Từ Viện hàn lâm Thụy Điển đến giải thưởng Nobel [Kỳ cuối]

Năm 1895, Alfred Nobel ký ở Paris bức chúc thư gồm 300 từ kết thúc sự nghiệp và tư tưởng của cả cuộc đời.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ABC)

Ảnh minh họa. (Nguồn: ABC)

Chúc thư cho nhân loại

Năm 1895, một năm trước khi chết, Alfred Nobel ký ở Paris bức chúc thư gồm 300 từ kết thúc sự nghiệp và tư tưởng của cả cuộc đời. Ông để lại phần lớn của cải, khoảng 30 triệu đồng Krona Thụy Điển, để đầu tư lấy lãi hàng năm thưởng cho những người đóng góp nhiều nhất cho nhân loại.

Nobel đề ra những giải thưởng này vì ông tin vào tương lai nhân loại: "Truyền bá trí thức là thúc đẩy sự thịnh vượng. Những đau khổ sẽ tiêu tan, những thành tựu của nghiên cứu khoa học cho chúng ta hy vọng...".

Ông muốn dành tiền thưởng cho những lĩnh vực khoa học mà suốt đời ông quan tâm (vật lý, hóa, sinh lý học, y học), văn học là một lĩnh vực làm phong phú trí tuệ, tình cảm (ông có làm thơ, viết văn rất hay) và tình anh em giữa các dân tộc, tức là hòa bình thế giới.

Chịu ảnh hưởng của nhà thơ lãng mạn Anh Shelly, ông rất ghét chiến tranh, ghét cả sự cãi lộn giữa những cá nhân. Ông chịu ảnh hưởng của người bạn gái thân thiết là Bertha von Suttner, một nhà hoạt động xã hội lỗi lạc đấu tranh cho hòa bình. Ông viết cho bà: "Những nhà máy của anh rất có thể chấm dứt chiến tranh nhanh hơn các cuộc hội họp của em". Ông đề ra một ý kiến bị coi là không tưởng: các chính phủ tự nguyện cùng nhau bảo vệ bất cứ quốc gia nào bị tấn công, dần dần sẽ dẫn đến giải trừ quân bị từng phần.

Việc thực hiện di chúc của ông Nobel không thuận buồm xuôi gió. Chỗ ở của ông có tại rất nhiều nơi, nhiều nước muốn đứng ra nhận phần. Cuối cùng, Thụy Điển là quê hương ông được hưởng quyền thực hiện di chúc.

Của cải của ông rải rác ở khắp tám nước châu Âu. Một số người thừa kế trong gia đình đặt vấn đề tranh chấp. Cuối cùng, một phụ tá của ông là Ragnar Sohlman đã dàn xếp việc thừa kế và đề ra được những quy tắc thực hiện chúc thư. Tổ chức Nobel (Fondation Nobel) được thành lập. Hồi đó, Thụy Điển và Na Uy cùng là một quốc gia; sau khi tách thành hai nước, những thể chế có liên quan đến các giải thưởng Nobel của hai quốc gia cộng tác với nhau rất chặt chẽ.

Tổ chức Nobel quản lý của cải do ông Nobel để lại, áp dụng những biện pháp hành chính về giải thưởng, nhưng quyền lựa chọn và quyết định người được giải thưởng lại thuộc về những tổ chức khác. Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định các giải thưởng vật lý, hóa và cả khoa học kinh tế (giải này mới đặt ra từ 1968 do sáng kiến của Ngân hàng Thụy Điển), Hội nghị Nobel của viện Karolinska Institutet quyết định giải thưởng sinh lý học hay y học, Viện hàn lâm Thụy Điển quyết định giải thưởng văn học, Ủy ban Nobel Na Uy quyết định giải thưởng hòa bình.

