Tư tưởng chọn người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ cách mạng, coi đó là công việc hệ trọng của Đảng.
Trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người
Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài. Người xác định, việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải để họ hiểu rõ mọi mặt các công việc mà họ phụ trách. Dùng người mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng.
Người cho rằng, vì “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”. Quan điểm này bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của dân, là sự nối tiếp và phát triển tư tưởng cầu hiền tài của ông cha trong điều kiện mới; coi nhân tố con người là vấn đề có tính chất phương pháp luận quan trọng nhất và nhân tài có vai trò to lớn - động lực để phát triển đất nước.
Không chỉ bản thân biết dùng người mà Người còn yêu cầu lãnh đạo, quản lý các cấp phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Người cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”.
Bởi vậy, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, trong lúc còn bộn bề khó khăn, thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước và Người chính là tấm gương sáng cho việc tìm nhân tài và trọng dụng nhân tài. Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.
Người chủ trương phải “tìm người tài đức”, bởi, một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết nước nhà mà khuyết điểm đó trước hết là của những người lãnh đạo Đảng và Chính phủ và chính Người cũng tự phê bình và nhận khuyết điểm đó. Người chủ trương phải “tìm người tài đức” vì “kiến thiết cần phải có nhân tài.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội nhưng họ đều là những trí thức có tâm huyết xây dựng nước Việt Nam mới. Tháng 1/1946, trong tình thế cách mạng diễn biến hết sức phức tạp, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thành công, lập ra Quốc hội dân chủ Nhân dân đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt mới trong đời sống chính trị của người lao động Việt Nam. Điều đặc biệt, thành viên Chính phủ rất đa dạng, thuộc các tầng lớp khác nhau. Trong các giai đoạn cách mạng sau này, Người đã thu phục được nhiều nhân sĩ, trí thức tài năng tham gia và làm nên những thắng lợi vang dội của dân tộc trong các cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trên cương vị là Chủ tịch nước, vấn đề chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, rèn luyện các thế hệ cách mạng luôn được Người coi trọng và quan tâm hàng đầu. Trước lúc đi xa, trong di chúc, Người căn dặn: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Quan điểm, tư tưởng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác cán bộ của Đảng ta. Đảng và Nhà nước không chỉ coi thu hút và sử dụng nhân tài là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, bởi nhân tài - cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn coi trọng nhân tài, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài "đúng người, đúng việc, đúng vị trí" nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhân tài phải hội đủ hai yếu tố chủ đạo đó là đức và tài, vì “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đức và tài có mối quan hệ biện chứng với nhau để hình thành nên nhân cách của một nhân tài. Dù nhấn mạnh mặt yếu tố đạo đức nhưng Người cũng khẳng định, nếu có đạo đức mà không có tài năng thì làm việc gì cũng khó. Như vậy, theo Người tài và đức phải gắn bó chặt chẽ với nhau để hình thành nên con người được gọi là nhân tài. Để thu hút được nhân tài theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải phòng tránh “bệnh địa phương”.
Điểm mới về thu hút nhân tài theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài được Đảng và Nhà nước ta vận dụng một cách triệt để trong tiến trình lãnh đạo đất nước. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra các chủ trương, đường lối thu hút, trọng dụng nhân tài một cách phù hợp.
Thông qua các văn kiện tại Đại hội XIII, Đảng chú trọng chủ trương đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Nếu như trước đây các văn kiện của Đảng chỉ đề cập “chủ trương phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”, thì Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị Nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII cũng thẳng thắn thừa nhận một số khuyết điểm, hạn chế trong cơ chế và chính sách cán bộ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Với quan điểm chỉ đạo định hướng phát triển trong thời gian tới, Đảng tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài; xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng.
Bối cảnh mới đòi hỏi Việt Nam phải đi tắt đón đầu, tận dụng thế mạnh về nguồn nhân lực nội bộ trên các lĩnh vực thiết yếu, đặc biệt là khoa học công nghệ, không thể dựa mãi vào đội ngũ chuyên gia nước ngoài để duy trì, vận hành hệ thống máy móc kỹ thuật tiên tiến.
Cụ thể, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 nêu ba đột phá chiến lược; trong đó, đột phá chiến lược thứ hai là: chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Có thể nói, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã kế thừa và phát huy tinh thần trọng người tài của dân tộc từ xưa đến nay, thêm vào đó xem xét trong bối cảnh mới, toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng là xu thế tất yếu, Việt Nam đang có lợi thế về dân số vàng, sức trẻ cũng như khát vọng vươn mình nên việc tận dụng thời cơ này để thu hút, trọng dụng nhân tài vào bộ máy Nhà nước là việc làm cần thiết, cấp bách.
Chủ trương phải “trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng” do Đại hội XIII của Đảng đề ra là hết sức đúng đắn và kịp thời. Khi chủ trương này được thực hiện nghiêm chỉnh và hiệu quả, nhất định sẽ góp phần thiết thực để đưa nước ta đạt được mục tiêu: “Đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.