Từ thiện

Một cái làn nhựa đỏ để nơi khuất gió cạnh cột cổng bãi rác. Thị chống chân xe máy chạy ngay đến nhìn vào trong làn. Đứa bé nhỏ xíu như con chuột bọc kỹ trong mấy cái tã lót bẩn, chỉ còn hở cái mũi. Thị khẽ kéo cái tã, một khuôn mặt tím tái, da trán nhăn nheo, hai má teo tóp như mặt khỉ với cặp mắt nhắm nghiền. Chạm ngón tay vào mũi, nó khe khẽ động đậy. Lạy giời, đứa bé còn sống!

Thị len lén nhìn quanh. Căn phòng lạnh lẽo và khắc nghiệt vì bốn bức tường trắng lạnh. Một cái bàn mộc gắn chặt xuống nền bê tông bằng những con ốc vít sùi hoen gỉ màu nâu nâu như dính đất bùn, có lẽ do thời gian và độ ẩm lưu cữu của căn phòng. Sao phải thế nhỉ. Cái ghế thị đang ngồi cũng bị gắn chặt xuống nền nhà. Kín bưng, ngột ngạt. Duy nhất cánh cửa sắt màu xám ở bức tường đối diện, không có cái cửa sổ nào để lấy ánh sáng mặt trời. Một ngọn đèn treo sát trần cho ánh sáng vàng vọt. Rồi thị láng máng đoán rằng đây là chỗ hỏi cung phạm nhân. Thị rùng mình: vậy ra mình là phạm nhân! Ý nghĩ ấy như khối đá tảng khiến thị cảm thấy đầu óc nặng trịch rũ xuống, toàn thân cố gồng lên chống lại sức nặng khiến cần cổ tê cứng...

Cửa phòng bật mở và nhanh chóng khép lại ngay sau đó. Trước mặt thị là một sắc phục công an, một cái kẹp giấy bìa xám thả mạnh xuống mặt bàn phía đối diện. Sự va chạm của cái kẹp giấy và mặt bàn nghe đánh soạt, tiếng động mảnh và khô như lưỡi kiếm rút ra khỏi vỏ đã đánh thức não bộ đang âm u, buộc thị ngẩng lên. Góc phòng cũng một sắc phục công an... nhưng người ấy đứng khoanh tay, môi mím mím, mắt nhìn thẳng về phía thị...

- Ta làm việc nhé!

Nghe giọng nói không có vẻ gì gay gắt nên thị trấn tĩnh trở lại và nhìn người đối diện. Một khuôn mặt còn trẻ nhưng khá nghiêm nghị.

- Yêu cầu chị khai báo thành thật với Cơ quan công an. Chị nhặt được cháu bé như thế nào?

- Dạ thưa... - Thị lý nhí trong miệng, giọng khàn đặc. Mà sao giọng mình khàn đặc vậy nhỉ? Có lẽ suốt đêm qua con bé vật vã không ngủ, thị phải bế ẵm dỗ dành, đi lại vòng quanh ba gian nhà để ru nó. Không dám làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của chồng con, thị lý nhí ru thầm trong cổ họng nên giọng nói bây giờ mới ra như thế.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Minh họa: Lê Trí Dũng

Anh công an nhắc: "Nói to để tôi ghi lại". Thị hắng giọng vài cái rồi trấn tĩnh, kể rành rọt chuyện xảy ra năm ngày trước. Hôm ấy rét ngọt. Thị thu mình ngồi trong đám cưới, co ro vì luồng gió thổi vù vù xiên qua kẽ tấm bạt che, mắt nhìn trên sân khấu đang hát hò. Bỗng điện thoại giãy ù ù trong túi. Thị móc điện thoại nhìn. Số lạ. Chắc lại quảng cáo vớ vẩn hoặc chiêu trò lọc lừa. Chả cần nghe. Đừng hòng lừa nổi bà. Bấm từ chối. Chưa kịp cất thì máy lại sáng đèn. Vẫn số lúc nãy. Hay là người quen mà mình chưa lưu số. Đành ra ngoài áp điện thoại vào tai còn tay kia bịt tai còn lại để tiếng loa bên ngoài đỡ dội vào đầu.

