Từ vụ livestream khiêu dâm vừa bị triệt phá: Trẻ nhỏ bị lợi dụng thành công cụ trục lợi

Theo các chuyên gia, trong vụ án các đối tượng tổ chức quan hệ tình dục và livestream khiêu dâm trên ứng dụng nước ngoài vừa bị triệt phá, điều đau lòng là các đối tượng đã lợi dụng trẻ nhỏ và biến các nạn nhân thành công cụ trục lợi.

Trẻ vị thành niên bị lợi dụng livestream khiêu dâm

Ngày 29/5, Công an TP. Lai Châu phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Lai Châu đã triệt phá Chuyên án 0524V, tạm giữ một số đối tượng tổ chức quan hệ tình dục rồi livestream trên ứng dụng nước ngoài.

Quá trình đánh án, khoảng 20h20 ngày 27/5, các lực lượng thuộc Công an tỉnh Lai Châu đã tổ chức lực lượng đột kích vào tầng 5, khách sạn Bảo An (tổ 12, phường Đoàn Kết, TP. Lai Châu).

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang tại phòng 501 có nhóm đối tượng nam nữ đang có hành vi khiêu dâm phát trực tiếp trên ứng dụng QQlive.

Ban đầu xác định các đối tượng tham gia khiêu dâm gồm G.A.P. (SN 2007); S.T.M. (SN 2010, cùng trú tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường); L.A.K. (SN 2007 trú xã Tả Lèng, huyện Tam Đường); S.T.L.H. (SN 2010, trú xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) và 5 đối tượng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hành vi khiêu dâm, tổ chức livestream.

Các đối tượng tổ chức livestream khiêu dâm trên ứng dụng nước ngoài bị bắt quả tang.

Các đối tượng tổ chức livestream khiêu dâm trên ứng dụng nước ngoài bị bắt quả tang.

Quá trình đều tra, cơ quan Công an đã bắt giữ thêm nhiều đối tượng là người Việt Nam và người Trung Quốc về hành vi “Tổ chức truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” và “Làm ra và lưu hành các video có nội dung khiêu dâm đồi trụy”.

Đấu tranh với các đối tượng, bước đầu cơ quan Công an xác định ổ nhóm này đã có hành vi dụ dỗ, lợi dụng và thuê mướn một số đối tượng tham gia diễn khiêu dâm với tuổi đời còn rất trẻ, có trường hợp là nữ chưa đến 15 tuổi để quan hệ tình dục, diễn khiêu dâm phát trên ứng dụng QQlive (ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc) và trục lợi hoa hồng từ ứng dụng này.

Hiện Ban Chuyên án Công an tỉnh Lai Châu đang tiếp tục điều tra, mở rộng và xử lý những đối tượng có liên quan.

Mấu chốt phá án dưới góc nhìn cựu Điều tra viên

Liên quan đến vụ án nói trên, ngày 30/5, trao đổi với PV Báo Công lý, Thượng tá Trịnh Kim Vân - cựu Điều tra viên cao cấp, Công an TP. Hà Nội cho biết, sự phát triển của intenet đem nhiều lợi ích cho con người nhưng ngược lại cũng đem lại màu mỡ cho các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Theo Thượng tá Vân, loại tội phạm này luôn biết khai thác các mảng tối cho chúng sử dụng, mục đích chính của nhóm tội phạm là trục lợi, là kiếm tiền, điển hình là các hành vi lừa đảo, khủng bố, cờ bạc…

Thượng tá Trịnh Kim Vân - Cựu Điều tra viên cao cấp.

Thượng tá Trịnh Kim Vân - Cựu Điều tra viên cao cấp.

“Việc Công an TP. Lai Châu điều tra, khám phá vụ án này là một thành công lớn. Sau khi nắm bắt được tình hình và qua các công tác nghiệp vụ, phối kết hợp của lực lượng chuyên môn, Công an TP. Lai Châu đã xác định tổ chức này có dấu hiệu tội phạm hình sự nên đã xác lập chuyên án đấu tranh với tinh thần rất cao.

Nếu không làm tốt công tác nghiệp vụ và tổ chức truy bắt ngay với loại tội phạm công nghệ cao thì chúng, chỉ trong tích tắc đã xóa hết dấu vết. Vì vậy, việc triệt phá các chuyên án liên quan loại tội phạm này đòi hỏi người chỉ huy và các chiến sĩ tham gia chuyên án phải giỏi nghiệp vụ chuyên môn và có tính kỷ luật cao. Có như vậy thì công tác khám phá chuyên án mới đạt đc thành công, thắng lợi”, Thượng tá Vân nhận định.

Thượng tá Vân cho hay, trong vụ án này, điều đáng lên án và cần rút ra cho các gia đình, nhất là các gia đình có con em đang ở độ tuổi mới lớn, ở các địa bàn dân tộc miền núi có hoàn cảnh khó khăn dễ bị loại tội phạm này lợi dụng và lôi kéo tham gia phục vụ vào mục đích xấu của chúng. Để hạn chế loại tội phạm này lợi dụng trẻ em, cần có sự vào cuộc của các ban, nghành, đoàn thể và các cơ quan truyền thông, tuyên truyền những thủ đoạn của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao vào những mục đích xấu. Nhà trường và gia đình cần có những buổi tọa đàm cho các cháu biết để cảnh giác và qua đó tố cáo những hành vi phạm tội của chúng.

“Mặt khác, bậc làm cha mẹ cũng cần quản lý, giáo dục con em mình không nên bán rẻ phẩm giá của các cháu, tránh các hệ lụy như bệnh tật, tâm lý, sức khỏe sau này”, Thượng tá Vân khuyến cáo.

Hình phạt nào cho những kẻ tổ chức livestream?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, trong quá trình điều tra chuyên án nói trên, nếu cơ quan chức năng kết luật có sai phạm thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Theo điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại khoản 37 Điều 1 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội”, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đồng thời, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật.

“Đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần tổ chức vi phạm. Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Theo đó, tùy vào số lượng dữ liệu được sử dụng mà người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 30 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm”, Luật sư Bình cho hay.

Trước thực trạng trẻ em bị lợi dụng thành công cụ trục lợi trong vụ án trên, Luật sư Bình khuyến cáo các bậc phụ huynh, trước hết cần có sự nghiêm túc dạy bảo con em về vấn đề giới tính và các vấn đề nhạy cảm có liên quan để các em có thể tự bảo vệ bản thân, lường trước sự việc. Nếu điều kiện cho phép thì các bậc phụ huynh có thể cho con em tham gia các khóa hướng dẫn kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục.

“Không những thế, các bậc phụ huynh cũng nên thường xuyên hỏi han, theo dõi tình hình con em và đưa ra những lời dặn, lời khuyên sớm, kịp thời nhất là khi tiếp xúc với người lạ. Đặc biệt, nếu con em có biểu hiện bất thương thì cần bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp phù hợp”, Luật sư Bình đưa lời khuyên.

Về phía các em nhỏ, Luật sư Bình cho rằng đây là độ tuổi mà tâm sinh lý vẫn chưa ổn định, vẫn còn bồng bột nên chưa lường trước được hậu quả có thể xảy ra. Do đó, để đảm bảo an toàn cho bản thân thì không nên nghe theo lời dụ dỗ lôi kéo của người khác; không nên bắt chước, làm theo người khác, tạo cho các em một “sức đề kháng” để đề phòng những trường hợp có ý đồ xấu.

Đức Sơn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tu-vu-livestream-khieu-dam-vua-bi-triet-pha-tre-nho-bi-loi-dung-thanh-cong-cu-truc-loi-433892.html