Từ vụ bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe tử vong: Chuyên gia y tế lưu ý điều gì?

Theo bác sĩ, trẻ nhỏ bị bỏ quên trên ô tô sau đó tử vong thường do bị ngạt (thiếu oxy). Khi xe ô tô tắt máy, cửa kính đóng kín thì lượng oxy có trên xe sẽ nhanh cạn kiệt.

Những vụ học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường

Bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Thái Bình dẫn đến tử vong

Chiều tối qua (29/5) tại Thái Bình, cháu bé T.G.H sinh năm 2019, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường từ sáng và chỉ được phát hiện khi gia đình đến trường đón con.

Cô giáo ngỡ ngàng cho biết trẻ không tới trường trong khi gia đình khẳng định trẻ có lên xe đi học. Tại thời điểm phát hiện cháu bé, mọi người đã đập cửa xe ô tô đưa đón, đưa trẻ đi viện cấp cứu lúc hơn 18h cùng ngày nhưng trẻ đã không qua khỏi.

Vụ việc trẻ mầm non tử vong trên xe ô tô đưa đón tại Thái Bình không phải trường hợp duy nhất bởi trước đó cũng từng xảy ra một số vụ trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón.

Bé trai 6 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Gateway

Thông tin trên VTV, sáng 6/8/2019, gia đình đã đưa bé L.H.L ra ô tô đưa đón học sinh để đến trường. Đến 16h45, gia đình nhận được cuộc gọi của cô giáo phụ trách đón cháu bé thông báo con trẻ đã tử vong. Nguyên nhân, cháu L ngủ quên trên xe và không được phát hiện nên đã bị nhốt trong xe suốt cả ngày, dẫn đến việc cháu bị tử vong do suy hô hấp tuần hoàn trong không gian giới hạn.

Ngày 7/8/2019, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người" và triệu tập nhiều người liên quan để điều tra.

Ngày 23/8 và 3/9/2019, cơ quan chức năng lần lượt khởi tố bị can Nguyễn Bích Quy (người phụ trách đưa đón học sinh) và bị can Doãn Quý Phiến (lái xe ô tô đưa đón học sinh) với tội danh Vô ý làm chết người.

Ngày 14/10/2019, cơ quan công an khởi tố bị can Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp học của nạn nhân) với tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 6/12/2019, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy truy tố với 3 bị can trên.

Theo kết luận điều tra, ông Phiến và bà Quy đã vô ý và cẩu thả, không kiểm tra học sinh trong ô tô trước khi rời xe, dẫn đến việc em học sinh bị bỏ quên. Còn cô giáo Thủy đã thiếu trách nhiệm khi thấy em học sinh vắng mặt nhưng không liên lạc, thông báo cho gia đình nạn nhân.

Ngày 15/1/2020, TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội đã tuyên án Nguyễn Bích Quy 24 tháng tù, Doãn Quý Phiến 15 tháng tù, cùng về tội vô ý làm chết người. Với bị cáo Nguyễn Thị Thủy, tòa tuyên phạt 12 tháng tù và không được dạy sau 1 năm.

Cháu bé bị bỏ quên trên xe ô tô dẫn tới tử vong.

Cháu bé bị bỏ quên trên xe ô tô dẫn tới tử vong.

Bé 3 tuổi ở Bắc Ninh bị bỏ quên trên xe, may mắn được cứu sống

Tháng 9/2019, một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường học ở Bắc Ninh nhưng rất may cháu bé được cứu sống. Cụ thể, vào khoảng 6h30, ngày 13/9/2019, xe đưa đón trẻ của cơ sở Đồ Rê Mí do lái xe Nguyễn Công Tỵ (là chồng của chủ cơ sở, sinh năm 1976 quê quán xã Minh Đạo huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển xe mang biển số 99B- 010.08 đón 9 trẻ tại các gia đình và đến nhóm lớp vào khoảng 8h.

Do sơ suất, lái xe đã để quên cháu N.T.L (3 tuổi) trên xe đưa đón, cho đến khoảng hơn 15h cùng ngày mới phát hiện ra cháu trên xe. Ngay sau đó, chủ nhóm trẻ đã đưa trẻ ra Phòng Khám tư nhân tại xã Hoàn Sơn để sơ cứu, sau đó đưa trẻ ra Bệnh viện Đa khoa thị xã Từ Sơn.

Lúc này, chủ cơ sở thông báo với gia đình và cùng gia đình đưa cháu L. lên cấp cứu tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, rồi tiếp tục chuyển cháu ra điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, cơ sở mầm non đã bị đình chỉ hoạt động.

Từ trường hợp cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Thái Bình, tử vong, chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Giao Thông Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nếu trường hợp xấu nhất chưa xảy ra, trẻ được phát hiện kịp thời và may mắn chỉ bị ngạt thở khi bị bỏ quên trên xe ô tô, thì sơ cứu như thế nào?

- Cần nhanh chóng chuyển trẻ ra khỏi môi trường thiếu oxy ra nơi thoáng mát. Nếu uống được thì cho trẻ uống nước điện giải, cần hạ thân nhiệt bằng cách chườm mát bằng khăn ướt.

- Hãy cởi bỏ áo ngoài, cúc áo trên người để đảm bảo cho trẻ luôn được thoải mái, dễ thở.

