Tục mừng tuổi tiền lẻ dịp Tết của người Việt có ý nghĩa gì?

Tiền mừng tuổi phong bao trong những giấy hồng, bao giờ cũng có tiền lẻ, có ý là tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

CHÚC TẾT

Sáng ngày mồng một, các cụ sau khi đã làm lễ tổ tiên xong, ngồi ở nhà thờ để con cháu tới lạy mừng chúc Tết. Con cháu chúc các cụ một năm mạnh khỏe bình yên khang thái. Các cụ cũng chúc lại con cháu những điều tốt đẹp.

Trong lúc chúc Tết các cụ, con cháu thường dâng các cụ hoặc một món quà Tết như bánh trái, hoặc một món tiền đặt trong một bao giấy hồng.

Tiền này gọi là tiền mở hàng đem may mắn lại cho các cụ. Các cụ cũng mở hàng lại cho con cháu. Tiền mở hàng của cụ cho con cháu gọi là tiền mừng tuổi.

Giàu nghèo các cụ cũng mừng tuổi lại cho con cháu, giàu thì nhiều tiền, nghèo cũng mừng tuổi tượng trưng một vài đồng tiền để con cháu được gặp tốt đẹp quanh năm.

Tại các xã, các cụ được đại diện dân làng mừng tuổi chúc Tết ngay tại đình, sau buổi lễ cúng đức thần linh sáng ngày mồng Một. Ta có những bài chúc Tết riêng trong những dịp này:

Năm cũ đã qua, Năm mới đã đến, Bước vào dinh trung, Tôi xin kính chúc; Trước tôi chúc thánh cung vạn tuế, tại thượng dương dương, bảo quốc hộ dân, lưu ân, tích phúc. Tôi lại chúc kỳ lão sống tám chín mươi, thọ tăng thêm thọ. Tôi lại chúc quan viên trùm lão, niên tăng, phú quý, nhật hưởng vinh hoa. Tôi lại chúc quan lại binh viên ta đột pháo xông tên, công thành danh toại. Tôi lại chúc đồng trang thượng hạ, già sức khỏe, trẻ bình yên, nhờ đức vua nhà no người đủ. Các xướng:Thiên Thu VẠN Tuế

Trên đây là lời chúc Tết chung tại đình làng, tại các thôn xóm, các phường, dân chúng cũng có hợp nhau để cùng chúc Tết các ông trùm phường, đây là các phường buôn bán, các phường nghề nghiệp và các thủ chỉ thôn cũng như mọi người đồng thôn đồng phường.

 Ảnh minh họa. Nguồn: RDNE Stock project/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: RDNE Stock project/Pexels.

CHÚC TẾT VỌNG

Tại triều đình, nhân ngày nguyên đán, các quan đại thần hợp nhau lại chúc Tết nhà vua. Tại các tỉnh, các quan tỉnh cũng cùng nhau họp tại vọng cung để chúc Tết vọng nhà vua.

Đối với những người ở xa xôi không về tận nhà, đến tận nơi chúc Tết được, người ta thường dùng thư để chúc Tết, đây cũng là một lối chúc vọng, như ngày nay người ta dùng thiếp gửi cho nhau để chúc mừng năm mới vậy.

MỪNG TUỔI

Với năm mới, người ta thêm một tuổi. Đó là một điều đáng mừng: đối với người già là tăng thêm tuổi thọ, đối với các em bé là thêm tuổi để thêm lớn. Bởi vậy, như trên đã trình bày, trong lúc chúc Tết người ta có lệ mừng tuổi.

Tiền mừng tuổi phong bao trong những giấy hồng, bao giờ cũng có tiền lẻ, có ý là tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

Tiền mừng tuổi còn là tiền mở hàng để lấy may. Bạn bè gặp nhau cũng thường mở hàng cho nhau để lấy may mắn.

Tiền mở hàng, người ta thường giữ cất đi, ít khi lấy ra tiêu dùng, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Trong Nam mừng tuổi các em gọi là lì xì.

Ngày Tết các chú các cô dì thường mừng tuổi cho các cháu, và những khi tới nhà một người bạn chúc Tết, có trẻ nhỏ người ta cũng thường mừng tuổi cho các em, hay khi một người bạn tới nhà mình chúc Tết, có em nhỏ đi theo, chủ nhà thường mừng tuổi cho em nhỏ, mừng tuổi để em hay ăn chóng lớn, học hành thông minh sáng láng, khỏe mạnh và ngoan ngoãn.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuc-mung-tuoi-tien-le-dip-tet-cua-nguoi-viet-co-y-nghia-gi-post1458968.html