pháp nghiên cứu quy hoạch xây dựng từ trên xuống, mà nên từ thực tiễn đi lên, và lồng ghép, liên kết với các lĩnh vực khác để dự báo đảm bảo tính sát thực.
Từ bài học xây dựng tàu điện trên cao, có thể thấy ngay, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ cần điều chỉnh lại tầm nhìn theo từng phân kỳ thực hiện các tuyến đường sắt đô thị. Cách thức thực hiện tuyến đường vành đai 2 trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở theo hướng xã hội hóa, đang cho thấy tính ưu việt có thể bù đắp cho bài học đắt giá về việc chậm tiến độ của các tuyến đường sắt đô thị hiện nay. Hy vọng, cùng với những đột phá trong huy động nguồn vốn, đồng hành với công tác lập quy hoạch, thành phố sẽ có nhiều hơn các tuyến đường sắt trở thành hiện thực.
Định hình rõ một thành phố văn minh
Hình ảnh những toa tàu kín khách, với gần 8 vạn lượt khách lên tàu chỉ trong 2 ngày đầu tiên, là những dấu hiệu tích cực cho một xu hướng đi lại văn minh của người Hà Nội. Thói quen đi bộ và sử dụng tàu điện, xe buýt sẽ dần thay thế cho xe máy. Điều này sẽ tác động rất lớn đến các hoạt động đô thị trong tương lai gần và quá trình đô thị hóa trong tương lai xa hơn. Tương tự các đô thị lớn trên thế giới, xu hướng tích tụ mật độ cao và hỗn hợp các chức năng đô thị trong phạm vi đi bộ thuận tiện quanh các nhà ga đường sắt sẽ hình thành ở Hà Nội. Việc kết nối các công trình với tuyến đường sắt đô thị tất yếu diễn ra. Nói cách khác, đường sắt đô thị sẽ trở thành động lực cho quá trình phát triển đô thị mới, và cũng là cơ hội để đổi mới đô thị cũ tại những nơi nó đi qua. Đây là mô hình tích hợp phát triển đô thị theo định hướng giao thông. Vấn đề này nên được đề cập đến trong nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Có thể phải điều chỉnh hướng các tuyến đường sắt đô thị chạy qua các khu chung cư, hỗn hợp cao tầng trong nội đô. Mặt khác, nhất thiết phải nghiên cứu các khu đô thị mới cao tầng - hiện đại đồng thời với việc hình thành các tuyến đường sắt đô thị kéo dài ra các khu vực dự kiến đô thị hóa trong tương lai. Đặc biệt, ở khu vực Bắc sông Hồng và khu vực phía Đông vành đai 4 trên các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng... dự kiến thành lập quận. Việc phát triển đô thị, đồng thời cải tạo mở rộng mạng lưới đường làng, ngõ xóm để kết nối với phương thức giao thông mới, sẽ giải quyết được đồng thời bài toán phát triển với bảo tồn những giá trị truyền thống trong không gian đô thị hóa một cách có trật tự. Đây có lẽ cũng là lời giải hợp lý cho bài toán xây dựng, cải tạo và đổi mới đô thị trong khu vực trung tâm Hà Nội. Các khu chung cư cũ lân cận các tuyến đường sắt đô thị sẽ có cơ hội để bảo tồn kết hợp với xây dựng lại, nhằm tạo nên những cấu trúc phức hợp với không gian xanh được tái lập xen cài. Liên kết các nhà đầu tư phát triển đô thị mới dọc các tuyến đường sắt đô thị dự kiến hình thành, song hành với việc cải tạo các khu xây dựng hai bên, theo một quy hoạch khoa học là phương thức phát triển thông minh và bền vững cho Thủ đô tương lai.
Cách đây 111 năm, tàu điện đã xuất hiện ở Hà Nội, báo hiệu sự chuyển đổi mô hình đô thị từ phong kiến sang hiện đại. Tàu điện đã đồng hành với nhịp độ phát triển của Thủ đô và tạo nên giá trị văn hóa sâu đậm suốt một thế kỷ đã qua. Đường sắt đô thị xuất hiện hôm nay sẽ khiến Hà Nội phát triển nhanh hơn và cũng để Thủ đô định hình rõ hơn tầm nhìn của một thành phố hướng đến văn minh, hiện đại, hài hòa với bản sắc đô thị ngàn năm văn hiến.