Đường 20 Quyết thắng - Nơi mỗi cây số đều thấm máu, mồ hôi và nước mắt

Cựu chiến binh Trần Xuân Bình (78 tuổi, quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) tâm sự, trên đường 20 Quyết thắng, mỗi cây số đường, mỗi con suối khét mùi bom đạn, trộn lẫn thép gang, mồ hôi và máu với đầy ắp những chiến tích và cả những hy sinh không sao diễn tả hết, nhất là ở các trọng điểm đánh phá của địch.

Trọng điểm Cà Roòng ATP trên đường 20 Quyết thắng.

Trọng điểm Cà Roòng ATP trên đường 20 Quyết thắng.

Cung đường góp công lớn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Để phá thế độc đạo nối liền Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trên “đất lửa” Quảng Bình chi viện cho chiến trường miền Nam, từ cuối năm 1964, bộ đội Trường Sơn bắt đầu chuyển từ gùi thồ sang vận chuyển cơ giới. Tuy nhiên, tuyến vượt khẩu cơ giới duy nhất lúc này là đường 12 từ Khe Ve, Mụ Giạ, nối với đường 128 trên đất Lào, qua Seng Phan, Lùm Bùm... nhập vào đường 9 tại Na Bo.

Do đó, tuyến đường này trở thành “tử huyệt” đánh phá của giặc Mỹ khiến việc tiếp tế vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam không thể thông suốt. Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 trình và được Quân ủy Trung ương chuẩn y kế hoạch mở trục đường ngang mới (đường 20) xuất phát từ Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay.

Cũng từ đó, đường 20 trở thành tọa độ lửa, trọng điểm đánh phá của địch. Chính tuyến đường huyết mạch quan trọng này, nhiều bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến mãi mãi ra đi ở tuổi thanh xuân để làm nên huyền thoại Trường Sơn lịch sử.

Thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch là nơi bắt đầu (Km0) của đường 20, đi thêm một đoạn nữa là tới bến phà Xuân Sơn. Trên tuyến đường này, có rất nhiều đền tưởng niệm liệt sĩ, bia đá khắc ghi kỳ tích làm nên con đường, làm nên những nốt nhạc hòa thành bản hùng ca Trường Sơn huyền thoại.

Hơn 50 năm về trước, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, bến phà Xuân Sơn vẫn bảo đảm nhiệm vụ đưa người, các phương tiện vận chuyển hàng hóa, vũ khí, quân lương, quân trang qua sông Son, chi viện cho chiến trường miền Nam. Mỗi cân gạo, mỗi khẩu súng đến đích kịp thời sẽ góp phần quyết định sự thắng lợi của mỗi trận đánh.

“Một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan” của chiến tranh du kích

Tháng 3/1973, thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn. Đứng trên trọng điểm ATP còn nguyên màu đất đỏ, Đại tướng từng nói: “Đường 20 xứng đáng là “một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan”. Tài liệu của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam nhận định, đường 20 là trục ngang có mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn.

Có thời điểm tháng 11/1969, suốt 15 ngày đêm, địch sử dụng B-52 kết hợp với máy bay cường kích F-105, F-4 đánh liên tục vào trọng điểm. Nếu di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh có 46 điểm di tích, thì riêng đường 20 Quyết thắng có 6 di tích là phà Xuân Sơn, hang Tám Cô, dốc Ba Thang, ngầm Cà Roòng, hang Thông tin, hang NH là di tích quốc gia đặc biệt; Trạ Ang là di tích quốc gia. Nơi có gần 8.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến tham gia mở đường 20 thông suốt.

Kết thúc mùa khô năm 1967-1968, đường 20 vinh dự được mang tên đường 20 - Quyết thắng. Mỗi cây số đường, mét ngầm trên đường 20 đều thấm máu, mồ hôi, nước mắt của những người xây dựng, bảo vệ và vận hành tuyến đường của bộ đội Trường Sơn.

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cho biết, chiến tranh đã lùi xa, song trên tuyến đường 20 Quyết thắng huyền thoại có rất nhiều tượng đài, đền tưởng niệm, bia đá khắc ghi chiến công và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ.

Điều ghi nhớ sâu sắc nhất đó là sự hy sinh anh dũng của các lực lượng tham gia trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong... Bến phà Xuân Sơn là nơi bắt đầu của những chuyến hàng chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là “địa chỉ đỏ”, nơi chúng ta từng trải qua những khó khăn, gian khổ và sự ác liệt, nhắc nhở mọi người phải ghi nhớ về mảnh đất anh hùng.

“Tất cả điều đó đã thể hiện bản lĩnh, ý chí, tinh thần của người lính Cụ Hồ, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt bao thế hệ của quân và dân Quảng Bình. Có trải qua những năm tháng chiến tranh mới thấy được ý nghĩa to lớn của chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, mới cảm nhận hết và trân trọng công lao to lớn của thế hệ cha ông đã hy sinh và để lại một phần xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc cho cuộc sống bình yên, tươi đẹp hôm nay” - ông Đinh Tiến Khâm, Chủ tịch Hội CCB huyện Minh Hóa nhắc lại những ngày tháng Tư lịch sử đang cận kề.

Minh Phương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/duong-20-quyet-thang-noi-moi-cay-so-deu-tham-mau-mo-hoi-va-nuoc-mat-post547018.html