Từ vụ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị khởi tố: Vi phạm quy định đấu thầu có thể bị phạt tù tới 20 năm
Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn nhằm làm rõ những sai phạm trong công tác đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, xảy ra từ năm 2015 khi ông Tuấn làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Trước đó, C03 đã khởi tố, bắt giam nhiều bị can khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó, 4 bị can là cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (phó giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (kế toán trưởng), Đoàn Trọng Bình (phó trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư) và Nghiêm Tuấn Linh (cựu Phó phòng Vật tư).
Về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Điều 222, BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào thực hiện một trong những hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này, gây thiệt hại từ 100 - dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 3-12 năm. Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Về cấu thành tội phạm này, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, xâm phạm vào việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; Xâm phạm công tác quản lý hoạt động đấu thầu các công trình, dự án của Nhà nước và hoạt động bình thường của các cơ quan. Đối tượng tác động là hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn nhà nước theo các quy định của pháp luật.
Hành vi khách quan của tội phạm vi phạm các quy định về đấu thầu gồm: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép.
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, hậu quả, thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Thiệt hại ở đây không nhất thiết là thiệt hại về tài sản của Nhà nước, mà có thể là thiệt hại về tài sản của các nhà thầu, các cá nhân, tổ chức khác…
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra. Tội phạm này thường có động cơ, mục đích là vụ lợi. Các hành vi phạm tội thường có sự cấu kết, thông đồng của chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu, nhà tư vấn, giám sát nhằm nâng giá thầu, lựa chọn nhà thầu không đúng, không đủ năng lực sau đó chuyển nhượng thầu…từ đó ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước.
Chủ thể của tội phạm vi phạm các quy định về đấu thầu là những người thực hiện các giai đoạn, công việc trong quá trình đấu thầu, là những người làm việc thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu, bên dự thầu, tư vấn, giám sát - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.