Tự ý mua thuốc phòng, điều trị đau mắt đỏ gây giảm thị lực vĩnh viễn

Theo bác sĩ chuyên khoa mắt, việc người dân tự ý mua thuốc về để nhỏ phòng, cũng như tự điều trị đau mắt đỏ có thể gây viêm loét, để lại các di chứng nguy hiểm, gây giảm thị lực vĩnh viễn.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ gia tăng tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Đau mắt đỏ không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng đến thị lực. Tuy nhiên, việc nhiều người ý mua thuốc về phòng bệnh, điều trị tại nhà dẫn đến tình trạng bệnh trở nên nặng thêm.

Bệnh nhân N.M.H. (trú tỉnh Quảng Trị) có dấu hiệu bị đau mắt đỏ nên tự ý mua thuốc về nhỏ, hai ngày sau vẫn không giảm nên đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh Quảng Trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân H. bị viêm loét giác mạc do nấm và tự ý dùng thuốc không đúng. Bệnh nhân nhập viện với ổ loét giác mạc rộng, thâm nhiễm sâu, thị lực xuống thấp chỉ còn đếm ngón tay 1m. Sau gần 14 ngày được điều trị theo hướng kháng nấm, thị lực cải thiện bệnh nhân được ra viện.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Bùi Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Quảng Trị cho biết, từ đầu năm đến nay số ca bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị tại bệnh viện gần 2.000 bệnh nhân. Trong tháng 9 tăng đột biến với 700 bệnh nhân, trong đó có 3 trường hợp nặng tương tự như bệnh nhân N.M.H.

Theo bác sĩ Bùi Thị Vân Anh, các chủng virus thường gây đau mắt đỏ chủ yếu là Adenovirus và Enterovirus. Dù tại Quảng Trị chưa phân lập được type virus gây bệnh nhưng trên thực tế lâm sàng cho thấy năm nay, số lượng viêm kết mạc xuất huyết tăng nhiều hơn.

"Có nhiều trường hợp đau mắt đỏ nhưng không phải do viêm kết mạc cấp virus. Do đó cần được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị. Thời gian qua, xuất hiện rất nhiều trường hợp sử dụng sai thuốc khi tự điều trị đau mắt đỏ dẫn đến biến chứng. Có những trường hợp, không phải đau mắt đỏ nhưng tự ý điều trị dẫn đến viêm loét giác mạc, gây ảnh hưởng đến thị lực", bác sĩ Bùi Thị Vân Anh chia sẻ.

BS.CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết thông thường người dân khi mới mắc bệnh đau mắt đỏ thường có cảm giác cộm, khó chịu ở mắt và sẽ tự mua thuốc về để điều trị. Các quầy thuốc thường sẽ bán loại kháng sinh thông thường cho người dân, điều này không cần thiết vì đau mắt đỏ do virus gây nên. Chỉ khi đi khám nếu có dấu hiệu bội nhiễm, bác sĩ mới chỉ định điều trị bằng kháng sinh.

BS.CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên khuyến cáo, để phòng đau mắt đỏ, người dân cần không chủ quan, thực hiện rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, không dùng chung vật dụng cá nhân. Vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

BS.CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh C.Trang

BS.CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh C.Trang

Khi thấy dấu hiệu bị đau mắt đỏ cần đến tại cơ sở y tế có chuyên khoa về mắt để khám và tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tự mua thuốc điều trị. Nếu làm việc tại các cơ quan, đơn vị đông người, thường xuyên tiếp xúc cần tạm nghỉ việc để tránh lây lan cho người khác. Thông thường bệnh này nếu điều trị đúng cách theo khuyến cáo của bác sĩ thì mất khoảng 2-3 ngày mắt có thể hết đỏ.

Liên quan đến thực trạng người dân tự mua thuốc về để nhỏ dự phòng mà không có chỉ dẫn của bác sĩ, BS.CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên cho rằng việc này rất nguy hiểm, có thể gây loét giác mạc, làm giảm thị lực.

Do đó, việc thăm khám và điều trị theo tư vấn của bác sĩ rất quan trọng giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra, bảo vệ cho đôi mắt của mỗi người. Không những làm ảnh hưởng đến mắt, việc người dân tự ý mua thuốc để dự phòng, tích trữ cũng gây nên tình trạng thiếu thuốc, vô tình đẩy giá thuốc lên cao.

Trước đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản số 9474/QLD-GT yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp để bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị.

Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.

Chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả…

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-y-mua-thuoc-phong-dieu-tri-dau-mat-do-gay-giam-thi-luc-vinh-vien-169231014142401389.htm