Từ tiếng chinh kala đến nhịp sống mới
Giữa những ngày tháng Tư rực lửa, nơi núi rừng Ba Tơ (Quảng Ngãi) ngân nga tiếng chinh kala - âm thanh mộc mạc nhưng da diết, mang theo cả ký ức và tâm hồn của đồng bào Hrê.

Nghệ nhân Phạm Văn Lậc là người am hiểu các giá trị văn hóa của người Hrê
Từ đôi tay tài hoa và trái tim nồng nhiệt của nghệ nhân Phạm Văn Lậc, thanh âm ấy tiếp tục lan tỏa, bắc nhịp cầu nối liền quá khứ và hiện tại.
Người Hrê ở miền Tây Quảng Ngãi tự hào với kho tàng văn hóa phong phú mà tổ tiên để lại. Trong đó, âm nhạc dân gian là một dòng chảy bền bỉ, thấm sâu vào nếp sống hằng ngày, vào từng mái nhà, nếp rẫy...
Khúc ca nối nhịp yêu thương
Giữa làn sóng hiện đại hóa, khi nhiều giá trị xưa dần phôi pha, nghệ nhân Phạm Văn Lậc, 66 tuổi, ở thôn Mang Lùng 2, xã Ba Tô, vẫn bền bỉ giữ gìn tiếng chinh kala - nhạc cụ truyền thống được cha ông sáng tạo từ những đốt tre mộc mạc.
Chiếc chinh nhỏ nhắn, chỉ dài chừng 30cm, hai đầu gắn thanh gỗ làm ngựa đàn, nhưng khi buông tiếng lại ngân vang như chiêng đồng, chuyên chở hồn cốt của núi rừng và của cả dân tộc Hrê.
Với nụ cười hiền hậu, ông Lậc ôm chinh kala vào lòng, đôi tay gảy lên những giai điệu ngọt ngào, như thể đang kể cho mọi người nghe về những ngày rong ruổi nương rẫy với tiếng đàn làm bạn.
“Ngày trước, chiêng đồng quý giá lắm, nhà nào cũng muốn có mà ít ai mua nổi. Người Hrê mình mới nghĩ ra chiêng tre - vừa đơn sơ, vừa gần gũi, mà âm sắc thì vẫn chan chứa nỗi niềm”, ông Lậc chia sẻ.
Đàn tre không chỉ là tiếng nhạc giải trí, mà còn là người bạn đồng hành cùng bà con trong cuộc sống đời thường, lúc nghỉ ngơi trên rẫy, lúc sum vầy bên bếp lửa gia đình.
Không chỉ thành thạo chinh kala, ông Lậc còn say mê những làn điệu dân ca Hrê. Từ hát ta lêu đến hát ca choi - điệu giao duyên tình tứ giữa núi rừng, tất cả đều được ông giữ gìn như một phần máu thịt.
Những giai điệu ấy được truyền lại qua từng thế hệ, không chỉ thắp lửa cho tâm hồn người Hrê mà còn gắn kết từng mái ấm, từng cộng đồng nhỏ bé trong đại ngàn Ba Tơ.
Những năm gần đây, nghệ nhân Phạm Văn Lậc không chỉ biểu diễn mà còn sáng tác nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Hrê. Từ bài hát 80 năm Khởi nghĩa Ba Tơ khẳng định niềm tự hào dân tộc, đến ca khúc Ba Tô đổi mới ca ngợi quê hương đang thay da đổi thịt nhờ sự chăm lo của Đảng, Nhà nước.
Để mỗi lời ca giai điệu thực sự gắn bó với đời sống cộng đồng, ông Lậc dành nhiều thời gian “về với bản làng”, lắng nghe tâm sự của bà con, cảm nhận từng nhịp đập đổi thay của quê hương.
“Chỉ khi âm nhạc bắt nhịp được với cuộc sống, công tác tuyên truyền mới chạm đến lòng người”, ông bộc bạch.
Truyền lửa văn hóa Hrê cho thế hệ trẻ
Không chỉ say mê lưu giữ tiếng chinh kala, nghệ nhân Phạm Văn Lậc còn dành trọn tâm huyết vun đắp cho những mầm non văn hóa nơi quê nhà. Dưới sự dẫn dắt của ông, Đội văn nghệ xã Ba Tô không ngừng rèn luyện, nâng cao chất lượng biểu diễn, mang đến những tiết mục vừa giàu giá trị nghệ thuật, vừa phản ánh chân thực đời sống và tâm hồn đồng bào Hrê giữa núi rừng đại ngàn.
Từ các sự kiện địa phương đến những sân khấu cấp huyện, cấp tỉnh, đội văn nghệ ngày càng khẳng định vị thế, trở thành cầu nối vững chắc đưa sắc màu văn hóa Hrê lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Không dừng lại ở đó, ông Lậc còn chủ động tổ chức các buổi giao lưu, truyền dạy nhạc cụ dân gian, hát dân ca Hrê cho lớp trẻ trong thôn, xóm và cả trong trường học.
Với lòng kiên trì và sự hướng dẫn tận tâm, ông đã thắp lên trong lòng nhiều bạn trẻ tình yêu sâu sắc với những giá trị văn hóa của dân tộc mình - những giá trị gắn liền với gia đình, cội nguồn và bản sắc cộng đồng.
Theo ông Huỳnh Thanh Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Tô, những năm qua, nhờ sự tâm huyết của nghệ nhân Phạm Văn Lậc, Đội văn nghệ xã Ba Tô đã liên tục gặt hái nhiều thành tích ấn tượng tại các hội diễn, giao lưu văn hóa trong huyện và tỉnh.
“Đóng góp của ông không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa địa phương mà còn là nguồn cảm hứng lớn cho lớp trẻ trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống”, ông Bảo nhấn mạnh.
Nỗ lực của những nghệ nhân như ông Lậc đang hòa nhịp cùng các chính sách lớn về bảo tồn văn hóa dân tộc.
Trong khuôn khổ Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, huyện Ba Tơ đã chủ động mở các lớp truyền dạy nhạc cụ dân gian, đánh cồng chiêng, hát dân ca, do chính các nghệ nhân địa phương hướng dẫn.
Những lớp học này không chỉ mang tính kế thừa mà còn vun đắp lòng tự hào dân tộc, kết nối thế hệ trẻ với cội nguồn - để mỗi làn điệu, mỗi tiếng chiêng mãi ngân vang trong đời sống hôm nay và mai sau.