Từ trại giam, bà Trương Mỹ Lan gửi đơn đến Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về việc thi hành án

Bà Trương Mỹ Lan đã có đơn đề nghị gửi đến Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về việc tổ chức thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát.

Từ trại tạm giam T17 - Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan (bị án trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1,2) đã có đơn gửi đến Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về việc tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt Ban chỉ đạo).

Trong đơn, bà Trương Mỹ Lan kính đề nghị Ban chỉ đạo đặc biệt quan tâm đến việc định giá tài sản phù hợp với giá thị trường, tăng giá trị thu hồi tài sản cho nhà nước.

 Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Theo bà Lan, trong giai đoạn 1 của vụ án, trong số 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay, Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá 726/1.166 mã tài sản và không định giá 440/1/166 mã tài sản.

Có 440 mã tài sản không được Công ty Hoàng Quân định giá bị Ngân hàng SCB quy giá trị bằng 0. Bà Lan cho rằng cho những tài sản có giá trị rất lớn như quyền sử dụng đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, số 190 Nam Kì Khởi Nghĩa...

Đối với 726 mã tài sản, Công ty Hoàng Quân đã định giá 253.4561 tỉ đồng là thấp hơn giá trị bình thường rất nhiều lần.

Cạnh đó, các chứng thư thẩm định giá của Hoàng Quân đối với 726/1.166 mã tài sản đã lấy mốc là thời điểm 30-9-2022. Đến ngày 21-10-2024, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM và giá đất đã tăng lên kể từ ngày 31-10-2024.

Bà Trương Mỹ Lan cho rằng, khi đối chiếu với bảng giá đất mới, các dự án, tài sản của bà Lan đều tăng giá trị 3-5 lần...

Trong đơn đề nghị, bà Lan cho biết vào ngày 17-12-2024, bà đã làm đơn gửi Cục THADS TP.HCM đề nghị định giá lại 726 mã tài sản mà Hoàng Quân đã định giá, theo điều 59 Luật THADS.

Lần này, bà Lan yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền trưng cầu định giá lại toàn bộ mã tài sản đảm bảo (bao gồm 440 mã tài sản chưa được định giá) phù hợp giá thị trường để khắc phục toàn bộ hậu quả cho nhà nước.

Bên cạnh đó, bà Lan xin được tạo cơ chế đặc biệt để cho bà được quyền tham gia vào quá trình định giá, xử lý tài sản... nhằm khắc phục hậu quả hoàn toàn đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Trong bản án phúc thẩm giai đoạn 1 (xét xử tháng 12-2024), TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 16 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Về trách nhiệm dân sự, tiếp tục buộc bị cáo Lan phải có trách nhiệm bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17-10-2022, tương đương số tiền là 673.800 tỉ đồng.

Đối với bản án phúc thẩm giai đoạn 2 (xét xử tháng 4-2025), TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (sơ thẩm tuyên án chung thân); 12 năm tù về tội rửa tiền; 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp với bản án tử hình ở giai đoạn 1 của vụ án, buộc bị cáo Lan phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định, toàn bộ tiền chiếm đoạt từ hành vi phát hành trái phiếu, các bị cáo đều chuyển cho bị cáo Lan sử dụng vào các mục đích cá nhân nên bị cáo Lan phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-trai-giam-ba-truong-my-lan-gui-don-den-ban-chi-dao-lien-nganh-trung-uong-ve-viec-thi-hanh-an-post849099.html