Từ vụ lọt đề thi tốt nghiệp THPT: Cần tăng cường biện pháp phát hiện gian lận thi cử

Theo chuyên gia, ngay ở ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã phát hiện lỗ hổng, các điểm thi, hội đồng thi sẽ phải rà soát lại toàn bộ quy trình, nhân sự, tăng cường các biện pháp phát hiện gian lận, đây mới là mấu chốt vì kỳ thi vẫn còn diễn ra.

Sáng 28/6, trong buổi thi Ngữ văn có tình trạng thí sinh vẫn đang trong thời gian làm bài, song đề thi đã xuất hiện trên mạng xã hội, điều này đặt ra nghi vấn về việc lộ lọt đề thi.

Đến buổi chiều cùng ngày tiếp tục có thông tin nghi vấn lộ đề thi môn Toán.

Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đã nắm bắt thông tin và chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an vào cuộc xác minh.

Bộ GD-ĐT khẳng định, thông tin trên không ảnh hưởng đến kỳ thi.

Tối 28/6, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT và Công an các đơn vị, địa phương liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, truy xét, xác minh làm rõ các đối tượng liên quan. Cụ thể, 13h30 cùng ngày, Cục An ninh chính trị nội bộ đã xác định được 1 thí sinh thuộc Hội đồng thi của tỉnh Cao Bằng có hành vi sử dụng điện thoại Iphone 11 chụp ảnh đề thi (sau khi phát đề khoảng 15 phút) và gửi cho người thân để nhờ giải bài giúp. Hình ảnh sau đó được đăng tải và bị lan truyền trên các trang mạng xã hội.

Về thông tin lọt đề Toán, A03 cho hay đã xác định được thí sinh liên quan đến từ Hội đồng thi tỉnh Yên Bái. Em này cũng bị nghi đã dùng điện thoại để chụp đề gửi ra ngoài. Lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, trong bối cảnh CNTT phát triển như hiện nay, việc truyền thông tin rất dễ dàng, trong những ngày gần thi, có không ít thông tin về việc phát hiện, xử lý các cơ sở mua bán các thiết bị phục vụ gian lận thi cử. Trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã có quy định về việc thí sinh, cán bộ coi thi không được mang điện thoại, các thiết bị có hệ thống thu phát, truyền tín hiệu vào phòng thi. Tuy nhiên, ngay trong ngày thi đầu tiên, sơ xuất trong quá trình kiểm tra đã để xảy ra tình trạng đề thi được chụp và đăng lên mạng.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Ảnh: KT

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Ảnh: KT

“Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng xác minh, làm rõ việc lộ đề thi, xử lý nghiêm theo đúng quy định. Phải nói rằng khâu kiểm tra khi thí sinh vào phòng thi nếu không làm chặt, giám thị coi thi không có kinh nghiệm sẽ rất dễ xảy ra tình trạng lộ đề thi, gian lận thi cử, ảnh hưởng đến tính công bằng, minh bạch của kỳ thi. Song nếu tình trạng gian lận chỉ xảy ra ở 1 vài thí sinh, về cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kỳ thi trên cả nước, nhưng sẽ là “con sâu bỏ dầu nồi canh”. Bộ GD-ĐT cần có chế tài xử lý nghiêm khắc các trường hợp gian lận thi cử”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định.

Còn theo thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên tại Hệ thống giáo dục FPT, việc lọt đề thi môn Ngữ văn ảnh hưởng đầu tiên đến thí sinh chụp ảnh đề thi vì đã vi phạm quy chế, đây là hành vi cố ý.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT. Ảnh: KT

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT. Ảnh: KT

“Bộ GD- ĐT cần tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ sự việc, nhưng dù thế nào thì kết quả thi của những thí sinh này vẫn sẽ bị hủy và xem xét trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều đáng tiếc là giám thị coi thi trực tiếp đã thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế coi thi, để sự việc đáng tiếc xảy ra.

Rõ ràng tính kỉ luật của kỳ thi đã bị vi phạm, lỗ hổng vẫn xuất hiện, mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ các Bộ, ban ngành. Thực tế một khi kỳ thi đã đưa về các địa phương, với số lượng điểm thi rất lớn thì việc kiểm soát, bảo đảm kỳ thi công bằng, minh bạch là một thách thức vô cùng lớn”, thầy Đinh Đức Hiền nói.

Theo thầy Hiền, ngay ở môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã phát hiện lỗ hổng, với việc phát hiện kịp thời, từ đó các điểm thi, hội đồng thi sẽ phải rà soát lại toàn bộ quy trình, nhân sự, tăng cường các biện pháp phát hiện gian lận, đây mới là mấu chốt vì kỳ thi vẫn còn diễn ra. Việc điều tra, làm rõ sự việc đương nhiên là cần thiết, nhưng việc quan trọng hơn là bảo đảm tất cả các môn thi sau diễn ra an toàn và nghiêm túc.

“Chúng ta đã trải qua nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT, gian lận có thể đến từ rất nhiều khâu, từ ra đề thi, chấm thi và hoàn toàn có thể đến từ khâu coi thi. Quy trình có chặt chẽ đến đâu cũng là do con người làm ra, nên công bằng minh bạch hay không đến từ lương tâm nhà giáo, cán bộ quản lý. Bên cạnh việc lựa chọn người tham gia, tập huấn kĩ càng, phụ cấp xứng đáng, thì hành lang pháp lý, mức xử phạt cần phải rõ ràng, thích đáng, có tác dụng răn đe mạnh mẽ, từ đó nâng cao trách nhiệm của người tham gia công tác thi”, thầy Đinh Đức Hiền nhấn mạnh.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tu-vu-lot-de-thi-tot-nghiep-thpt-can-tang-cuong-bien-phap-phat-hien-gian-lan-thi-cu-post1029284.vov