- Nếu có thuốc hạ sốt (paracetamol) thì cho trẻ uống để hạ sốt trước mắt.

- Lưu ý tránh tập trung đông người hiếu kỳ để dành khoảng không môi trường tốt cho trẻ được cấp cứu kịp thời.

- Gọi xe cấp cứu càng nhanh càng tốt để nhờ hỗ trợ.

- Theo dõi tình trạng của trẻ, nếu thấy có dấu hiệu thở yếu hoặc ngưng thở thì cần phải hà hơi thổi ngạt.

- Nên thao tác thực hiện nhanh, chính xác cùng lúc gọi viện trợ từ nhân viên y tế, bởi nạn nhân bị ngạt khí tính mạng luôn trong tình trạng nguy hiểm, thời gian đôi khi chỉ được tính bằng phút.

Gợi ý những cách để tránh bỏ quên trẻ nhỏ trên ô tô

- Mỗi người hãy tập cho mình một số thói quen kiểm tra toàn bộ bên trong xe trước khi khóa cửa.

- Đối xe đưa đón học sinh việc đi kiểm tra toàn bộ các ghế ngồi là điều cần thiết trước khi xuống và khóa cửa xe. Việc này vô cùng quan trọng bởi có thể trẻ đang nằm ngủ hoặc ngồi lấp sau ghế sẽ khó phát hiện và dễ bị bỏ quên.

- Phải luôn luôn để ý trẻ trong tầm mắt.

- Trong trường hợp con bạn đi ô tô cùng với người khác, hãy nhớ kiểm tra xem con bạn đã tới nơi an toàn chưa.

Đặc biệt với những trẻ di chuyển tới trường bằng xe đưa đón học sinh, bố mẹ cần lưu ý thời gian di chuyển và gọi điện xác nhận với cô giáo xem bé đã tới trường chưa.

- Tuyệt đối không để trẻ nhỏ nghịch chìa khóa xe, vì chúng có thể tự mở khóa vào xe chơi một mình và dễ bị sốc nhiệt.

Đề xuất xe đưa đón học sinh phải có còi báo động khi trẻ bị bỏ quên

Bộ GTVT vừa có văn bản lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô (thay thế QCVN 09:2015/BGTVT).

Đáng chú ý, dự thảo quy chuẩn mới bổ sung loại hình xe chở học sinh với những yêu cầu riêng về an toàn kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn ở mức tốt nhất trong hoạt động vận chuyển học sinh.Theo đó, xe chở học sinh (school bus) được định nghĩa là xe ô tô chở người chuyên dụng, được thiết kế thành các loại xe chở người để sử dụng vận chuyển không ít hơn 9 học sinh (từ trẻ em mẫu giáo, tiểu học cho đến trung học) và người quản lý học sinh.

Đối với xe chở trẻ em mẫu giáo, được chở số lượng học sinh không quá 45 người; đối với xe đưa đón học sinh tiểu học, trung học cơ sở, tối đa số lượng học sinh không quá 56 người.

Ngoài các yêu cầu chung của quy chuẩn, xe chở học sinh phải đáp ứng các yêu cầu riêng từ màu sắc nhận diện đến cấu trúc bảo đảm an toàn, hệ thống giám sát bên trong và ngoài xe, hệ thống báo động khẩn cấp.

Về nhận diện bên ngoài, xe chở học sinh phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh hai bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học. Mã xe chở học sinh phải được đánh số và bố trí vị trí nằm hai bên thân xe và phía đằng trước, đằng sau xe.

Trên xe phải có các biển hiệu riêng, mặt sau xe phải có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt xe buýt đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh. Xe phải lắp rào chắn phía trước và phía sau để tạo cấu trúc an toàn khi xảy ra va chạm.

Bên trong xe, không được bố trí ghế ngồi của học sinh thuộc hàng ghế đầu tiên cùng với hàng ghế người lái xe. Xe chở học sinh có ghế được bố trí từ hàng thứ 2 trở đi và được trang bị loại dây đai an toàn hai điểm; không lắp đặt giá để hành lý bên trên (bố trí khoang để hành lý ở bên ngang xe); bậc lên xuống có tay vịn phù hợp quy chuẩn.

Xe phải có lối thoát hiểm được mở từ bên trong hoặc bên ngoài và phải có khóa để đáp ứng việc sơ tán hoặc cứu hộ ra bên ngoài xe trong các tình huống khẩn cấp.

Trên xe phải bố trí lắp đặt ít nhất một bộ sơ cứu được đánh dấu rõ ràng bằng ký hiệu quốc tế và công tắc cảnh báo khẩn cấp trong các trường hợp đặc biệt; phải được trang bị bình chữa cháy để đề phòng trường hợp hỏa hoạn.

Dự thảo quy chuẩn nêu rõ: "Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, hành vi của giám hộ học sinh, hành vi của học sinh trên xe.

Camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống trước khi đón trả học sinh. Các thiết bị phải trang bị hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe.

Có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe thời gian không quá 15 phút", theo Vietnamnet.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-be-5-tuoi-bi-bo-quen-tren-xe-tu-vongchuyen-gia-y-te-dua-loi-khuyen-a666085.html