Tự tiêm canxi tại nhà suýt hỏng cánh tay
Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam N.T.P, 82 tuổi, đến khám trong tình trạng vùng khuỷu tay phải bị sưng nề, loét chảy dịch, vận động hạn chế.
Theo lời kể của người bệnh, trước vào viện khoảng 1 tuần, ông P. tự tiêm canxi đường tĩnh mạch vùng khuỷu tay phải tại nhà.
Sau tiêm, ông thấy vùng khuỷu tay phải sưng nề và dần xuất hiện các dấu hiệu loét, chảy dịch nhiều, không thuyên giảm.
Tại TTYT huyện Hạ Hòa, Phú Thọ các bác sĩ tiến hành thăm khám, cho thấy: khuỷu tay phải có vết loét kích thước 5x5 cm, chảy dịch, có giả mạc, xung quanh sưng nề tấy đỏ, hạn chế vận động.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng khuỷu tay phải sau tiêm canxi không đúng chỉ định và kỹ thuật tiêm, người bệnh tiếp tục theo dõi, điều trị tại Khoa Ngoại Tổng hợp – Gây mê hồi sức, TTYT huyện Hạ Hòa. Sau 3 ngày điều trị, hiện, sức khỏe người bệnh ổn định, vết loét khô, không còn sưng tấy.
BS Phạm Lê Tùng - Khoa Ngoại Tổng hợp – Gây mê hồi sức, TTYT huyện Hạ Hòa, Phú Thọ cho biết: Trung tâm đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng do tiêm truyền tại nhà. Không chỉ tiêm canxi, mà các loại thuốc khác qua truyền dịch không đúng kỹ thuật và liều lượng hiện nay đang bị lạm dụng đã gây hậu quả nghiêm trọng, có thể nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.
Tiêm canxi bắt buộc phải tiêm tĩnh mạch chậm, không được tiêm bắp hay tiêm dưới da vì chỉ cần tiêm tĩnh mạch chệch hay tiêm bắp nông sẽ gây dị ứng vùng tiêm dẫn đến tróc vảy hay hoại tử da và chỉ tiêm khi có chỉ định của bác sĩ.
Với mỗi loại thuốc sẽ có các đường dùng khác nhau. Đối với đường tiêm truyền phải được thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu. Vì vậy, khi có vấn đề sức khỏe, người dân cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách, tránh các biến chứng đáng tiếc.