Người dân khu 1, Thị trấn Hưng Hóa tề tựu tại Nhà văn hóa khu để chuẩn bị giã bánh giầy
Tục giã bánh giầy tại làng Trúc Phê (nay là Thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông) có nguồn gốc từ xa xưa, bắt nguồn từ sự tích Thánh mẫu Hồ Thiên Hương - nữ tướng thời đại Hùng Vương dựng nước, lập nhiều công lao bảo vệ đất nước.
Năm 207 TCN, Triệu Đà đánh Âu Lạc. Đức Truy ca Đinh Công Tuấn (chấn giữ Kẻ Gió, nay là đất Kinh Kệ, huyện Lâm Thao) bị quân giặc vây giữ. Nàng Thiên Hương (chấn giữ Trúc Hoa nham động, nay là Thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông) đã kêu gọi Nhân dân giã bánh, nắm cơm tiếp tế cho nghĩa quân Đinh Công Tuấn phá vòng vây địch.
Sau khi bà mất, Nhân dân Thị trấn Hưng Hóa lập đền thờ và lưu truyền tục giã bánh giầy dâng Thánh mẫu vào dịp mùng 7, 8 tháng Giêng hằng năm. (Cảnh tế lễ trong Lễ hội Đền Mẫu năm 2024).
Người giã bánh thường là thanh niên, trai tráng có sức khỏe tốt. Những người đàn ông vừa giã vừa hô vang câu ca dao: “Trúc Phê có tiệc bánh giầy - Bên Á há miệng, bên này chày đâm"
Bánh giã đến độ nhuyễn, mịn sẽ được cắt thành những khối đều nhau bằng dây lạt
Bánh phải được tạo hình khi còn nóng, những nghệ nhân sẽ phết qua lớp mỡ gà rồi bắt đầu tạo hình
Bánh thường được tạo hình tròn hoặc chân tượng có độ dày 5 - 7cm.
Nghệ nhân phải nắn, xoa làm sao cho bánh tròn, mịn, không được nổ hạt cốm trên mặt.
Thành phẩm bánh giầy sau khi hoàn thành sẽ được các bà, các chị vận trang phục chỉnh tề đội lên Đền dâng Thánh Mẫu
Tục giã bánh giầy trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, gắn kết tâm linh cộng đồng, cùng gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trường tồn với thời gian
Thùy Trang