- Thông báo cho chị biết: tôi vừa thấy một cháu bé mới sinh bị bỏ trước cổng khu xử lý rác xã Trung Kiên. Đề nghị chị giúp đỡ.

“Ơ hay! Sao lại gọi tôi?”. Không có tiếng trả lời. Bên kia đã tắt máy. Gọi lại cũng không trả lời. Là sao nhỉ. Sao họ không gọi người khác. Mình cũng một đống con, giai gái đủ cả, có hiếm muộn gì đâu mà cần. Chả hiểu. Thôi kệ.

Thị quay trở lại chỗ ngồi cũ. Nhưng, cái tin trên làm thị đờ mặt giữa những gương mặt phấn chấn vui vẻ, tai không còn nghe thấy gì mặc dù tiếng nhạc đập ình ịch, tiếng nói cười ào ào. Đứa bé mới sinh bị bỏ rơi? Giời rét thế này? Thị hình dung một sinh linh yếu ớt đang co quắp trước gió lạnh. Từ đây lên chỗ đấy không xa. Có thể gọi thêm người đi cùng? Nhưng, người quen đang mải ăn uống hát hò, đang vui vẻ. Phiền người ta quá. Trước một cái tin vớ vẩn một phần thực chín phần hư như thế này thì không nên phiền mọi người. Vả lại, đang ban ngày ban mặt. Chả cần. Chả sợ. Đi!

Một cái làn nhựa đỏ để nơi khuất gió cạnh cột cổng bãi rác. Thị chống chân xe máy chạy ngay đến nhìn vào trong làn. Đứa bé nhỏ xíu như con chuột bọc kỹ trong mấy cái tã lót bẩn, chỉ còn hở cái mũi. Thị khẽ kéo cái tã, một khuôn mặt tím tái, da trán nhăn nheo, hai má teo tóp như mặt khỉ với cặp mắt nhắm nghiền. Chạm ngón tay vào mũi, nó khe khẽ động đậy. Lạy giời, đứa bé còn sống! Cha tổ bố thằng cha con mẹ nào mà độc ác thế. Không nghĩ gì thêm, thị vội vàng ôm cái làn áp vào ngực, một tay lái xe phóng thẳng về nhà.

Việc đầu tiên cần làm là thị lấy hộp sữa của đứa con gái út đem hâm nóng rồi tra vào bình sữa. Con gái đã ba tuổi nhưng là út, thỉnh thoảng vẫn đòi mẹ cho bú bình nên vẫn còn cái bình sữa có núm vú cao su. May thế. Vừa ngửi mùi sữa, đứa bé đã há miệng táp ngay vào cái núm cao su rồi lún tọp má. Nhìn đứa bé mà thị không cầm nổi nước mắt. Thương quá. Từ từ con ơi kẻo sặc. Gần hết bình sữa thì đứa bé hấp háy rồi mở to đôi mắt đen nhìn thị. Ánh mắt bình thản và tin tưởng... Tự nhiên thị thấy gắn bó với nó, tự nhiên thấy trong ngực rân rân như khi còn nuôi con nhỏ.

Đứa bé nhặt được là bé gái. Lúc bế nó lên, dưới đáy làn là một mảnh giấy và mấy tờ bạc hai nghìn, năm nghìn đồng nhưng thị chẳng để ý. Với thị bây giờ là phải thay tã lót ấm ngay cho cái hình hài nhỏ bé, tay chân gầy guộc như xương gà. Khi được ăn no, khuôn mặt con bé dần hồng hào tuy da trán vẫn nhăn nheo, hai má vẫn teo tóp nhưng đôi mắt đã trở nên linh hoạt hơn. Nó hấp háy nhìn thị rồi dụi đầu vào ngực thị như tin tưởng gửi gắm. Cha bố nhà nó, đến là dễ nết. Mới được ít sữa, được ủ ấm đã thiu thiu ngủ.

