Từ Tây Nguyên ra cảng biển chỉ mất hơn 2 giờ nếu có cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Theo ông Châu Ngọc Tuấn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khi đưa vào vận hành sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển còn 2 - 2,5 giờ, giảm 50 - 60% chi phí vận tải từ Tây Nguyên ra cảng biển để xuất khẩu.
Chiều 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.

ĐBQH Châu Ngọc Tuấn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai phát biểu thảo luận. Ảnh: Yến Chi.
ĐBQH Châu Ngọc Tuấn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế do có tài nguyên thiên nhiên phong phú; nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc; đất đai màu mỡ, thích hợp cho phát triển nông nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là thủy điện, điện gió, điện mặt trời.
Bên cạnh đó, Tây Nguyên cũng có lợi thế trong giao thương và trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
"Tuy nhiên, hạ tầng giao thông hiện nay vẫn là điểm nghẽn lớn nhất. Quốc lộ 19 - tuyến huyết mạch nối Gia Lai với cảng biển Quy Nhơn, dù đã được cải tạo nhưng vẫn hạn chế về năng lực thông hành, tốc độ lưu thông thấp, đặc biệt tại các khu vực đèo dốc, quanh co như đèo An Khê, đèo Mang Yang", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khi đưa vào vận hành sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển còn 2 - 2,5 giờ, giảm 50 - 60% chi phí và thời gian vận tải, giảm chi phí logistics cho hàng hóa từ Tây Nguyên (cà phê, tiêu, cao su...) ra cảng biển để xuất khẩu.
Mặt khác, tuyến cao tốc sẽ góp phần thu hút đầu tư FDI, phát triển các khu công nghiệp - cụm công nghiệp, trung tâm logistics dọc tuyến; thúc đẩy đô thị hóa, giãn dân hợp lý, kết nối du lịch và di sản giữa Bình Định và Tây Nguyên.
Dọc tuyến cao tốc này, tỉnh Gia Lai đã quy hoạch và đang triển khai 2 khu công nghiệp lớn (Trà Đa và Nam Pleiku), 6 cụm công nghiệp và nhiều khu du lịch cấp tỉnh, quốc gia. Trong đó có khu du lịch quốc gia Biển Hồ - Chư Đăng Ya, vườn quốc gia Kon Ka Kinh, di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá...
"Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành hành lang kinh tế - văn hóa - du lịch hiện đại từ biển lên cao nguyên", ông Tuấn nói.
Để chuẩn bị cho triển khai dự án trên, hiện tỉnh Gia Lai đã chủ động phối hợp triển khai nhiều phần việc, rà soát nguồn vật liệu, vị trí đổ thải; khảo sát 60 mỏ đất đắp và 38 mỏ đá xây dựng sẵn sàng phục vụ thi công. Cùng đó, bố trí ngân sách tỉnh 500 tỷ đồng cho công tác GPMB.
"Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan trung ương triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình để sớm đưa dự án vào khai thác", ông Tuấn nói và kiến nghị Quốc hội quan tâm, ủng hộ, sớm thông qua chủ trương đầu tư dự án; các cơ quan liên quan sớm bố trí nguồn lực để dự án được khởi công trong thời gian sớm nhất.

ĐBQH Nguyễn Văn Quảng (đoàn TP Đà Nẵng) đề nghị quy hoạch dự án quy mô 6 làn xe thay vì 4 làn xe như tờ trình. Ảnh: Yến Chi.
Thống nhất về sự cần thiết của chủ trương xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, song đại biểu ĐBQH Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, có hai dự án thành phần đi qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, mỗi địa phương lại có chính sách đền bù GPMB khác.
Tới đây, khi hai tỉnh này sáp nhập, đại biểu cho rằng cần tính toán lại chủ trương đầu tư, phân kỳ đầu tư, chính sách chung cho đền bù GPMB đảm bảo hiệu quả khi triển khai. Hoặc xem xét, cân nhắc giao cho chủ đầu tư là cấp Bộ (có thể là Bộ Xây dựng) để điều hành chung các dự án.
Mặt khác, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc tính toán phương án thu hồi vốn cho dự án BOT quốc lộ 19 cùng trục Bình Định – Gia Lai khi có tuyến đường cao tốc mới, đảm bảo tính nhất quán trong quá trình đầu tư.
Góp ý thêm, ĐBQH Nguyễn Văn Quảng (đoàn TP Đà Nẵng) đề nghị quy hoạch và quy mô GPMB của dự án trong Nghị quyết cần xác định 6 làn xe thay vì 4 làn xe.
"Đầu tư xây dựng giai đoạn 1 có thể 4 làn xe nhưng quy hoạch và triển khai GPMB phải 6 làn xe, để tránh rơi vào tình trạng một số tuyến cao tốc 4 làn xe hiện nay khi mở rộng lên 6 làn lại gặp khó khăn về GPMB", ông nói.
Về tốc độ khai thác, đại biểu cũng kiến nghị nâng tốc độ thiết kế lên 120km/h thay vì 100km/h như tờ trình, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương sau khi sáp nhập.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài khoảng 125km, đi qua địa phận 2 tỉnh: Bình Định (khoảng 40km) và Gia Lai (khoảng 85km).
Quy mô tuyến gồm 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h; tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương.