Từ vụ ngộ độc nước ép rau diếp cá với dứa, chuyên gia hướng dẫn bảo quản nước ép trái cây đúng cách
Các bác sĩ BVĐK tỉnh Cao Bằng cho biết vừa cấp cứu thành công cho một bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn do vi trùng, nghi là từ nước ép rau quả không đảm bảo.
Vừa qua, Bệnh viện ĐK tỉnh Cao Bằng cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều kèm theo hoa mắt, chóng mặt.
Sau khi thăm khám và hỏi tiền sử, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm độc thức ăn do vi trùng, chưa phân loại (nghi do bệnh nhân uống nước ép rau diếp cá kèm dứa). Sau khi được điều trị, sức khỏe của bệnh nhân dần được ổn định.
Được biết, nước ép diếp cá với dứa là một nước giải nhiệt từ thiên nhiên cùng nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhất là làm mát cơ thể và đẹp da trong những ngày hè nóng bức. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của rau diếp cá là sinh trưởng tốt ở nơi đất ẩm ướt như bùn, ưa bóng râm. Đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn và giun sán cư trú thường xuyên. Trong khi đó, rau diếp cá chủ yếu được dùng ăn sống nên nguy cơ nhiễm khuẩn, giun sán là rất cao.
Vì vậy, để an toàn các bác sĩ khuyến cáo trong quá trình chế biến phải hết sức thận trọng. Chỉ dùng ăn hoặc uống khi biết rõ rau trồng được đảm bảo, không dùng rau sống được trồng nơi ô nhiễm. Nên chọn rau diếp cá tươi, rửa sạch và ngâm nước muối trước khi dùng.
- Cần lưu ý không nên dùng nước ép diếp cá liên tục. Tùy vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của mỗi người, tránh lạm dụng dùng quá nhiều rau diếp cá trong một ngày bởi có nhiều trường hợp đã dẫn đến tình trạng hoa mắt chóng mặt hoặc bị tiêu chảy…
- Không nên uống vào buổi sáng và tối muộn vì rau có tính hàn gây lạnh bụng.
Tốt nhất sau khi ép nước nên uống ngay, không để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường, tránh nước bị lắng, biến đổi chất.
Trường hợp bảo quản nước ép rau diếp cá cần đảm bảo các tiêu chí sau:
- Không uống nếu để lâu: Sau khi ép nước rau diếp cá tươi, nếu chưa uống ngay cần cho chúng vào tủ lạnh để bảo quản. Đối với nước ép tươi thì dù có bảo quản ngay trong tủ lạnh cũng không nên để quá 24h.
Không nấu chín nước ép: Việc nấu nước ép trái cây cũng như nước ép diếp cá không chỉ làm mất đi dinh dưỡng mà còn giảm đi thời gian bảo quản của nước ép.
Không đựng trong chai nhựa: Nước ép rau quả tươi tốt nhất nên đựng trong chai thủy tinh. Tuyệt đối không đựng trong chai nhựa vì một số trái cây chứa acid có thể gây hại cho sức khỏe.
Không để hở phòng oxy hóa: Nước rau củ sau khi ép cần đậy kín để đảm bảo vệ sinh tránh lây nhiễm chéo với những thực phẩm khác và hạn chế tác dụng oxy hóa. Hơn nữa, chai thủy tinh miệng rộng sẽ giúp vệ sinh dễ dàng, tránh tồn đọng vi khuẩn để lần sau sử dụng.
M.H (th)