Nền kinh tế biển của Việt Nam đón nhận những cơn sóng mới

Đã từng làm việc ở các quần đảo Thái Bình Dương, tôi đặc biệt quan tâm đến các nền kinh tế biển và 'nguồn vốn xanh lam' khi chuyển đến Việt Nam...

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào

Tôi đã có cơ hội đi du lịch nhiều nơi ở Việt Nam kể từ khi tôi chuyển công tác đến Hà Nội vào tháng 8 năm 2022. Tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp của quốc gia này – từ những màu xanh trù phú của núi non trùng điệp và các cánh đồng lúa bát ngát đến những sắc xanh kỳ ảo của các vùng biển dọc theo chiều dài đất nước. Đã từng làm việc ở các quần đảo Thái Bình Dương, tôi lại càng quan tâm đến các nền kinh tế biển và “nguồn vốn xanh lam” khi chuyển đến Việt Nam. Hơn nữa, là một người đam mê bơi lội và các môn thể thao dưới nước, việc bảo vệ đại dương rất có ý nghĩa với tôi.

NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐẠI DƯƠNG TĂNG GẤP ĐÔI TRONG GIAI ĐOẠN 2010-2030

Nhưng không chỉ đối với riêng tôi, mà đại dương là một tài sản lớn của tất cả chúng ta. Là nguồn sinh kế cho hơn 3 tỷ người , một đại dương trong lành cung cấp thực phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Ít nhất 3-5% GDP toàn cầu bắt nguồn từ đại dương. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đóng góp của các ngành công nghiệp dựa vào đại dương vào tổng giá trị gia tăng toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2030, lên đến 3.000 tỷ USD và tạo việc làm cho 40 triệu người.

Các quốc gia ven biển và các biển ở Đông Á chiếm 80% sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu và là cầu nối cho 90% thương mại thế giới thông qua vận tải biển. Ở một số quốc gia trong khu vực, hơn 20% tổng sản phẩm quốc nội được tạo ra từ nền kinh tế biển, một thuật ngữ chỉ sự phát triển bền vững và tổng hợp của các thành phần kinh tế dựa vào một đại dương khỏe mạnh.

Tuy nhiên, một loạt các yếu tố—biến đổi khí hậu, khai thác quá mức và ô nhiễm—đang đe dọa sức khỏe của đại dương, khiến các sinh vật biển đối mặt với rủi ro lớn và ảnh hưởng đến hàng triệu người phụ thuộc vào nguồn lợi hải sản. Hơn 80% lượng nhựa rò rỉ vào môi trường biển bắt nguồn từ Châu Á - Thái Bình Dương. 15 trong số 20 con sông gây ô nhiễm nhất trên toàn cầu nằm ở khu vực này, trong đó có 7 con sông ở Đông Nam Á. 1,5 tỷ người ở khu vực nông thôn và 600 triệu người ở khu vực thành thị tại Châu Á-Thái Bình Dương chưa được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch và vệ sinh.

Điều này cần phải thay đổi. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, thì biến đổi khí hậu, đánh bắt thủy sản quá nhiều và du lịch không bền vững, rác xả ra biển và nước thải chưa qua xử lý đổ vào đại dương sẽ hạn chế đáng kể tiềm năng phát triển kinh tế biển của toàn khu vực.

Tại Việt Nam, nếu các can thiệp kịp thời và đúng đắn được áp dụng đối với những ngành kinh tế biển quan trọng, ước tính GDP sẽ tăng thêm 34% vào năm 2030 – tương đương 23,5 tỷ USD so với kịch bản phát triển thông thường. Đường bờ biển dài 3.260 km của Việt Nam cung cấp nguồn tài nguyên biển phong phú cùng với tiềm năng lớn về năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi. Việt Nam cũng là nước đánh bắt và nuôi trồng thủy sản lớn thứ tư thế giới, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm đạt 8,5 tỷ USD.

