Tuần Giáo đặt kỳ vọng thoát nghèo từ 'cây tỷ đô'

Mắc ca được ví là 'cây tỷ đô'. Cây trồng này đang được huyện Tuần Giáo (Điện Biên) triển khai với kỳ vọng sẽ giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Phấn đấu đưa Mắc ca trở thành cây trồng mũi nhọn, giúp xóa đói giảm nghèo tại huyện Tuần Giáo.

Phấn đấu đưa Mắc ca trở thành cây trồng mũi nhọn, giúp xóa đói giảm nghèo tại huyện Tuần Giáo.

Thoát nghèo nhờ cây mắc ca

Tuần Giáo là huyện cửa ngõ phía đông của tỉnh Điện Biên, có tổng diện tích tự nhiên trên 113 ngàn ha, gồm 19 xã, thị trấn, 237 khối bản, 9 dân tộc sinh sống với 18.115 hộ dân. Nơi đây bà con chủ yếu sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi.

Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tại đây luôn không ngừng nỗ lực tìm hướng đi cho nông nghiệp, giúp người dân sớm thoát khỏi vòng đói nghèo vốn luẩn quẩn suốt bao đời này.

Năm 2013, lần đầu tiên cây mắc ca được trồng thử nghiệm tại huyện Tuần Giáo. Quá trình thử nghiệm cây giống bước đầu cho kết quả khả quan, cây sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Các dự án trồng cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo được chấp thuận đầu tư theo mô hình hỗn hợp, một phần diện tích do nhà đầu tư trực tiếp trồng chăm sóc, một phần diện tích thực hiện theo hình thức liên kết với người dân có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hợp tác xã. Đây là mô hình đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Gia đình ông Lò Văn Chanh thoát nghèo nhờ trồng cây mắc ca.

Gia đình ông Lò Văn Chanh thoát nghèo nhờ trồng cây mắc ca.

Khoảng hơn 10 năm về trước, khi chưa biết đến cây mắc ca, nhiều nơi ở Tuần Giáo chỉ trồng tre, sắn, lúa nương... hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2013, được Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên cấp giống đưa vào trồng thử nghiệm gia đình ông Lò Văn Chanh, bản Pha Nàng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo đã mạnh dạn trồng hơn 260 cây mắc ca. Quá trình trồng, chăm sóc nhận thấy đây là loại cây dễ sống, ít sâu bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc. Loài cây này còn có thể tận dụng trồng trên các đồi dốc, chỉ cần học thêm kỹ thuật tỉa cành, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thì càng lâu năm cây mắc ca sẽ càng cho sản lượng cao hơn.

Ông Chanh cho biết, trong năm 2022 - 2023, ông đã thu về gần 100 triệu đồng từ khu vườn mắc ca của gia đình mình. Năm nay, ông mạnh dạn đầu tư thêm loại phân bón chuyên dùng cho cây mắc ca nên quả to đẹp hơn, chất lượng quả tốt hơn.

Năm 2013 trên diện tích đất sét, hoang hóa của gia đình, bà Tòng Thị Thoan ở bản Chăn, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo đã quyết định trồng thử nghiệm 150 cây mắc ca. Ban đầu gia đình bà Thoan rất băn khoăn về sự phù hợp của loại cây này, tuy nhiên sau gần 10 năm chăm sóc cây đã cho thu nhập tăng dần, sản lượng vụ sau cao hơn vụ trước. Đó là tín hiệu đáng mừng mở ra hy vọng về cây có khả năng xóa đói giảm nghèo cho gia đình nói riêng và người dân trong bản nói chung.

Sau hơn 10 năm xuất hiện, cây mắc ca đã bén rễ tại mảnh đất Tuần Giáo, cho năng suất, chất lượng tốt. Loài cây này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và hứa hẹn trở thành cây làm giàu của đồng bào vùng cao nơi đây.

Những vạt đồi Mắc ca đang phát triển tốt...

Những vạt đồi Mắc ca đang phát triển tốt...

Biến Tuần Giáo thành “thủ phủ” mắc ca của Việt Nam

Tháng 7/2023, UBND tỉnh Điện Biên ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án trồng thâm canh cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo với quy mô khoảng 11.700ha đối với Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên (thuộc Tập đoàn TH).

Thông tin này đã củng cố niềm tin trong nhân dân. Nhờ đó, Tuần Giáo có 2.500 hộ dân của 18 xã trên địa bàn huyện đã đăng ký trồng gần 1.000ha cây mắc ca trong năm 2023. Điều này đã tạo tiền đề để huyện Tuần Giáo đến gần hơn với mục tiêu trở thành địa phương có diện tích trồng mắc ca lớn nhất cả nước trong năm 2024.

Phát biểu khai mạc Ngày hội trồng mắc ca ngày 23/5, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo, Lò Văn Cương nhấn mạnh, phát triển cây mắc ca là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện.

Năm 2023, với sự vào cuộc quyết liệt, huyện Tuần Giáo đã trồng mới được gần 1.700ha cây mắc ca với sự tham gia của 2.800 hộ dân. Diện tích mắc ca được trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, tạo hướng đi rõ ràng trong việc xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân trên địa bàn.

Ông Lê Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Mục tiêu của huyện là đến hết năm 2025 sẽ có hơn 8.000 ha mắc ca của người dân, bình quân mỗi hộ dân sở hữu khoảng 100 cây mắc ca. Đến cuối năm 2024, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng và chăm sóc 6.000 ha cây mắc ca và trở thành huyện có diện tích trồng mắc ca lớn nhất cả nước.

Hình ảnh tại Ngày hội trồng Mắc ca được huyện Tuần Giáo tổ chức hôm 23/5.

Hình ảnh tại Ngày hội trồng Mắc ca được huyện Tuần Giáo tổ chức hôm 23/5.

Tại Hội thảo về định hướng phát triển cây mắc ca, cây cà phê huyện Tuần Giáo được tổ chức hôm 23/5. Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên - Trần Quốc Cường đánh giá cao hướng đi, cách làm của huyện Tuần Giáo.

Ông Trần Quốc Cường khẳng định, kết quả trồng mắc ca tại huyện Tuần Giáo là minh chứng cho thấy sự quyết tâm, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện chủ trương của tỉnh.

Với mong muốn không chỉ đưa riêng huyện Tuần Giáo mà là cả tỉnh Điện Biên trở thành “thủ phủ” cây mắc ca, tỉnh Điện Biên đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển cây mắc ca theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng đất đai và các chính sách thu hút đầu tư phát triển cây mắc ca, đến nay, tỉnh Điện Biên hiện có 13 dự án trồng cây mắc ca của 11 doanh nghiệp, nhà đầu tư được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô trồng hơn 91.000ha.

Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tuan-giao-dat-ky-vong-thoat-ngheo-tu-cay-ty-do-post685095.html