Từ tháng 4/2025: Dứt khoát không điều chỉnh vốn nhà nước tại dự án PPP lên 70%

Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, nhiều khả năng Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ là công trình PPP cuối cùng được xem xét nâng tỷ lên vốn nhà nước tham gia lên 70% tổng mức đầu tư.

Thi công Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Thi công Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 168/TB - VPCP về kết luận của Thường trực Chính phủ về kết quả kiểm tra, đôn đốc của các đoàn kiểm tra rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc.

Một trong những thông tin đáng chú ý trong Thông báo số 168 là việc Thường trực Chính phủ đã có những chỉ đạo về một số dự án cụ thể, trong đó có Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng do UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, về đề nghị của tỉnh Lạng Sơn về nâng tỷ lệ tham gia vốn nhà nước trong Dự án tuyến đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70% tổng mức đầu tư, Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn tỉnh thực hiện theo quy định (đặc biệt chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, làm thất thoát lãng phí tài sản, tài chính của nhà nước); báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà theo chỉ đạo tại văn bản số 2503/VPCP-CN ngày 26/3/2025.

Thường trực Chính phủ đề nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo để đảm bảo công bằng, khách quan.

“Từ tháng 4/2025, dứt khoát không điều chỉnh vốn nhà nước tham gia các công trình PPP lên 70% (trừ những dự án được pháp luật quy định và các công trình cấp bách cần phải hoàn thành theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Thông báo số 168 nêu rõ.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2503/VPCP-CN ngày 26/03/2025 gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về xử lý khó khăn, vướng mắc và đề xuất đối với Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng của UBND tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tháo gỡ, khó khăn vướng mắc đối với Dự án này , báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 5/4/2025.

Vào giữa tháng 3/2025, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Báo cáo số 121/BC - UBND gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính về khó khăn, vướng mắc và đề xuất đối với Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

Tại Báo cáo số 121, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính xem xét cho ý kiến về căn cứ pháp lý tại thời điểm hiện nay Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có được áp dụng quy định tại điểm c khoản 16 Điều 3 Luật số 57/2024/QH152 về tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án không quá 70% tổng mức đầu tư không.

Trường hợp chưa được áp dụng, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị xem xét trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung điều khoản chuyển tiếp của Luật PPP sửa đổi hoặc bổ sung danh mục dự án áp dụng theo cơ chế đặc thù để có căn cứ pháp lý thực hiện trình tự thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương đối với phần vốn ngân sách Nhà nước tăng thêm (khoảng 2.700 tỷ đồng) khi điều chỉnh tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước lên 70% tổng mức đầu tư của Dự án và tăng quy mô đoạn tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam lên 4 làn xe ngay trong giai đoạn 1.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, khoản 1, Điều 18 Luật Đầu tư theo phương thức PPP quy định: “chủ trương đầu tư dự án PPP được điều chỉnh khi thay đổi mục tiêu, địa điểm, quy mô, loại hợp đồng dự án PPP, tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP…”.

Đối với Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) đã cam kết tài trợ vốn tín dụng với giá trị 4.423 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau khi đánh giá cụ thể về khả năng hoàn vốn của Dự án, Ngân hàng chỉ chấp thuận ký hợp đồng tín dụng với hạn mức khả dụng là 2.300 tỷ đồng.

Do đó, để đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính cần có sự hỗ trợ thêm của ngân sách nước tương tự như đối với Dự án BOT cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cùng đi qua khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được HĐND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án với tổng chiều dài 59,87 km (đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43 km, đoạn tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 16,44 km).

Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn phân kỳ là 11.029 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước tham gia là 5.500 tỷ đồng, tương đương 49,86% tổng mức đầu tư (Ngân sách Trung ương 3500 tỷ đồng; Ngân sách địa phương 2.000 tỷ đồng).

Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án là Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần Lizen.

Dự án được tổ chức khởi công từ ngày 21/4/2024, đang thi công các hạng mục trên các đoạn tuyến đã có mặt bằng, trong phạm vi khoảng 49,9 km/59,87 km đã đủ thủ tục, trong đó có 42 mũi thi công trên 4 gói thầu EC.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tu-thang-42025-dut-khoat-khong-dieu-chinh-von-nha-nuoc-tai-du-an-ppp-len-70-d265248.html