Tuần Giáo sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục
ĐBP - Bước vào năm học 2020 - 2021, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Tuần Giáo đã thực hiện sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với quy mô trường, lớp của từng địa phương. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn và tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.
Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Quài Cang, xã Quài Cang. Ảnh: Diệp Chi
Ông Ðỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Tuần Giáo cho biết: Việc sắp xếp lại trường, lớp là chủ trương lớn nên đã được cấp ủy, chính quyền, ngành GD&ÐT huyện tổ chức rà soát, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phù hợp với từng đơn vị. Ðồng thời, chủ trương này cũng được phổ biến tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường trên địa bàn huyện. Quan trọng hơn, việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp đã nhận được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền các xã và sự vào cuộc tích cực của phụ huynh học sinh. Nhờ vậy, đến đầu năm học 2020 - 2021, toàn huyện đã sáp nhập 14 trường mầm non, tiểu học, THCS thành 7 trường liên cấp, đồng cấp, giảm được 7 đầu mối đơn vị, đáp ứng được yêu cầu đề ra ban đầu. Hơn nữa, việc sáp nhập được tiến hành ngay trong dịp hè, trước thềm năm học mới nên hoạt động huy động học sinh, tổ chức khai giảng, dạy và học… của các trường vẫn được tiến hành bình thường, không hề có sự xáo trộn.
“Ðiều dễ nhận thấy nhất là cơ sở vật chất và con người được sử dụng hiệu quả hơn, tinh gọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, tiết kiệm ngân sách... Các vị trí việc làm sau khi sáp nhập đã cơ bản được thu gọn, như: Giáo viên môn chuyên, nhân viên thư viện, văn phòng... Ðội ngũ cán bộ quản lý có dôi dư 1 - 2 đồng chí nhưng cũng đã được tham mưu, tạo điều kiện sắp xếp vị trí công việc phù hợp. Tuy vậy, việc sáp nhập các trường cũng tạo ra chút ít xáo trộn, đặc biệt là với cấp học mầm non và tiểu học. Ðơn cử như sáp nhập 2 trường mầm non tại 1 xã thì địa bàn quản lý tương đối rộng, nhiều điểm bản. Ngay việc nấu ăn tại điểm trường trung tâm rồi đưa đến các nơi thôi cũng đã vất vả. Hay ở cấp tiểu học cũng tương tự, nhất là trong thời điểm đang tiến hành đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì việc tổ chức dạy và học, sắp xếp chương trình cũng là khó khăn… Trước những vướng mắc đó, ngành đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh; xây dựng lộ trình sắp xếp hài hòa với mục tiêu tinh gọn nhưng phải hiệu quả, không để ảnh hưởng tới học sinh. Ðến nay, sau một thời gian sáp nhập, các ngôi trường mới đã cho thấy những tín hiệu tích cực, nhận được sự đón nhận của phụ huynh học sinh” - ông Sơn cho biết thêm.
Ðầu tháng 8 vừa qua, 2 trường trên địa bàn xã Tênh Phông là Trường PTDTBT Tiểu học Tênh Phông và Trường PTDTBT THCS Tênh Phông đã hoàn thành việc sáp nhập liên cấp thành Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông. Ông Mai Xuân Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc sáp nhập đã góp phần tinh gọn, giảm đầu mối đơn vị trường, giảm chi ngân sách cho Nhà nước bằng việc giảm vị trí việc làm. Trước đây 2 trường có 46 cán bộ, giáo viên, nhân viên… khi sáp nhập lại còn 40 người. Hơn nữa, khi sắp xếp sáp nhập lại còn giải quyết được khó khăn về nhân sự đang còn thiếu. Trường THCS đang thiếu giáo viên môn Mỹ thuật, thiếu nhân viên văn thư, kế toán kiêm nhiệm chung của cả 2 trường thì nay các vị trí đó đều đã được hoàn thiện. Việc sáp nhập còn tạo nên hệ thống giáo viên, chương trình, phương pháp cho học sinh từ lớp 1 - 9; cơ sở vật chất trường, lớp học có sự đầu tư tập trung, đồng bộ hơn. Ngoài ra, giáo viên tiểu học, THCS có điều kiện trao đổi, nắm bắt tình hình học tập, chất lượng học sinh nên cũng dễ dàng hơn trong công tác giảng dạy… Ðể làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, Ban giám hiệu đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp từ giáo viên; phân công một phó hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học; quan tâm kiện toàn các tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn. Nhờ vậy sau sáp nhập, 17 lớp với 399 học sinh (gồm 6 lớp, 163 học sinh THCS; 11 lớp, 236 học sinh tiểu học) cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên đã ổn định tâm thế để bước vào năm học mới.
Sau khi sáp nhập Trường Tiểu học bản Sáng với Trường Tiểu học Quài Cang cùng trên địa bàn xã Quài Cang thành một đơn vị thống nhất có thể thấy bộ máy hành chính đã bớt cồng kềnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tận dụng khai thác, phát huy hiệu quả. Cô Phạm Thị Xuyến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quài Cang cho biết: Bước vào năm học mới, trường có 19 lớp với 519 học sinh. Số lớp, số học sinh có đông hơn so với năm học trước nhưng hoạt động của trường không thay đổi nhiều. Trường Tiểu học bản Sáng cũ nay gọi là một điểm trường nhưng mọi hoạt động dạy và học vẫn diễn ra bình thường. Trong khi việc sáp nhập góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách vì đã giảm được biên chế. Trường mới đã bớt đi 1 kế toán; nhân viên y tế học đường dôi dư cũng đã được thuyên chuyển; 1 phó hiệu trưởng cũng được luân chuyển, điều động nhận nhiệm vụ tại đơn vị khác…
Có thể thấy rằng, việc sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục của huyện Tuần Giáo đã và đang hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy tổ chức. Ðồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tăng quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.