Tử tù mắc ung thư giai đoạn cuối có được miễn thi hành án?

Pháp luật hình sự Việt Nam đã có một bước tiến mới về nhân đạo khi chính thức bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với người mắc ung thư giai đoạn cuối.

Người dân thắc mắc: Tử tù bị ung thư giai đoạn cuối có thoát án tử?

Ông Nguyễn Chí Hùng (50 tuổi, ở xã An Khánh, Hà Nội) hỏi: Nếu một người bị kết án tử hình mà mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, thể trạng suy kiệt, không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội thì có tiếp tục bị thi hành án tử hình không?

Ảnh ninh họa.

Ảnh ninh họa.

Ông Hùng cho rằng án tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống pháp luật nhằm răn đe, trừng trị tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và bảo vệ xã hội.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sau khi tuyên án, phạm nhân lại mắc bệnh hiểm nghèo khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tính nhân đạo và khả năng tiếp tục thi hành án.

Theo luật sư Trương Ngọc Liêu (Công ty luật TAT Law Firm), trước ngày 1/7/2025, theo khoản 3 Điều 40, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chỉ có ba trường hợp được miễn thi hành án tử hình:

Phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Người đủ 75 tuổi trở lên.

Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ, nhưng đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản phạm tội và có thái độ hợp tác tích cực hoặc lập công lớn.

Tuy nhiên, bước ngoặt mới được ghi nhận khi Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ 01/7/2025, bổ sung thêm một trường hợp: người bị kết án tử hình mà mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối sẽ không bị thi hành án tử hình.

Vẫn bị giam giữ nhưng không tử hình

Trường hợp người bị kết án đã có quyết định thi hành án tử hình, thậm chí đã thành lập Hội đồng thi hành án, mà sau đó mới phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối, thì Hội đồng sẽ ra quyết định hoãn thi hành án.

Người này sau đó được bàn giao lại cho trại tạm giam để tiếp tục quản lý, giam giữ theo quy định tại Luật Thi hành án Hình sự 2019.

Tính nhân đạo và hợp lý của pháp luật

Việc bổ sung quy định này cho thấy sự nhân đạo trong chính sách hình sự Việt Nam, khi thừa nhận rằng đối với những người đang ở giai đoạn cuối của bệnh hiểm nghèo, án tử hình không còn là biện pháp răn đe hay cần thiết để bảo vệ xã hội.

Đồng thời, quy định này còn góp phần giảm bớt các thủ tục tố tụng, tiết kiệm chi phí ngân sách và giảm áp lực cho cơ quan thi hành án, hướng đến một hệ thống pháp luật vừa nghiêm khắc, vừa mang tính nhân văn.

Luật sư nhận định: Từ thời điểm ngày 01/7/2025, nếu người bị kết án tử hình được xác định mắc ung thư giai đoạn cuối thì sẽ không bị thi hành án tử hình, dù bản án đã có hiệu lực.

Đây là điểm mới mang tính tiến bộ và nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam, thể hiện cân bằng giữa công lý và lòng nhân ái.

Tiến Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-tu-mac-ung-thu-giai-doan-cuoi-co-duoc-mien-thi-hanh-an-2420162.html