TRÁI PHIẾU XANH LAM VÀ TÍN DỤNG XANH LAM TĂNG KỂ TỪ NĂM 2018

Trong những năm qua, các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và tổ chức phát hành trên toàn cầu ngày càng quan tâm đến tài chính xanh lam (blue finance), một lĩnh vực mới nổi trong tài chính khí hậu. Trái phiếu xanh lam và tín dụng xanh lam là những công cụ tài chính dành riêng cho các dự án thân thiện với đại dương và bảo vệ nguồn nước sạch.

Nhu cầu đối với loại tài sản này đã tăng kể từ năm 2018, khi Ngân hàng Thế giới và Cộng hòa Seychelles phát hành lần đầu tiên trái phiếu xanh lam được chính phủ bảo lãnh. Một nghiên cứu thị trường mới đây của IFC, tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân và là nhà đầu tư dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính khí hậu, cho thấy cơ hội đầu tư tức thời vào nền kinh tế biển ở các thị trường mới nổi trên khắp toàn cầu lên đến 90 tỷ USD.

Hình thức tài trợ sáng tạo này mang lại cơ hội cho khu vực tài chính của Việt Nam. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế có khả năng thích ứng với khí hậu và giảm phát thải các-bon sẽ đòi hỏi vốn đầu tư bổ sung lên tới 368 tỷ USD từ nay đến 2040, trong đó ít nhất một nửa đến từ khu vực tư nhân. Không chỉ là chìa khóa để Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030, đây cũng là cơ hội để ngành ngân hàng trong nước khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường.

Khó khăn của các tổ chức tài chính là tìm kiếm được những dự án sẵn sàng để đầu tư và có khả năng huy động vốn. Các tổ chức này sẽ cần hoàn thiện cách thức tiếp cận để phát triển các dự án đầu tư xanh lam quy mô lớn, trong đó có việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong những ngành kinh tế biển. Đồng thời, thị trường cũng tìm kiếm một chỉ dẫn về các tiêu chí đáp ứng của các dự án, cụ thể hóa các nguyên tắc tài trợ nền kinh tế xanh lam thành những hướng dẫn cụ thể về phát hành trái phiếu xanh lam và cho vay dự án xanh lam.

Trước nhu cầu này, năm 2022, IFC đã ban hành Hướng dẫn về Tài trợ Dự án Xanh lam để định hướng các khoản tài trợ xanh lam của chính mình bằng cách đưa ra phân loại danh mục các dự án xanh lam đạt yêu cầu tài trợ - ví dụ như, khoản đầu tư mới của IFC vào trái phiếu xanh lam kỳ hạn năm năm do Ngân hang Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) phát hành – đây là trái phiếu xanh lam đầu tiên ở Việt Nam. Bộ hướng dẫn này là công cụ tham khảo hữu dụng cho các thành viên thị trường quan tâm đến việc phát triển danh mục loại hình tài sản này.

Phối hợp giữa nhà nước với tư nhân để tạo ra các cơ hội thị trường minh bạch và hấp dẫn sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế biển. Ở một số thị trường, quan hệ đối tác công tư (PPP) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là khi các chính phủ gặp khó khăn về tài chính hay trước nhu cầu khổng lồ về phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á. Cấp nước sạch, vệ sinh môi trường và quản lý chất thải là một số lĩnh vực có thể được hưởng lợi từ PPP.

Việt Nam rất cần một cách tiếp cận toàn diện—từ chính sách đến triển khai thực tế và huy động vốn tư nhân—để bảo tồn và tái tạo các đại dương. Một khung pháp lý đầy đủ và minh bạch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định tốc độ mà một thị trường và khu vực tư nhân có thể nắm bắt các cơ hội đầu tư xanh lam. Ngoài ra, khi xuất hiện các chủ đề khí hậu mới, cần ngăn chặn và giảm thiểu hành vi “tẩy xanh” để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư.

Nền kinh tế xanh lam là một phần không thể thiếu trong cam kết của IFC về tài chính khí hậu. Khi Việt Nam đang nỗ lực phát triển một nền kinh tế biển mạnh mẽ, chúng tôi rất vinh dự được tham gia vào thời điểm bước ngoặt này của đất nước.

----

(*) Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào

Thomas Jacobs (*)

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nen-kinh-te-bien-cua-viet-nam-don-nhan-nhung-con-song-moi.htm