Bây giờ thị mới để ý đến cái làn. Mấy tờ bạc hai nghìn và năm nghìn nằm lộn xộn dưới đáy làn. Thị đếm được ba mươi hai nghìn đồng. Một tờ giấy ghi nguệch ngoạc mấy chữ: "Cháu mới 14 ngày tuổi. Làm ơn nuôi giúp". Chẳng thấy ký tên.

- Chị còn giữ mảnh giấy không?

- Dạ, còn ạ. Em giữ mảnh giấy mấy lị toàn bộ tã lót, mấy lị cái làn nhựa, mấy lị toàn bộ số tiền để sau này nếu ai đến nhận cháu thì có cái làm bằng chứng ạ.

Anh công an gật đầu. Ánh mắt đã thân thiện hơn, như khuyến khích...

Có nên kể tiếp không nhỉ. Mình đang làm sai cái gì nhỉ? Chắc chắn việc đón đứa bé đưa về nhà chăm sóc là không sai, không vi phạm pháp luật. Còn những việc về sau thị cũng thấy không sai nhưng cứ ngờ ngợ về cái sự đúng đắn. Thôi thì cứ kể.

Được cái con bé ngoan, hay ăn lại dễ nết. Cứ ăn no là ngủ. Thức dậy thì nằm im, mắt hấp háy nhìn lên trần màn. Cái môi chun lại ọ ẹ chứ không khóc, không đòi bế, khi đái ỉa thì cong người lên báo trước. Như thể biết thân biết phận con rơi con nhặt. Thương thế. Mới có bốn ngày được mẹ con thị chăm sóc mà con bé trông khác hẳn, da dẻ đã hồng hào hơn, mặt mũi đã dãn nếp nhăn. Hình như nó đang hồi lại trạng thái như hồi sơ sinh

Từ hôm nghe tin nhặt được đứa bé, bà con xúm lại chia sẻ. Ối giời, may mắn thế. Nhẽ người ta gửi con vào chỗ chị là đã có tính toán hay sao í. Mà đúng là như sắp xếp thật, vì sao không điện thoại cho người khác mà lại gọi cho thị - một người trước đây đã học trung cấp y tế nhưng vì không có tiền chạy vào biên chế nên giờ chuyên chăm sóc trẻ sơ sinh. Thị vốn mát tay lại yêu trẻ nên uy tín khắp vùng. Mỗi khi nâng đứa trẻ sơ sinh trên tay, nhìn cái hình hài nhỏ bé miệng chúm lại ọ ẹ, tay chân khua khoắng thì trong lòng thị bỗng trào dâng yêu thương và hạnh phúc như được nâng niu những thiên thần.

Người nọ truyền người kia nên tháng đầu tiên sau khi sinh ai cũng nhờ đến thị tắm táp cho trẻ con hằng ngày. Ngày ít bù ngày nhiều, ngày nào cũng có đôi ba trăm. “Nhưng, mẹ nó giờ bận vào con bé thì chắc không đi làm được. Kể cũng tội". Rồi người thì mươi nghìn, người thì vài kí gạo, mớ rau. “Để mẹ nó yên tâm chăm sóc con bé”. Nói vậy nhưng cũng nhiều người bên cạnh lòng tốt thì còn tò mò xem cái mặt con bé có giống chồng thị, có giống mấy đứa bé nhà thị không. Ấy cũng là cái sự tò mò và đa nghi của người đời.

Nhưng, chắc chắn chồng thị không bao giờ làm chuyện ấy vì hắn vốn hiền như đất. Ngay hôm đầu tiên khi đón con bé về hắn đã càu nhàu rằng thì là nuôi con mình đã vất vả lại còn đón thêm đứa nữa, biết có nuôi nổi không. Miệng nói thế nhưng hắn vẫn lầm lũi chăm sóc, làm cả những công việc hằng ngày của vợ để thị chuyên chú vào trông coi con bé. Hơn nữa, khi thị vừa đưa đứa bé về nhà thì chồng đã trình báo chính quyền. Trên xã đã cử người xuống thăm nom và khám bệnh cho con bé. Người ta bảo rằng cứ trông nom con bé mấy ngày rồi người ta tìm xem gia đình nào hiếm muộn sẽ vận động họ đón về nuôi.

Cho đến chiều hôm qua lại có cú điện thoại từ số máy lạ gọi đến. Lần này thì thị nghe luôn. Bên đầu kia có tiếng đàn ông khàn khàn rằng tổ chức từ thiện “Trái tim yêu thương” đã biết tin chị đang cưu mang đứa bé bị bỏ rơi. Họ đã vận động mọi người trên toàn thế giới quyên góp giúp đỡ. Hiện nay số tiền quyên góp được hơn ba chục triệu. Ngày mai sẽ chuyển đến cho chị. Nói vậy rồi người ta cúp máy luôn.

Thị nghe vậy mà ruột gan như đánh sóng. Mừng. Dẫu chưa nhìn thấy ba chục triệu nhưng vẫn mừng. Số tiền ấy là quá lớn đối với thị. Ba chục triệu có thể nuôi con bé được vài năm ấy chứ...

Nhẽ chiều nay tiền sẽ tới. Nhưng, giờ đã bị công an hỏi.

Thị đưa cho anh công an cái điện thoại đã lưu số máy lạ. Anh công an cầm điện thoại, nhìn số máy rồi gấp cái cặp hồ sơ và đưa tay ra hiệu cho người đứng ở góc phòng. Hai người ra ngoài. Còn một mình thị trong phòng với cái bàn trống trơn. Im lặng đến nghẹt thở. Cảm tưởng thời gian như ngừng lại. Nhẽ phải đến vài chục phút thì một người quay vào.

- Bây giờ chị đi cùng chúng tôi về nhà đón cháu nhỏ rồi đưa cháu về trả cho mẹ nó.

Ôi giời. Phúc đức quá. Vậy ra công an đã tìm ra người đàn bà nhẫn tâm bỏ đứa bé. Nghĩ thương con bé mà lại giận con mẹ nó ác. Vậy ra chỉ ngủ với chồng cho sướng rồi đẻ con lại đem vứt đi. Thật không ra cái giống đàn bà! Đàn bà ai nỡ bỏ con. Chợt anh công an nghiêm nghị:

- Tại sao họ không gọi cho người khác mà chỉ gọi cho chị để báo tin cháu bé bị bỏ rơi?

Thị giật mình. Ờ nhỉ. Điều này thị không hề nghĩ tới. Tại sao nhỉ. Từ lúc đưa con bé về chưa bao giờ thị nghĩ tới. Có lẽ bận chăm sóc con bé nên đầu óc không có lúc nào rảnh để nghĩ. Tại sao nhỉ? Thị cúi mặt. Biết trả lời thế nào bây giờ.

*

Một bên là cánh đồng đang mùa làm ải, đất cày phơi bạc trắng, cách đường vài trăm mét bên rìa làng nổi lên một cái gò cao hơn mặt ruộng. Bên kia là làng xóm đông đúc, nằm ở giữa cái ranh giới làng và ruộng nhô lên một mái nhà mờ mờ trên nền trời mùa đông xám xịt. Xe dừng lại trên đường cái, thị cúi mặt bế đứa bé theo sau hai anh công an, rón rén, được một cán bộ xã dẫn đường bước men bờ đỗi nhỏ khấp khểnh ổ gà, lăn lóc những hòn đất ải cứng như đá.

Đang mùa đông, ven đường trơ trụi cỏ khô xơ xác. Bốn người cúi mặt dò đường lặng lẽ đi theo hàng dọc. Không ai nói với ai, lặng im như đưa đám. Chỉ có tiếng gió bấc rít veo véo bên tai. Những ngọn gió bị cản lại bởi khối nhà cửa trong làng đành men theo rìa làng trút giận dữ vào những gì nó gặp. Gió quất vào mặt người đi, gió len qua ống tay áo lùa vào da thịt buốt như kim châm. Thị khom người, hai tay vừa bế đứa bé vừa đỡ cái nón úp trước ngực chắn gió cho sinh linh nhỏ bé. Vài trăm mét mà sao đi lâu thế. Khổ thân con tôi. Sắp đến nơi rồi. Thị lẩm bẩm nói với con bé suốt chặng đường. Cũng may, con bé đã được ăn no trước khi đi nên vẫn ngủ im thin thít trong vòng tay thị.

