Tư tưởng 'Thà ít mà tốt' với việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị
Trong quá trình xây dựng hệ thống chính quyền Xô viết, V.I.Lenin đã nhấn mạnh phương châm 'Thà ít mà tốt'. Đó là một cống hiến lý luận sâu sắc của Người về xây dựng nhà nước, cũng là di huấn chính trị có ý nghĩa quốc tế đối với các Đảng Cộng sản đang lãnh đạo chính quyền hiện nay.
Thực tiễn sau 5 năm Cách mạng Tháng Mười thành công, Đảng Bolshevik Nga đứng đầu là Lenin, đã lãnh đạo đất nước Xô viết giành được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, với thái độ thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức, bộ máy chính quyền nhà nước, Lenin phải thốt lên rằng: “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ, đến nỗi trước hết chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào”. Những trăn trở của Lênin đã thôi thúc Người viết tác phẩm “Thà ít mà tốt”, trong đó tập trung vào vấn đề cải tiến hệ thống chính trị nước Nga Xô viết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước cũng như quốc tế đang đặt ra ở thời kỳ đó.
Theo Lenin, nguyên nhân của tình trạng yếu kém, khuyết điểm là: “Từ trước đến nay, chúng ta có quá ít thời gian để nghĩ đến và chú trọng đến chất lượng của bộ máy nhà nước của chúng ta”. Hơn nữa, tình trạng đó còn do quá trình cải tiến bộ máy không hiệu quả, “thậm chí còn vô ích, hay thậm chí còn có hại là khác”. Ngoài ra, các nước đế quốc sau thất bại trong nội chiến và can thiệp quân sự vào nước Nga lại tăng cường phá hoại những thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết.
Khi tiến hành cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Lenin yêu cầu phải tuân theo quy tắc “Thà ít mà tốt” để đạt được mục đích “xây dựng một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết”. Người cũng dự liệu, việc thực hiện quy tắc này và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của đất nước sẽ gặp vô vàn khó khăn, trở ngại, với “muôn nghìn ngõ ngách”. Do đó, đòi hỏi những người cộng sản phải dũng cảm nhìn vào sự thật, “phải tỏ ra kiên trì phi thường” để hướng đến “xây dựng được một nhà nước Xô viết phải gọn nhẹ, có hiệu lực”, “thực sự trong sạch và gương mẫu”.
Lenin đã chọn khâu đột phá trong cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là Bộ Dân ủy thanh tra công nông, coi cơ quan này là “trung tâm của hệ thần kinh”, mà nếu tác động đến nó sẽ làm rung chuyển toàn thể bộ máy nhà nước. Thực hiện phương châm “Thà ít mà tốt”, Người yêu cầu: “... phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của các cơ quan thuộc bộ ấy. Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ Dân ủy thanh tra công nông, căn cứ vào một sự kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được”.
Trong các yếu tố nội lực, Lenin đặc biệt coi trọng yếu tố quyết định đến đổi mới, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước chính là con người. Lenin đưa ra những chỉ dẫn: Nên tập trung chọn vào bộ máy nhà nước những cán bộ có kinh nghiệm đặc biệt là về công tác quản lý; cử người có năng lực và tận tâm sang Đức hay Anh để tham khảo; tổ chức soạn sách giáo khoa về công tác tổ chức bộ máy nhà nước và nghiên cứu về vấn đề này.
Một trong những điều kiện, yêu cầu cơ bản trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được Lenin nêu ra là ưu tiên các thành phần trong bộ máy nhà nước mới phải có trình độ tri thức. Người chỉ rõ: “Muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: Một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa...”, tức là phải gắn tri thức, lý luận vào hoạt động thực tiễn công tác, quản lý.
Trong quá trình cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Lenin cho rằng, cần nghiêm túc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, sáng tạo ra cái mới, cái tốt hơn. Đồng thời, qua đó thanh lọc khỏi bộ máy nhà nước những kẻ quan liêu, tham nhũng, ăn hối lộ, gây lãng phí và những phần tử lạc lõng khác. Lenin nhấn mạnh: “Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó”. Đó là tinh thần của những người cộng sản để tránh chủ quan, tự mãn với các quyết định, chủ trương của mình đã ban hành trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Từ bài học về sự kết hợp giữa Bộ Dân ủy ngoại giao với cơ quan đối ngoại của Đảng trên thực tế, Lenin đã đặt ra những câu hỏi: “Làm thế nào có thể kết hợp được một cơ quan Đảng với một cơ quan chính quyền Xô viết?”, rồi Người tự trả lời: “Tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế?... Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố Đảng lại không phải là một nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta? Tôi tin rằng điều gì đã được chứng thực là đúng...”.

Lãnh tụ V.I.Lenin. Ảnh: The Collector
Lenin cho rằng “có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của Đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền”. Người luận giải các căn cứ thực hiện sự hợp nhất giữa tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước với cơ quan Đảng cùng cấp là bởi, “trên thực tế có sự kết hợp vô cùng có ích giữa Bộ Dân ủy ngoại giao với cơ quan ngoại giao của Đảng”; sự kết hợp của yếu tố chính quyền với yếu tố Đảng tạo ra một nguồn sức mạnh phi thường và “vì lợi ích của công việc đòi hỏi cần hợp nhất một cách độc đáo giữa bộ máy kiểm tra của Đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền”. Đó là điều bảo đảm duy nhất cho một hoạt động có kết quả.
Những tư tưởng, quan điểm “Thà ít mà tốt” của Lenin về đổi mới, cải cách, sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy nhà nước Xô viết đến nay vẫn sống động bởi những giá trị lý luận sâu sắc và tính định hướng có ý nghĩa thực tiễn.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12-1986), Đảng ta đã ban hành tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương và thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối trung gian; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức trên một số lĩnh vực còn chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý; hiệu lực, hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ...

Tượng lãnh tụ V.I.Lenin phía trước tòa nhà "Ngôi nhà các dân tộc Nga” tại thủ đô Moscow (Nga). Ảnh: apetcher.wordpress.com
Hiện nay, Đảng ta đang tiến hành cuộc cách mạng nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đây là yêu cầu tất yếu, là chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện thắng lợi những quyết sách lịch sử của Đảng, cần sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc để góp phần xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đưa đất nước ta phát triển phù hợp với sự thay đổi của thời đại, bước vào kỷ nguyên mới với vị thế và tầm vóc mới trên trường quốc tế.
Đại tá NGUYỄN ĐỨC THẮNG
--------------------------------------------------------------------------------
- Những đoạn trích dẫn từ tác phẩm “Thà ít mà tốt” trong V.I.Lenin, Toàn tập, Nhà xuất bản Tiến Bộ, Moscow, năm 1978, tập 45 (tr.442-460).