Từ vụ cô giáo trẻ tử vong vì đột quỵ, chuyên gia chỉ rõ dấu hiệu cảnh báo bệnh cần khám sớm
Nếu nói đột quỵ là 'bệnh của người già' thì quan niệm đó đã lỗi thời, bởi tình trạng đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Vừa qua, PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ (là giáo viên 34 tuổi). Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não. Kết quả chụp MRI phát hiện tổn thương toàn bộ trung não, cầu não 2 bên, thùy chẩm, tiểu não do tắc hoàn toàn động mạch thân nền.
PGS.TS. Mai Duy Tôn cho biết đây là trường hợp đáng tiếc do nhập viện muộn, bệnh nhân không còn chỉ định can thiệp lấy huyết khối. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
PGS Tôn lưu ý, người trẻ cần nâng cao nhận thức về đột quỵ cũng như các dấu hiệu bệnh để có thể phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời. Thời gian vàng điều trị đột quỵ là trước 6 giờ, càng sớm điều trị càng tối ưu.
Theo lời kể của gia đình, buổi sáng hôm ấy khi chuẩn bị đến trường, nữ giáo viên đột ngột chóng mặt, tê bì nửa người, khó nói. Nghĩ vợ bị mệt sau đợt chấm thi căng thẳng, anh chồng nữ giáo viên để vợ nằm nghỉ trên giường. Đến trưa, không thấy vợ dậy, nghĩ vợ còn mệt nên anh không gọi. Nhưng đến chiều muộn, khi anh chồng đến giường lay gọi vợ, đáp lại chỉ là tiếng ú ớ, ánh mắt như mất hồn của chị.
Anh vội gọi xe cấp cứu đưa vợ đến bệnh viện đa khoa tỉnh, sau đó được chuyển ngay xuống Bệnh viện Bạch Mai, tuy nhiên mọi việc đã quá muộn. Sự ra đi của cô giáo trẻ là một điều đáng tiếc khi tuổi đời còn quá trẻ.
Đột quỵ ở người già và người trẻ có gì khác nhau?
Theo các chuyên gia y tế, thực tế các dấu hiệu của đột quỵ ở độ tuổi nào cũng giống nhau, không phân biệt giữa người già hay người trẻ. Tuy nhiên, người trẻ thường dễ bị bỏ qua giai đoạn vàng do trì hoãn việc cấp cứu do thiếu kiến thức và không tin rằng mình bị đột quỵ ở lứa tuổi này.
Có 5 triệu chứng phổ biến cảnh báo người bị đột quỵ:
- Rủ mặt: Một bên mặt bỗng dưng rủ xuống, chảy xệ, lệch hẳn đi.
- Mất khả năng nói: Người bệnh bỗng dưng không thể nói, nói khó và không hiểu lời người khác nói.
- Yếu một bên cơ thể: Một nửa người đột quỵ không thể cử động được, biểu hiện rõ ràng nhất là tay và chân.
- Suy giảm thị lực: Một hoặc 2 mắt bỗng dưng nhìn mờ hoặc không nhìn thấy gì.
- Một số triệu chứng khác như: Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội, nôn ói...
Theo các chuyên gia, người trẻ thường có xu hướng phục hồi chức năng sau đột quỵ tốt hơn so với người cao tuổi. Hơn nữa, người trẻ cũng có thể đáp ứng quá trình phục hồi "dài hơi" hơn, bởi hiệu quả phục hồi phụ thuộc vào mức độ tổn thươngng của não bộ. Ở người trẻ, não vẫn còn "khỏe", khả năng phục hồi sau tổn thương cao trong khi ở những bệnh nhân lớn tuổi, độ dẻo của não có thể đã suy giảm.
Đột quỵ ở người trẻ hay người già cũng đều được cần đi khám sớm để người bệnh có cơ hội được điều trị tốt nhất, giảm chi phí cho người bệnh và giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
M.H (th)