Rồi cả đám cùng ngẩng đầu khi thấy một căn nhà nhỏ mái bằng tường vôi còn khá mới nhưng chỉ duy nhất một cái cửa không khép. Nhìn vào trong thấy hun hút đen như hang tối đầy bí hiểm. Vọt ra từ trong nhà là một đứa bé với tấm áo người lớn chùng chấm đất trông như một nấm đất biết đi. Người ta nhận thấy đó là bé gái vì trên đỉnh đầu là một lọn tóc được túm lại bằng một mớ dây chun thành cái cọng chổng ngược lên với cái đuôi lơ phơ hoe hoe nâu. Đôi mắt con bé ngơ ngác nhìn sắc phục công an rồi nhìn người đàn bà lạ. Ánh mắt ấy sáng lên khi thấy đứa bé đang bọc trong tấm chăn trước ngực người đàn bà. Rẽ ngang bỏ qua những người đàn ông, con bé chạy đến bám chân người đàn bà. Mắt nó ngước lên hoảng hốt cầu khẩn, tay chới với níu cái bọc, miệng ngọng nghịu hét: “Em pé. Em pé cụa cháu!”.

Tiếng kêu lanh lảnh của con bé át cả tiếng gió bấc đang rít ù ù. Trong nhà có tiếng lịch kịch..., lát sau một khối người đồ sộ lấp đầy khuôn cửa tối. Một khuôn mặt đàn bà phúng phính với đôi mắt nhỏ đờ đẫn và cái miệng rộng lộ hàm răng vàng xỉn. Một bàn tay mập mạp xòe ngửa đưa ra khi đôi mắt vẫn đờ đẫn vô hồn, cái miệng mấp máy thả ra những tiếng đầy đầy như rụt lưỡi bảo con đổi bún. Đổi bún mà. Cho xin tiền nhá!

Thị không ngạc nhiên trước cảnh này vì trên xe đã được anh công an cho biết người đàn bà này vốn tính dở dở. Cô ta thuộc diện quá lứa lỡ thì, sống cùng mẹ già trong xóm. Khi bà cụ mất thì cô thành người độc thân. Chả biết ma xui quỷ khiến hay bởi cái tính dở dở hâm hấp nên cô ta bán nhà đất trong xóm rồi ra tá túc chuồng trâu hợp tác xã vốn bỏ hoang từ lâu. Và rồi, từ cái chuồng trâu này cô không chồng mà chửa. Đẻ được đứa thứ nhất thì tiền hết, mẹ con cô sống lay lắt nhờ vào sự giúp đỡ của bà con trong xóm và trợ cấp ít ỏi từ chính quyền.

Không thể để cho hai mẹ con sống mà không có chỗ ở, xã vận động mọi người quyên góp làm cho vài gian nhà kiên cố. Được vài năm lại chửa đứa thứ hai. Không biết bố của chúng là ai vì ai hỏi cô ta cũng lắc đầu cười rằng không biết. Nó đã nói không biết thì người ta không dám gặng hỏi nữa. Cánh đàn ông từ đấy ngại chạm mặt cô ta. Ngại vì sợ sau khi gặp, người ngố lưu danh mình trong mớ hỗn độn tâm thức... rồi một lúc nào đó tự nhiên nó nhớ ra, nó réo lên thì oan gia. Nhưng, người ta cười cợt kháo nhau rằng không biết thằng đàn ông nào đủ dũng cảm để ngủ với một đứa con gái vừa béo vừa xấu lại vừa chập mạch.

Cho đến cách đây mấy hôm thì có hai người đàn ông phi xe máy đến bế bé gái mới sinh đem đi. Ai hỏi thì người mẹ ngớ ngẩn bảo rằng bán rồi, đổi bún rồi. Được bao nhiêu tiền? Người mẹ ngơ ngác cười cười nhe hàm răng vàng xỉn giả nhời chả biết. Đúng là con ngố. Người ta nghĩ: thôi thế cũng được chứ đã ngơ ngẩn vậy thì làm sao có thể nuôi hai đứa con. Vả lại, con bé được nhà hiếm muộn nhận nuôi chắc sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn chứ làm sao có thể sống được với người mẹ ngớ ngẩn. Nhẽ rồi sớm muộn cũng thành ra ngớ ngẩn.

Và, đứa bé hơn chục ngày tuổi đến tay thị như định mệnh. Không. Như một tai họa thì đúng hơn. Trong đầu thị lại lởn vởn câu hỏi tại sao họ không gọi cho người khác mà chỉ gọi cho thị để báo tin cháu bé bị bỏ rơi? Câu hỏi mà đến giờ thị vẫn chưa trả lời được. Chưa biết chừng người ta đang coi mình là đồng phạm bắt cóc trẻ em cũng nên. Nghĩ đến đây ruột gan thị bỗng cồn cào, người lâng châng như lên cơn sốt giữa trời giá lạnh. Sao tôi khổ thế này. Ách giữa đàng tự quàng vào cổ.

Thị trao đứa bé cho mẹ nó. Người đàn bà ngố đón lấy đứa bé một cách miễn cưỡng như đón một món đồ vật mà mình không muốn, miệng lắp bắp rằng giả lại à, không đổi bún à... Con bé lớn đưa tay kéo mẹ nó ngồi phệt xuống ngay bậc cửa. Nó rờ vào má em gái rồi hôn tới tấp lên khuôn mặt đứa bé trong khi miệng ríu rít em pé, em pé. Một lát sau nó ngẩng lên, cẳng tay áo rộng thùng thình quệt ngang mũi để lại vệt đùng đục vắt ngang trên đôi má đỏ ửng vì rét. Con bé nhìn mọi người, đôi mắt tròn của nó loáng ướt. Ánh mắt vừa mừng vui, vừa biết ơn, vừa ngưỡng mộ... như ánh mắt một con cún nhìn lên chủ. Thị nhìn chị em nó mà thấy nhẹ nhõm hẳn, mọi lo lắng cũng vơi bớt phần nào.

*

Chiều, trời đột nhiên hửng nắng. Dù trong phòng vẫn lạnh nhưng nhìn ra ngoài sân những vệt nắng vàng xuyên qua tán cây làm người ta thấy thơ thới và ấm áp. Thị đứng khép nép tay bíu vào thành ghế dựa trước một dãy bàn dài trong căn phòng rộng rãi với cờ quạt, khẩu hiệu trang nghiêm. Mọi thứ trang trí trong phòng họp của công an địa phương làm thị thấy thoải mái hơn nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo. Không biết chiều nay người ta lại triệu tập mình lên làm việc tiếp là việc gì. Mình đã khai báo thành thực và cũng đã trả lại đứa bé cho mẹ nó rồi cơ mà.

Anh cán bộ công an buổi sáng nhanh nhẹn bước vào bên kia dãy bàn đối diện. Anh gật đầu chào và bảo chị ngồi xuống đi. Thị khe khẽ nhấc cái ghế, cố không để gây ra tiếng động và khép nép ngồi vào mép ghế. Bồn chồn và lo sợ không biết lại thêm việc gì nữa.

Anh công an nhìn thẳng vào người đối diện với vẻ mặt nghiêm nghị nhưng tươi tắn. Thị ngồi nghe mà căng thẳng. Giời ơi. Không ngờ sự việc lại như thế. Không ngờ thị đã vô tình trở thành một mắt xích trong cái đường dây tội phạm vừa trắng trợn, vừa tinh vi. Cũng may mà khi vừa nhặt được đứa bé, thị đã trình báo chính quyền và cũng chưa nhận đồng nào từ tay họ.

Kết thúc buổi làm việc, thị phóng ngay về nhà. Vào đến sân thị thấy lố nhố trong nhà đầy những người là người. Kẻ đứng người ngồi chật cả ba gian nhà. Vừa thấy thị, tất cả ùa ra sân hỏi con bé đâu mà về một mình? Thị vừa gạt cái chân chống xe, vừa trả lời bằng cái giọng hồ hởi: giả rồi. Giả cho mẹ đẻ nó rồi các ông các bà ạ. Kinh thật, sợ thật các ông các bà ạ! Lại nhao nhao rằng làm sao mà sợ? Thị vuốt tóc rồi chậm rãi kể. Đám đông há hốc mồm đứng nghe như thể ngày xửa ngày xưa tập trung dưới cột loa truyền thanh để theo dõi “Câu chuyện cảnh giác”.

Qua lời kể bập bõm của thị, mọi người biết được có mấy người tổ chức thành nhóm thiện nguyện mang tên “Trái tim yêu thương” chuyên quyên góp tiền của trong nhân dân để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Khi biết cô ngố ở xã bên cách đây dăm cây số sinh đứa con thứ hai trong hoàn cảnh khó khăn thì họ đến xin cháu bé và đưa cho cô ta mấy trăm bạc. Cô này thấy không phải nuôi con mà lại được tiền thì mừng quá, đồng ý ngay.

Vậy là họ dàn dựng thành kịch bản đưa cháu bé đến đặt tại cổng khu xử lý rác và gọi điện cho thị đến đón. Sau đó họ tung tin cháu bé bị bỏ rơi đã được người hảo tâm đón về, giờ người ấy cũng khó khăn nên kêu gọi mọi người chung tay góp sức để nuôi cháu bé. Chỉ trong có mấy ngày họ đã quyên góp được hơn trăm triệu. Nhưng, họ chỉ hứa chuyển cho thị ba chục triệu.

Theo như bên công an điều tra thì đây là nhóm tội phạm có tổ chức chuyên lợi dụng lòng tốt của mọi người để thu vén tiêu xài cho mục đích cá nhân. Hơn nữa, chúng lợi dụng hoàn cảnh ngặt nghèo của người ta để trục lợi mà không quan tâm tới tính mạng của cháu bé mới hơn chục ngày tuổi. Đây là hành động tội ác mà không mục đích nào có thể bao biện.

Nghe đến đây thì mọi người biến sắc. Vậy thì đúng là kinh nhỉ! Ác nhỉ! Khốn nạn thế! Nhưng mà sao người ta lại gọi chị xuống công an? Ô hay, người ta phải gọi để lấy lời khai, lấy tang chứng vật chứng. Ờ nhỉ, cũng phải thôi. Phải vạch mặt chúng nó, cho nó vào tù chứ lị. À mà sao nó lại gọi cho chị mà không gọi cho người khác. Nếu chị không đón nhẽ để con bé chết à?

Đúng như câu hỏi mà anh công an đã đặt ra với thị lúc sáng. Bây giờ thì thị đã có câu trả lời sau khi anh cán bộ công an cho biết chính cái sự thị không thể trả lời lại là minh chứng cho sự vô tư của mình. Bọn tội phạm tinh ranh lắm. Theo như lời khai của bọn bị bắt thì chúng hỏi số điện thoại của chị qua những người có con được chị tắm táp lúc sơ sinh. Và, chúng cũng biết chị là người yêu trẻ nên chắc chắn nghe tin ấy chị phải đến đón.

Thế bọn nó bị bắt rồi à? Vâng, bắt rồi, các ông các bà ạ. Thị hân hoan trả lời mọi người và trong lòng tự nhiên cảm thấy hãnh diện. Nhẽ từ nay làm gì cũng phải minh bạch, công khai, thật tâm để không bao giờ bị bọn người xấu xa lợi dụng.

Khi cả nhà ngồi ăn cơm, đứa con gái lớn của thị tự dưng nhắc đến em bé không biết bây giờ đã ngủ chưa, có được bú no không thì thị thấy ruột gan như đánh sóng. Thị bảo con yên tâm đi, chính quyền xã xóm và bà con ở đấy đã rút kinh nghiệm và hứa sẽ có kế hoạch giúp đỡ cho nhà em bé rồi. Miệng thì nói vậy nhưng bụng vẫn lo lo. Nhẽ mình phải thỉnh thoảng đến thăm hỏi bảo ban mẹ con nhà nó. Từ đây đến đấy dăm cây số chứ xa xôi gì.

Nam Định, tháng 5/2024

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/tu-thien-i732005/