Tu từ việc xếp dép
Những đôi dép ngay ngắn này sẽ được các vị Phật tử khiếm thị rời khỏi giảng đường/ thiền đường mang vào một cách dễ dàng, đi trong trật tự, nhẹ nhàng như chính tôn chỉ đi nhẹ, nói khẽ của chốn thiền môn...
Những đôi dép được xếp ngay ngắn. Đó là hình ảnh tôi ghi được từ khóa tu một ngày tại thiền viện Trí Đức Ni (Đồng Nai) hôm Chủ nhật (9-6-2019). Những đôi dép được xếp đều tăm tắp này là công việc của quý sư cô ở thiền viện - một cách chu đáo cho 165 người “bạn tu” là người mù từ TP.HCM, Bến Tre, Đồng Nai... phát tâm về đây tu tập.
Những đôi dép ngay ngắn này sẽ được các vị Phật tử khiếm thị rời khỏi giảng đường/ thiền đường mang vào một cách dễ dàng, đi trong trật tự, nhẹ nhàng như chính tôn chỉ đi nhẹ, nói khẽ của chốn thiền môn. Chăm sóc khóa tu quá chu đáo, nể mấy sư cô ở đây... là những lời tán thán của tất cả những ai đã về thiền viện tu, dù chỉ một ngày. Tôi cũng vậy!
Tôi nghĩ, đó là lòng từ bi, khi quý sư cô chia sẻ: “Quý Phật tử ở ngoài đời bận rộn, lâu mới có một ngày về chùa tu, nên dành toàn thời gian để tu thôi”. Chính vì vậy mà ngay cả một đôi dép cũng được quý cô sắp xếp, đến bữa ăn cũng thật chu đáo, nơi vệ sinh thì thật sạch sẽ, thơm tho... để ai cũng thoải mái, không phiền lòng.
Trong thời pháp thoại, Ni sư Hạnh Chiếu - trụ trì còn chia sẻ: “Ở thiền viện có nội quy buổi chiều không nổi lửa, vì lòng từ bi, thực hành theo cái thấy của Phật là vào giờ này (chiều), các loài ngạ quỷ với thân hình bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim mới hoạt động. Nếu mình khua chén bát, xoong chảo nấu nướng sẽ làm cho các loài ấy vì đói khát mà nổi tâm sân si, rồi bị chết do đứt cổ. Thế nhưng, vì có quý vị đến tu nên thiền viện xin nổi lửa một ngày trong tháng để yểm trợ cho mọi người đến tu có đủ năng lượng mà ngồi thiền, thiền hành, nghe pháp...”.
Hội chúng vỗ tay và có nhiều người xúc động, trong đó có tôi khi nghe chia sẻ đó. Lòng từ bi khiến ta được nhẹ nhàng.
Hơn 1.000 người tu tập chung nhưng không gian dường như không tiếng xì xào. Ai cũng ý thức và đại chúng được nuôi dưỡng trong năng lượng cộng tu nên rất khoan thai, trở thành những thiền sinh thực thụ. Ni sư Hạnh Chiếu tán dương và khen tiếp: “Nhất là trong giờ ăn, ở nhà không cách gì quý vị không nói chuyện, nhưng lên đây, cả ngàn người cùng ăn mà không gian im ắng, rất đáng khen”. Mọi người lại vỗ tay.
Giờ ăn cũng là giờ tu, mọi lúc mọi nơi, khi mình có ý thức chánh niệm, nuôi dưỡng được giới-định-tuệ. Ni sư Hạnh Chiếu khuyến tấn: “Giữ giới chính là giữ bình an cho chính mình”, sau đó, Ni sư chia sẻ rằng, đến với chùa một ngày, tu nghiêm túc, giữ các giới trong khả năng, các bạn sẽ có năng lượng bình an mà dùng trong một tuần, vài tuần, còn tệ nhất cũng được ngày hôm nay.
Khóa tu khép lại, mọi người nghe tiếng khánh đứng lên lễ Phật, lễ Tổ, ai cũng nhẹ nhàng. Những người mù được trao một phần quà - là hỗ trợ nho nhỏ của những bạn đồng tu khác cho ngày đến với thiền viện khép mình trong giáo pháp. Tôi rời thiền viện cùng mọi người, âm ba lời giảng pháp đầy từ bi của Ni sư trụ trì vẫn còn vọng đâu đó cùng tiếng chuông gió như nhạc trời hòa quyện cùng không gian xanh, nề nếp - đâu ra đó từ chính bàn tay chăm chút của quý cô nơi này.
Riêng tôi nhận thêm bài pháp: xếp những đôi dép ngay ngắn cho các “bạn tu” cũng chính là lời nhắn nhủ, để dễ dàng di chuyển bạn cần xếp dép ngay ngắn; để cuộc sống dễ dàng bạn phải sống ngay ngắn.
Xếp dép cũng là tu vậy!
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tu-tu-viec-xep-dep-post48214.html