'Từ thành quả, hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững'
Xuân 2020 - ... Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trong buổi trò chuyện trước thềm năm mới Canh Tý 2020 về định hướng tham mưu của ngành Nông nghiệp cho Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh nhằm xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đánh giá lại các thành quả đạt được trong gần 5 năm qua cho thấy, ngành Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện tốt vai trò đảm bảo sinh kế cho người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Lựa chọn được 3 cây - 3 con thế mạnh gồm: “Cam, chè, dược liệu – trâu, bò, ong”; để tập trung sản xuất thành hàng hóa theo chuỗi giá trị, an toàn và tín hiệu thị trường, gắn với xây dựng Chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cơ cấu ngành có sự chuyển dịch tích cực so với đầu nhiệm kỳ. An ninh lương thực trên địa bàn được đảm bảo, giá trị thu hoạch bình quân ước đạt 50 triệu đồng/ha.
Lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng, nhất là Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc. Người chăn nuôi đã chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang gia trại, trang trại, chú trọng chăn nuôi bằng giống địa phương giảm thiểu tác động của thị trường. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh phát triển được 254 gia trại, trang trại theo hướng VietGAP. Tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp chiếm trên 30%, vượt chỉ tiêu nghị quyết.
Xác định tiềm năng, lợi thế phát triển lâm nghiệp, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao năng suất rừng trồng mới, tạo được bước chuyển biến căn bản trong việc kinh doanh rừng trồng dựa trên giống tốt và kỹ thuật thâm canh, đem lại hiệu quả cao và bền vững. Tổng diện tích rừng ước thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 37.000 ha; trong đó diện tích trồng rừng bằng giống tốt chiếm trên 31%, trên 4.000 ha rừng được cấp chứng nhận rừng bền vững và phấn đấu hoàn thành tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%.
Chương trình Nông thôn mới nhận được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, người dân trở thành chủ thể thực hiện. Nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện địa phương đã được triển khai, nhân rộng như: Đề án một triệu tấn xi măng; phong trào hiến đất, tham gia đóng góp ngày công làm đường giao thông; mô hình “Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp”... Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 38 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; vận động người dân hiến trên 1,5 triệu m2 đất, đóng góp gần 1,2 triệu ngày công; huy động bằng tiền đạt gần 300 tỷ đồng; mở mới đường đất, đá trên 920 km; nâng cấp trên 2.000 km đường giao thông; xây dựng được 982 mô hình sản xuất hiệu quả…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đức Vinh, chia sẻ: Những kết quả đạt được trong năm 2019 và cả nhiệm kỳ qua đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của ngành trong đảm bảo và nâng cao sinh kế, đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng nông thôn, làm thay đổi lớn diện mạo nông thôn, nhất là ở các xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh chưa có số lượng đủ lớn, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tàu để bao tiêu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp chưa cung cấp được sản phẩm cho công nghiệp chế biến và phát triển du lịch, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế...
Chính vì vậy, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, người đứng đầu ngành Nông nghiệp khẳng định: Đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, định hướng xuyên suốt của ngành tham mưu cho Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững. Đó là khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để sản xuất hàng hóa đủ lớn, có năng suất, chất lượng cao, an toàn theo tín hiệu thị trường. Gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch; nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân theo hướng tiên tiến, làm chủ Nông thôn mới…
Duy Tuấn