Từ trang sách: Trong veo tiếng Việt

Đó là tên tập sách của nhiều tác giả viết về thơ của nhà thơ Lê Hồng Thiện do NXB Thanh niên ấn hành năm 2024 mà ông vừa gửi tặng tôi.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Đó là tên tập sách của nhiều tác giả viết về thơ của nhà thơ Lê Hồng Thiện do NXB Thanh niên ấn hành năm 2024 mà ông vừa gửi tặng tôi. Nhan đề đó được lấy từ nhận xét của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng về thơ Lê Hồng Thiện - “Trong veo tiếng Việt”.

Tôi đồ rằng không ít người làm thơ dù tóc đã bạc nhưng tâm hồn vẫn tươi xanh, vẫn hồn nhiên, trong trẻo mà người tiêu biểu là nhà thơ Lê Hồng Thiện.

Người ta thường nói trong veo như đôi mắt trẻ thơ. Đọc thơ của nhà thơ Lê Hồng Thiện quả là TRONG VEO: “Lần đầu cầm gương/ Bé cười, bạn cười/ Yêu sao yêu thế/ Trong gương có người...” (Soi gương); “Bé khép cửa lại/ Nhốt nắng trong nhà/ Nắng lại trốn ra/ Dịu dàng nắng nói/ Ở trong bóng tối/ Tôi chẳng ưa đâu (Bé và nắng).

Hay khi đọc tập thơ “Cả nhà cùng vui” của anh, tôi bắt gặp nụ cười hóm hỉnh, cái nhìn trẻ thơ: “Sáng mẹ đi gánh nước/ Gánh hai ông mặt trời/ Thùng sau và thùng trước/ Hai ông sóng sánh cười...” (Gánh nước). Nhiều bài thơ, câu thơ trong đó còn có sức gợi, sức cảm với những dư âm làm ta suy ngẫm: “Gà đẻ ngày quang quác/ Trứng nhỏ lại kêu to...” (Gà và vịt).

 Nhà thơ Lê Hồng Thiện.

Nhà thơ Lê Hồng Thiện.

Điều này được nhiều nhà văn, nhà thơ khẳng định trong những bài viết được in ở tập “Trong veo tiếng Việt”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) tôn vinh Lê Hồng Thiện là “Ông vua thơ thiếu nhi đương đại” và viết: “...Mỗi lần gặp ông, tôi có cảm giác như gặp một ngọn gió thanh xuân nồng nhiệt và phóng khoáng từ một cánh đồng rộng lớn.

Ông luôn cười vang. Tiếng cười sảng khoái của một người già từng thấu hiểu mọi lẽ buồn vui, được mất của cuộc đời này. Tiếng cười vô tư của một đứa trẻ. Cùng với tiếng cười là đôi mắt trong sáng và đầy náo nức...

Thế giới thơ thiếu nhi của ông dựng nên là một thế giới tràn ngập niềm yêu thương con người, tràn ngập những vẻ đẹp thiên nhiên. Ngôn ngữ xuyên suốt trong thơ ông viết cho thiếu nhi là một ngôn ngữ giản dị, chân thành, đẹp đẽ, đầy mơ mộng và trong suốt như đôi mắt trẻ thơ, tinh khôi như đôi mắt trẻ thơ...” (Có một cậu bé mang tên Lê Hồng Thiện).

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) thì cho rằng: “...Lê Hồng Thiện không chỉ bền bỉ chơi được với trẻ con, mà ông còn biến mình thành trẻ con. Lê Hồng Thiện thực sự là một đứa trẻ cao tuổi.

Ông có mái đầu bạc trắng của một ông Tiên, sự từng trải lọc lõi của một người già, nhưng con mắt lại trong veo với cái nhìn trong veo của một đứa trẻ lẫm chẫm vào đời đang ngắm nhìn thế giới rộng lớn...

Đọc thơ Lê Hồng Thiện, ta luôn có sự hứng thú như thế. Đó là cái duyên, cái tài của ông, cũng là đóng góp riêng cho mảng văn học viết cho thiếu nhi. Một mảng văn học quan trọng, tưởng như dễ viết, nhưng không phải ai cũng viết được” (Lê Hồng Thiện vài nét chấm phá).

Bên cạnh đó còn có người viết về cả đời thơ hoặc viết về một vài tập thơ, bình một bài thơ hay mà nhiều người yêu thích của nhà thơ Lê Hồng Thiện. Tôi thích bài viết của PGS.TS Vũ Nho bình về bài thơ “Hoa sen”: “Bông vươn lên trời/ Bông soi mặt nước/ Bông chìm, bông nổi/ Trông đẹp cả đôi// Mặc mưa, mặc nắng/ Không gì chở che/ Thắp suốt mùa Hè/ Thơm tròn ba tháng// Lấy thân làm bấc/ Lấy nước làm dầu/ Hoa thành ngọn lửa/ Đỏ hồng bên nhau”.

