Tử vong do thuốc lá cao gấp 10 lần tai nạn giao thông, thiệt hại kinh tế 110 nghìn tỷ đồng/năm
Mỗi năm, Việt Nam có hơn 100.000 người chết do thuốc lá, cao gấp 10 lần tai nạn giao thông, chi phí y tế và thiệt hại kinh tế tới 110 nghìn tỷ đồng, gấn 5 lần số thuế thu được từ thuốc lá hiện khoảng 20 nghìn tỷ/năm.
Hơn 100.000 người tử vong mỗi năm
Sau 20 năm tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO, Việt Nam đã giảm được đáng kể số người hút thuốc lá. Nhưng hiện vẫn còn khoảng 16 triệu người, một con số khá cao so với nhiều nước.
Số người hút thuốc lá ở Việt Nam hiện vẫn khoảng 16 triệu người. Đây là điều được WHO và nhiều tổ chức quốc tế về sức khỏe đặc biệt quan tâm, bởi thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong và gánh nặng bệnh tật nặng nề ở nước ta.
Tổ chức y tế lớn nhất thế giới nhấn mạnh: Việt Nam có số người hút thuốc lá cao và việc sử dụng thuốc lá đã và đang gây ra gánh nặng bệnh tật, tử vong sớm rất nặng nề: Hơn 100.000 người tử vong mỗi năm (gồm 84.500 người tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do tiếp xúc thụ động), chi phí y tế và thiệt hại kinh tế tới 110 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP/năm.

90% nam giới mắc ung thư phổi có nguyên nhân hút thuốc lá
WHO lưu ý rằng đây là mối đe dọa đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, đe dọa khả năng đáp ứng các mục tiêu y tế quốc gia của Việt Nam, cũng như cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) về sức khỏe.
Theo WHO, có hơn 30 bệnh do hút thuốc lá trực tiếp và 8 bệnh do hút thuốc thụ động, trong đó, có 16 loại ung thư, 4 bệnh tim mạch, 4 bệnh hô hấp và một số bệnh khác như đái tháo đường tuýp 2.
Theo một công bố của Bệnh viện K, 90% nam giới mắc ung thư phổi là do hút thuốc lá, vì thuốc lá có các thành phần hydrocacbon thơm là tác nhân gây ung thư. 50-80% nữ mắc ung thư phổi do thuốc lá thụ động hoặc chủ động. Thuốc lá còn gây ung thư vòm họng, hạ họng, thanh quản và ung thư bàng quang.
Nhóm tác giả thuộc Đại học Y tế Công cộng phối hợp với Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá và Hội Kinh tế Y tế, đã tiến hành một nghiên cứu về thuốc lá ở Việt Nam và chỉ ra: Chi phí lớn nhất do tử vong sớm vì thuốc lá chiếm 79% tổng gánh nặng kinh tế mỗi năm. Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá ở Việt Nam cao hơn mức trung bình toàn cầu. Riêng chi cho khám, điều trị các bệnh do thuốc lá tới gần 9 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 7,5% tổng chi từ quỹ BHYT. Chi từ hộ gia đình trên 8,1 nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia khẳng định gánh nặng kinh tế do hút thuốc lá ở Việt Nam cao hơn 5 lần tổng số thu từ thuế thuốc lá (khoảng 20 nghìn tỷ/năm). Số tử vong do thuốc lá chiếm 17,8% tổng số tử vong trên toàn quốc, cao hơn khoảng 10 lần số tử vong do tai nạn giao thông.
“Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng khoa học tin cậy đến các cơ quan hữu quan, bao gồm Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Công thương, góp phần xây dựng, ban hành và thực thi các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, trong đó có biện pháp giá và thuế thu” – Nhóm nghiên cứu bày tỏ.

Tăng thuế thuốc lá để giảm sử dụng, giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá
Tăng thuế để thoát khỏi gánh nặng do thuốc lá
Giảm gánh nặng bệnh tật và kinh tế - xã hội do thuốc lá là mục tiêu quan trọng nên năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 15 tuổi trở lên, xuống dưới 36% vào 2030.
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025 cũng đề xuất thuế TTĐB với thuốc lá.
Điều này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của WHO và SEATCA (Liên minh phòng, chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á, Vital Strategies (Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu), Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá (Hoa Kỳ), Tổ chức HealthBridge Canada …
Ủng hộ Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, các tổ chức sức khỏe quốc tế đều khẳng định: Việc tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc.
Biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách chính phủ, và giúp thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy tăng thuế thuốc lá được coi là biện pháp cùng thắng, vừa bảo vệ sức khỏe, vừa giúp tăng thu ngân sách cho chính phủ, và giúp cho phát triển.