Từ vựa lúa, đầm rươi tiền tỷ đến vùng nuôi thủy sản triệu đô ở Hải Dương

An Thanh mấy năm qua được mệnh danh là 'vùng đất tỷ phú' ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Trên địa bàn xã, giờ đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những mô hình trồng lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ, cho thu nhập cao.

Hàng năm, cứ vào độ lúa chiêm xuân cho thu hoạch, ngày hội lúa rươi huyện Tứ Kỳ lại được tổ chức, thu hút hàng trăm hộ sản xuất. Sự kiện mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, tạo sân chơi cho nông dân học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu.

Thu tiền tỷ từ lúa - rươi - cáy

Ngày hội lúa, rươi Tứ Kỳ được tổ chức tại vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ thuộc thôn An Định, xã An Thanh, với nhiều tiết mục văn hóa nghệ thuật độc đáo, cùng hoạt động tham quan vùng sản xuất lúa chất lượng cao và ký kết văn bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

Chính nhờ những hoạt động như vậy, mô hình trồng lúa kết hợp nuôi rươi, cáy tại Tứ Kỳ ngày càng phát triển. Đến nay, tổng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy của toàn huyện Tứ Kỳ là 550 ha. Ở các vùng lúa hữu cơ, nông dân chủ yếu cấy các giống ST25, J02, nếp và một số giống lúa chất lượng cao.

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi rươi, cáy theo hướng hữu cơ mang lại thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi rươi, cáy theo hướng hữu cơ mang lại thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã An Thanh cho biết khai thác rươi, cáy ở vùng bãi ven sông là nghề truyền thống đã gắn bó hàng thế kỷ với nhiều hộ dân huyện Tứ Kỳ sống bên dòng sông Thái Bình. Tuy nhiên, trước đây việc khai thác rươi, cáy phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, trời cho bao nhiêu được bấy nhiêu, nên hiệu quả bấp bênh.

Sau nhiều năm chìm nổi, người dân Tứ Kỳ nắm vững đặc tính của con rươi, con cáy là có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở các cánh đồng trong đê miễn là cung cấp đủ nguồn nước ra vào từ sông lớn.

Dựa trên những hiểu biết đó, trong những năm gần đây, không ít hộ sản xuất đã bắt tay vào một cuộc “cách mạng” xây dựng mô hình cấy lúa hữu cơ (không sử dụng phân vô cơ và thuốc trừ sâu), tạo môi trường phù hợp để rươi, cáy sinh sống, kết hợp điều tiết nước hợp lý qua các cửa cống.

Việc ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, cùng phương thức sản xuất an toàn sinh thái, hình thành chuỗi giá trị đang giúp nghề sản xuất “3 trong 1” lúa - rươi - cáy ở xã An Thanh và một số xã trong huyện Tứ Kỳ mang lại nguồn lợi cho người dân gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đang đẩy mạnh hỗ trợ, định hướng và vận động nông dân mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy, nâng diện tích này lên 700 ha vào năm 2025. Sản lượng rươi hiện đạt 450 tấn/năm, cáy 200 tấn/năm. Hiện, giá trị sản phẩm từ mô hình lúa - rươi - cáy đạt từ 400-450 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 - 10 lần so với thâm canh vô cơ.

Kỳ vọng triệu đô từ nuôi thủy sản

Cùng với mô hình lúa – rươi – cáy, ở Tứ Kỳ những năm gần đây còn tập trung phát triển vùng sản xuất thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao, bước đầu cho hiệu quả vượt trội.

Tứ Kỳ là một trong những đầu kéo trong phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Những năm qua, huyện luôn duy trì diện tích nuôi gần 1.800 ha với tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 13.000 tấn/năm, với sự hình thành của loạt HTX, mô hình điểm.

Toàn huyện đã có 27 vùng thủy sản tập trung có quy mô từ 20 ha/vùng trở lên ở các xã Tân Kỳ, Quang Phục, Tái Sơn, Hưng Đạo, Tiên Động... Tại những vùng nuôi thâm canh, năng suất đạt bình quân 10 - 15 tấn/ha, cá biệt có hộ sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao đạt năng suất từ 30 - 40 tấn/ha. Đối với cá lồng, có 925 lồng nuôi, sản lượng hơn 2.500 tấn/năm.

Nuôi thủy sản công nghệ cao cũng đang mang lại giá trị triệu đô cho các hộ dân ở Tứ Kỳ.

Nuôi thủy sản công nghệ cao cũng đang mang lại giá trị triệu đô cho các hộ dân ở Tứ Kỳ.

Được biết, huyện Tứ Kỳ bắt tay xây dựng liên vùng sản xuất thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao từ năm 2022 đến nay. Liên vùng có diện tích gần 300 ha ở 3 xã Quang Phục, Tái Sơn, Tân Kỳ. Đây là 3 địa phương có truyền thống nuôi thủy sản, người dân có trình độ thâm canh cao, đồng thời có nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.

Đáng chú ý, để thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, gia tăng giá trị kinh tế, những năm qua, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đã hình thành nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất điểm, có doanh thu hàng tỷ đồng/năm, trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu cho người lao động.

Đơn cử, sau hàng thập kỷ gắn bó với nghề, từ sản xuất đơn lẻ, đến nay ông Nguyễn Đình Toản (ở xã Quang Phục) đã vận động, tập hợp một số hộ để thành lập HTX Thủy sản công nghệ cao Tưởng An.

Vào HTX, các thành viên, hộ liên kết đều được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, việc nuôi cá bớt vất vả và tiết kiệm được nhiều chi phí, việc cho cá ăn bằng hệ thống máng tự động cũng giúp giảm nhân công, lượng thức ăn.

Đặc biệt, với máy sản xuất thức ăn hiện đại, HTX có thể chủ động được nguồn thức ăn. Camera lắp đặt xung quanh khu vực sản xuất được kết nối với điện thoại thông minh giúp các thành viên có thể dễ dàng giám sát, phát hiện những bất thường để kịp thời xử lý.

"Dù mới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, song hiệu quả đã rõ rệt. Các ao nuôi của HTX nằm trong liên vùng mà huyện quy hoạch nên các thành viên rất phấn khởi. Nuôi cá đã lâu, ai cũng hy vọng đây sẽ là bước ngoặt để gia tăng hiệu quả kinh tế, làm giàu", đại diện HTX Tưởng An chia sẻ.

Phát huy “mũi nhọn” nông nghiệp hàng hóa

Bên cạnh các HTX, theo ngành nông nghiệp huyện Tứ Kỳ, thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững, huyện đã thành lập mới 47 mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ liên kết trong sản xuất nông nghiệp thu hút gần 1.500 thành viên.

Các mô hình góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập, làm giàu cho nông dân.

Việc liên vùng sản xuất thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai thực hiện tại huyện Tứ Kỳ được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho sản phẩm thế mạnh của địa phương, mang lại doanh thu hàng triệu USD, thay đổi đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Xác định thủy sản là mũi nhọn trong nông nghiệp, huyện quyết tâm tạo đột phá cho lĩnh vực này bằng cách sản xuất hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh chú trọng phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, thời gian qua, huyện Tứ Kỳ cũng phối hợp với các đơn vị khoa học trong ngành nông nghiệp chuyển giao nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất.

Đông Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/tu-vua-lua-dam-ruoi-tien-ty-den-vung-nuoi-thuy-san-trieu-do-o-hai-duong-1101137.html