Tuần biến động của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần giao dịch biến động. Chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.300 điểm vào giữa tuần song sau đó lại bất ngờ giảm mạnh trong phiên cuối tuần và lùi về dưới 1.280 điểm.

VN-Index giảm mạnh trong phiên ngày 14-6. Ảnh: H.T

VN-Index giảm mạnh trong phiên ngày 14-6. Ảnh: H.T

Thị trường mở cửa phiên đầu tuần (ngày 10-6) tương đối tích cực, tăng hơn 3 điểm.

Hôm sau, lực cầu yếu trong khi khối ngoại mạnh tay bán ròng khiến VN-Index giảm hơn 6 điểm. Đến phiên ngày 12-6, VN-Index tăng mạnh hơn 15 điểm và chính thức vượt mốc 1.300 điểm với thanh khoản hơn 23.000 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng và cổ phiếu công nghệ FPT đã dẫn dắt thị trường trong phiên này.

Thị trường diễn biến giằng co trong phiên ngày 13-6, song áp lực chốt lời không quá mạnh nên VN-Index đóng cửa tăng nhẹ hơn 1 điểm.

Diễn biến bất ngờ đến trong phiên giao dịch cuối tuần khi VN-Index quay đầu giảm mạnh hơn 20 điểm, với áp lực chốt lời gia tăng mạnh trong buổi chiều, đưa thanh khoản cả phiên đạt mức cao 29.000 tỷ đồng.

Đóng cửa tuần giao dịch thứ hai của tháng 6, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.279,91 điểm, giảm 7,67 điểm (-0,6%) so với cuối tuần liền trước. Thanh khoản thị trường tăng trở lại, đạt bình quân 24.516 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại có trọn tuần bán ròng.

Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect Đinh Quang Hinh cho rằng, diễn biến phiên ngày 14-6 gây bất ngờ cho khá nhiều nhà đầu tư, khi trước đó, thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực về số liệu lạm phát thấp hơn dự báo tại Mỹ, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ duy trì đà giảm và chứng khoán Mỹ lập đỉnh cao mới.

Đà giảm lần này có thể đến từ động thái chốt lời của nhà đầu tư, khi nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng mạnh 20% - 30% chỉ trong thời gian ngắn, như nhóm cổ phiếu cảng, vận tải biển, công nghệ.

Bên cạnh đó, thị trường cũng chịu ảnh hưởng bởi động thái liên tiếp bán ròng của khối ngoại và lo ngại về mối quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán suy giảm khi vòng chung kết Euro 2024 diễn ra.

Theo ông Đinh Quang Hinh, nhìn một cách tổng thể, phiên giảm điểm mạnh ngày thứ 6 vừa qua chưa làm thay đổi xu hướng tăng trong trung hạn của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh nền tảng vĩ mô trong nước vẫn ổn định và đang cải thiện trên một số mặt, như tăng trưởng xuất nhập khẩu, ổn định tỷ giá và thị trường vàng...

“Tôi cho rằng nhịp điều chỉnh lần này của thị trường có mức độ không lớn và sẽ không kéo dài. Nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân nếu chỉ số VN-Index tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.260 điểm (+/10 điểm), ưu tiên những nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh trong thời gian gần đây và có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong quý II-2024 cũng như nửa cuối năm nay”, vị chuyên gia này khuyến nghị.

Còn chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán kiến thiết Việt Nam nhìn nhận, ở thời điểm hiện tại, áp lực bán đang chiếm ưu thế sau phiên giảm sâu ở cuối tuần. Tuy vậy, tín hiệu đảo chiều vẫn chưa được xác nhận rõ và không loại trừ khả năng VN-Index chỉ giảm ngắn hạn để kiểm tra ngưỡng hỗ trợ (1.264-1.270 điểm). Ở các phiên tuần sau, dự báo chỉ số bật tăng trở lại.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tuan-bien-dong-cua-thi-truong-chung-khoan-669373.html