Diện mạo của giải thưởng văn học Nobel

Tôi xin được nói riêng về giải thưởng văn học Nobel. Hàng năm, những người đủ tư cách có thẩm quyền (theo điều lệ) phải gửi đề xuất bằng văn bản đến Ủy ban Nobel văn học và Ủy ban giải thưởng văn học trước ngày 1/2. Đó là các viện sĩ Viện hàn lâm Thụy Điển và những viện hoặc hội tương tự, giáo sư văn học hoặc ngôn ngữ, những người đã được giải thưởng Nobel, chủ tịch các hội nhà văn quốc gia.

Giá trị giải Nobel năm 1991 là 6 triệu Krona Thụy Điển (khoảng gần 1 triệu USD). Theo chúc thư, Nobel muốn tặng giải cho "một tác phẩm xuất sắc có khuynh hướng lý tưởng". Cách giải thích "khuynh hướng lý tưởng" là thế nào thay đổi theo lịch sử.

Từ 1901 đến 1912, người ta chú trọng nội dung tác phẩm và hiểu "khuynh hướng lý tưởng" theo chủ nghĩa lý tưởng bảo thủ và thẩm mỹ lý tưởng chủ nghĩa của thế kỷ XIX. Lev Tolstoi bị gạt vì ông "phủ nhận nhà thờ, Nhà nước, quyền sở hữu cá nhân". Strindberg, nhà văn Thụy Điển lớn nhất, bị gạt vì có những tư tưởng quá cấp tiến. Giải thưởng được tặng cho bà Selma Lagerlof cũng là nhà văn Thụy Điển lớn.

Trong thời kỳ Thế chiến I (1914-1918), quan niệm chọn mở rộng ra ngoài châu Âu, nên nhà văn Tagore xứ Bengal (Ấn Độ) được giải. Người ta đề cao những nhà văn lên án chiến tranh hoặc thuộc các nước trung lập như Romain Rolland (Pháp), Heindenstam (Thụy Điển), Gjellerup và Pontoppidan (Đan Mạch).

Trong thập kỷ tiếp theo (1919-1929), "khuynh hướng lý tưởng" được hiểu là chủ nghĩa nhân đạo rộng mở. Điển hình cho sự lựa chọn này là nhà văn Đức Thomas Mann, nhà văn Ireland B. Shaw.

Những năm 30 kéo dài đến hết Thế chiến II (1930-1945) nhấn mạnh bản thông điệp nào có tiếng vang rộng rãi nhất đối với nhân loại. Do đó, cả một nền thơ hiện đại tinh vi mà phức tạp nằm ngoài quỹ đạo. Đáp ứng đòi hỏi trên tốt nhất nên kể nhà viết kịch Italy Pirandello, nhà viết kịch Mỹ O'Neil, các nhà viết tiểu thuyết Mỹ Sinclair Lewis và Pearl Buck.

Thời kỳ hậu chiến đến những năm 60 (1946-1960) đề cao những tác giả đi "tiên phong" như Hesse (Đức), Gide (Pháp), Faulkner (Mỹ).

Hai thập kỷ 70 và 80, Ủy ban Nobel "thực tiễn" hơn, quan tâm đến những thành tựu xuất sắc mà chưa được đánh giá đúng mức; địa bàn mở rộng. Một số thí dụ như I. Singer (Mỹ, Ba Lan), viết bằng tiếng Yiddish; Soyinka (Nigeria); C. Milosz (Mỹ, Ba Lan); Mahfouz (Ai Cập).

Một số tác phẩm được giải thưởng Nobel được cho là chọn theo ý đồ phục vụ chính sách "chiến tranh lạnh" như tác phẩm của nhà văn Tây Đức Heinrich Bill, các nhà văn Xô viết Pasternak, A. Solhzhenitsyn. Viện hàn lâm Thụy Điển thanh minh là đánh giá tác phẩm không theo tiêu chuẩn chính trị mà theo tính chất của nhà văn đứng ra bảo vệ các giá trị con người, nhất là theo giá trị nghệ thuật.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-vien-han-lam-thuy-dien-den-giai-thuong-nobel-ky-cuoi-224264.html