Từ vụ YouTube Thơ Nguyễn 'xin vía' búp bê: Ám ảnh 'thế giới Kumanthong'
Từ vụ YouTube Thơ Nguyễn 'xin vía' búp bê, nhiều cư dân mạng đã 'gợi lại' những câu chuyện rùng rợn về Kumanthong và kêu gọi phụ huynh hãy cẩn trọng khi cho trẻ tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm.
Búp bê Kumanthong là gì?
“Kuman” theo tiếng Thái có nghĩa là ám chỉ trẻ con nhỏ tuổi hay thai nhi. “Thong” có nghĩa là vàng.
Theo Giadinh.net, búp bê Kumathong còn có tên gọi khác là “cậu bé vàng” và có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan. Theo các nguồn thông tin, búp bê Kumathong được tạo ra bằng việc dùng xác các thai nhi, mạ vàng bên ngoài và yểm bùa chú. Khi mang những búp bê này về nuôi và chăm sóc như người thật thì người nuôi sẽ được giúp đỡ, tạo sự may mắn trong công việc, tình cảm, cuộc sống.
Ngược lại, nếu nuôi mà bỏ bê thì các búp bê này sẽ quay lại trả thù người nuôi. Khác với miêu tả, theo quan sát của phóng viên các búp bê Kumathong hiện nay được rao bán lại hoàn toàn làm bằng chất liệu nhựa, có một vài ký tự trên trán, cổ và gáy.
Để minh chứng sự tồn tại của các linh hồn trong các búp bê này, “bài tủ” được người bán đem ra quảng cáo phần nhiều là chuyện khả năng tự uống sữa và nước của búp bê.
Những người bán này dùng các ống nhựa dài cắm vào các loại đồ uống và niệm bùa chú, các bài kinh cúng, khấn để Kumathong có thể uống nước và sau đó nước tự chảy ra.
Lợi dụng lòng tin của người dân, búp bê Kumathong đang được rao bán với rất nhiều hình thức khác nhau. Chỉ cần một cú click chuột vào các trang phong thủy người mua sẽ có thể dễ dàng đặt mua Kumathong, thậm chí còn có cả dịch vụ giao hàng tận nhà.
Đáng chú ý hơn, búp bê Kumathong còn được nhiều tài khoản Facebook sử dụng để hành nghề mê tín dị đoan trên mạng xã hội.
Chính phủ Thái Lan hiện nay đã cấm lưu thông búp bê Kumanthong trên thị trường. Tuy nhiên, không hiểu sao loại búp bê này lại được một bộ phận giới trẻ Việt mua bán và sử dụng ở Việt Nam. Thực trạng này rất đáng báo động vì nó có thể gây ra những hệ lụy xấu trong xã hội.
Kumanthong là hình thức lừa đảo từ sự sợ hãi
Thông tin trên báo Dân trí, hiện nay, lượng video liên quan đến búp bê Kumanthong và có nội dung mê tín dị đoan xuất hiện rất nhiều trên TikTok. Chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm của nền tảng này cụm từ "Kumanthong", hàng trăm video về con búp bê tâm linh này sẽ hiện ra.
Chưa dừng lại ở đó, có một số chủ tài khoản chỉ chuyên đăng tải các video có liên quan đến búp bê Kumanthong. Trong những video này, búp bê Kumanthong thậm chí còn được cho ăn, uống và thờ cúng.
Điều đáng quan ngại là những video có nội dung như trên lại thu hút được lượng tương tác khủng với hàng triệu lượt xem, vài trăm nghìn lượt thích cùng với hàng chục nghìn bình luận.
Những video này có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, hành vi của người xem, đặc biệt là đối tượng trẻ em, trẻ vị thành niên. Trong chính sách sử dụng, TikTok cũng nêu rõ chỉ người trên 13 tuổi mới có thể sử dụng nền tảng này.
Trên mạng xã hội có hàng trăm hội, nhóm với số lượng thành viên từ hàng ngàn tới hàng chục ngàn người, hàng ngày chia sẻ cách chăm sóc búp bê, cho ăn thế nào...
Đây cũng là nơi mua bán những Kumanthong và đồ dùng, quần áo cho chúng. Các trang có tiếng phải kể đến Nhóm nuôi Kumanthong… (10.800 thành viên), Nhóm mua bán bùa… (7.500 thành viên) hay nhóm nuôi và chăm sóc Kumanthong…
Nhiều bạn trẻ còn tổ chức các buổi giao lưu bên ngoài, đem theo “các con”, trao đổi quần áo, kinh nghiệm làm “các con” vui…
Các bạn đưa các búp bê đi ăn, uống cà phê và chăm sóc, trò chuyện như đó là em bé sống.
Cũng như các loại bùa ngải khác, công dụng của Kumanthong hầu hết đều được phóng đại qua những lời nói của các vị pháp sư.
Trao đổi với Zing, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, nói lấy làm tiếc khi trong xã hội văn minh ngày nay vẫn có người truyền bá mê tín như vậy.
“Kumanthong không có trong đạo Phật, giáo lý nhà Phật không tán đồng bất cứ hình thức nào thuộc về mê tín dị đoan, làm cho con người sợ hãi, bị chi phối, dẫn dắt như vậy”, Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định.
Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM nói thêm: “Niềm tin vào Kumanthong mang lại thành công trong học đường, may mắn trong làm ăn… là hình thức lừa đảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người”.
Trao đổi trên VOV, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Hoài Sơn cho rằng, câu chuyện ở đây là niềm tin: "Niềm tin thường mang tính chủ quan. Về mặt khoa học thì không có căn cứ búp bê đó ảnh hưởng đến chuyện làm ăn may mắn hay không..."
Còn chuyên gia tâm linh Trần Vũ Kim Trung khẳng định: sự thần linh của Kumathong đang được tạo ra bởi những bài viết chạy quảng cáo trên mạng xã hội.
"Chúng ta thỉnh từ nước ngoài về và gán ghép cho nó những điều không đúng. Và rất nhiều người lợi dụng điều đó để trục lợi cá nhân, tạo hot trend riêng hay bịa ra những câu chuyện thương tâm, đáng sợ, huyền bí rồi đưa đẩy qua nhiều kênh. Theo tôi, họ không nên làm như vậy".
Theo tờ The Nation, Thai PBS, năm 2016, Tướng Chakthip Chaijinda - Giám đốc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã bày tỏ quan ngại về trào lưu này. Ông nói trong buổi họp báo rằng: “Làm thế nào mà đất nước chúng ta có được ngày hôm nay? Tôi vẫn thực sự bối rối. Nhờ nuôi một con Luukthep chăng? Thật là điên rồ” .
Giáo sư Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch, cũng cho rằng việc nuôi búp bê Kumanthong rất nguy hiểm, không có giá trị trong cuộc sống. Những người nuôi và tin vào những điều không có thật trong thực tế là do trình độ, nhận thức kém.
Tiểu Phi (Tổng Hợp)