Nhà phê bình Vũ Nho viết: “...Bài thơ “Hoa sen” không ca ngợi vẻ đẹp của lá sen lá xanh, bông trắng, nhụy vàng. Bài thơ thú vị ở chỗ nhà thơ phát hiện ra hoa sen chính là một NGỌN ĐÈN, ngọn đèn thiên nhiên thắp suốt mùa Hè.

Đèn cháy nhưng lại phát ra mùi thơm thật dễ chịu. Điều kỳ lạ nữa là loại đèn này không cần chao, không cần bóng, không cần bất cứ thứ gì chở che. Đèn cháy lúc nắng, đèn cháy cả khi mưa... Cái đèn sinh học này không tỏa muội đen, không tỏa mùi hôi của dầu, chỉ tỏa hương thôi. Thật quả là đặc biệt!...”.

 Cuốn sách 'Trong veo tiếng Việt' do NXB Thanh niên ấn hành. Ảnh: DKA

Cuốn sách 'Trong veo tiếng Việt' do NXB Thanh niên ấn hành. Ảnh: DKA

Tôi tâm đắc với nhà thơ Định Hải, Chủ tịch Hội đồng Thơ viết cho thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) khi nói về thơ Lê Hồng Thiện: “...Hơn nửa thế kỷ qua, Lê Hồng Thiện sống giữa đời thường, giữa những người dân quê bình dị.

Ngày ngày sống giữa trẻ thơ, chơi đùa với trẻ thơ và nhìn cuộc sống với đôi mắt trẻ thơ. Bởi vậy, thơ viết cho thiếu nhi của Lê Hồng Thiện rất nhuần nhị, rất có duyên là lẽ thường tình. Không phải là anh đã chọn cho mình con đường làm thơ cho thiếu nhi, mà cuộc đời đã chọn anh, giao cho anh việc đó”.

Trong bài viết “Lê Hồng Thiện - Hơn nửa thế kỷ chạy theo mục đồng bằng sự trong veo của tiếng Việt”, ThS Hồ Thị Phương Trang nhận xét khá chuẩn xác: “...Thơ Lê Hồng Thiện không những có giá trị cao về thẩm mỹ, mà còn giáo dục nhân cách, trí tuệ trẻ một cách toàn diện.

Nhà thơ như mở ra một chân trời ước mơ về một tương lai tràn ngập niềm vui, hạnh phúc đang chờ đón các em. Tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương giữa con người trong gia đình, tình bạn bè đã được Lê Hồng Thiện đưa vào thơ. Tất cả đều gần gũi, quen thuộc nhưng cũng hết sức mới mẻ và kỳ lạ...”.

Lê Hồng Thiện có thơ in trên báo từ năm 15 tuổi. Cho đến nay, ông đã xuất bản 13 tập thơ viết cho thiếu nhi. Ông còn xuất bản nhiều ấn phẩm viết cho người lớn. Tôi đã đọc tập thơ “Tóc dài ơi” của ông với nhiều bài thơ lục bát cũng trong veo: “Gọi đò, đò đã sang sông/ Gọi em, em đã lấy chồng còn đâu/ Gọi thơ, thơ chưa thành câu/ Gọi gió, gió ở thung sâu chưa về/ Thôi đành gọi cỏ ngoài đê...” (Gọi); hay: “...Chạm vào ly rượu/ Chạm vào đắng cay/ Em xinh đẹp thế/ Chưa chạm đã say” (Chạm)...

Bây giờ, không ít người nhân danh “Đổi mới thơ” đã làm xiếc trên từng con chữ, đảo ngang, đảo ngược, triết lý vụn vặt, rối rắm đến khó hiểu... Như vậy không những làm hại thơ mà còn làm hại cả tiếng Việt vốn rất trong sáng... Thiển nghĩ, chúng ta nên vinh danh, có giải thưởng cho nhà thơ Lê Hồng Thiện về bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, vì thơ ông đã góp phần làm TRONG VEO tiếng Việt...

“Điều đáng trân trọng là dù viết về cây cỏ hay con người lúc nào nhà thơ Lê Hồng Thiện cũng chú ý đến tình cảm của các cháu bé”. Nhà văn Tô Hoài nói khi trao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam cho nhà thơ Lê Hồng Thiện (1989)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-trang-sach-trong-veo-tieng-viet-post692384.html