Tự tin vào ưu thế quân sự, liệu Mỹ có đang bỏ lỡ bài học công nghệ từ Nhật Bản?

Việc Nhật Bản ra mắt nguyên mẫu súng điện từ hoạt động hiệu quả đang làm dấy lên câu hỏi nghiêm túc về hướng phát triển công nghệ quốc phòng tại Mỹ.

Trong khi Tokyo đạt được bước tiến đáng kể với chi phí khiêm tốn, thì các dự án tương tự tại Washington lại bị đình trệ sau nhiều năm đầu tư hàng trăm triệu USD.

Theo National Interest, Lầu Năm Góc trong nhiều năm qua vẫn duy trì quan điểm rằng lực lượng vũ trang Mỹ đã đủ sức sẵn sàng và đủ năng lực để giành chiến thắng trong một cuộc xung đột lớn toàn cầu.

Cơ sở của lập luận này là hàng thập kỷ chi tiêu quốc phòng khổng lồ được bảo trợ bằng ngân sách thuế từ người dân. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của các khoản đầu tư này đang bị đặt dấu hỏi.

Bài học từ các thất bại trước đó

Nhiều chuyên gia và nhà phân tích độc lập cho rằng các cảnh báo về sự thiếu chuẩn bị đã xuất hiện từ lâu. Các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, khủng hoảng chuỗi cung ứng trong đại dịch COVID-19, hay các thách thức từ chiến tranh tại Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông đã làm bộc lộ những điểm yếu cố hữu trong nền công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Việc không đạt được tiến bộ rõ ràng trong nhiều dự án quốc phòng đã khiến dư luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các quyết định đầu tư tại Washington. Một ví dụ tiêu biểu là chương trình phát triển súng điện từ của hải quân Mỹ. Từng được kỳ vọng là bước đột phá công nghệ, dự án này tiêu tốn khoảng 500 triệu USD trước khi bị hủy bỏ vào năm 2021.

Súng điện tử của hải quân Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ

Súng điện tử của hải quân Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ

Súng điện từ là loại vũ khí sử dụng lực điện từ để bắn đạn kim loại với tốc độ siêu thanh, có thể tạo ra khả năng đánh chặn vượt trội đối với các loại tên lửa tấn công. Tuy nhiên, sau khi chấm dứt chương trình, các nguồn lực ban đầu dành cho dự án đã bị chuyển sang các chương trình khác, một số trong đó còn tốn kém hơn và chưa thể hiện được hiệu quả rõ rệt.

Ngược lại, Nhật Bản đã tạo ra một bước tiến đáng kể mà không cần đến khoản đầu tư khổng lồ. Việc Tokyo giới thiệu một nguyên mẫu súng điện từ hoạt động được cho thấy rằng vẫn có khả năng phát triển công nghệ tiên tiến mà không vượt quá ngân sách.

Nhật Bản triển khai súng điện từ thực tế

Nguyên mẫu súng điện từ của Nhật Bản được thiết kế để triển khai trên tàu chiến. Mục tiêu của hệ thống này là nâng cao khả năng phòng thủ chống lại các đòn tấn công bằng tên lửa quy mô lớn. Cơ chế hoạt động của súng điện từ dựa trên nguyên lý sử dụng năng lượng điện từ để đẩy đạn ra ngoài với vận tốc rất cao, cho phép đánh chặn các mục tiêu bay tới với tốc độ lớn.

Tháng 10.2023, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên với nguyên mẫu này trên tàu Asuka. Trong cuộc thử nghiệm, súng điện từ đã bắn tổng cộng 120 viên đạn, đạt tốc độ khoảng 2.000 mét mỗi giây, tức gần Mach 6.

Sau vòng thử nghiệm thành công, Nhật Bản tiếp tục thảo luận việc mở rộng ứng dụng của súng điện từ, trong đó có kế hoạch triển khai trên bộ nhằm củng cố thêm năng lực phòng không quốc gia. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề nguồn năng lượng.

Nếu Nhật Bản có thể giải quyết được vấn đề này và sản xuất hàng loạt vũ khí điện từ trong thời gian tới, họ sẽ có trong tay một giải pháp phòng thủ mang tính chiến lược. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi các hệ thống phòng không truyền thống của nước này được đánh giá là chưa đủ mạnh để đối phó với các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn trong tương lai.

Thay đổi tư duy đầu tư quốc phòng tại Mỹ

Về phía Mỹ, việc Nhật Bản đạt được thành tựu này đặt ra yêu cầu cần xem xét lại các định hướng phát triển công nghệ quốc phòng. Thay vì tiếp tục dồn tiền vào các dự án vượt ngân sách và thiếu khả năng triển khai thực tế, Lầu Năm Góc có thể cân nhắc hợp tác với Nhật Bản để cùng phát triển và sản xuất vũ khí điện từ.

Từ góc độ chiến lược, súng điện từ không chỉ là công cụ phòng thủ hữu hiệu mà còn có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng các hệ thống phòng thủ tích hợp. Việc kết hợp vũ khí điện từ với các công nghệ đánh chặn hiện đại khác có thể nâng cao đáng kể khả năng đối phó với các mối đe dọa đến từ tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu thanh và máy bay không người lái.

Những tiến bộ mà Nhật Bản đạt được cũng cho thấy Mỹ đang bị tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ quân sự, đặc biệt trong bối cảnh các đối thủ như Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất vũ khí hiện đại với tốc độ nhanh chóng. Bắc Kinh hiện đã xây dựng được kho vũ khí tên lửa, vũ khí siêu thanh và hệ thống máy bay không người lái có khả năng gây khó khăn lớn cho các biện pháp phòng thủ truyền thống của phương Tây.

Trong khi thời gian không đứng về phía các cường quốc hiện tại, việc linh hoạt trong chính sách đầu tư, tận dụng các mô hình hiệu quả như Nhật Bản đang làm là điều cần thiết nếu Mỹ muốn duy trì lợi thế quân sự trong tương lai gần.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tu-tin-vao-uu-the-quan-su-lieu-my-co-dang-bo-lo-bai-hoc-cong-nghe-tu-nhat-ban-232324.html