Từng bỏ nghề nông đi làm công nhân, anh chàng 9X quyết 'quay đầu' kiếm hơn nửa tỷ mỗi năm

Nguyễn Văn Sơn, chàng trai sinh năm 1998 tại tỉnh Thái Nguyên, đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi thành công trong việc quảng bá và kinh doanh nông sản địa phương qua mạng xã hội, đặc biệt là trên nền tảng Tiktok.

Anh Nguyễn Văn Sơn cũng như bao thanh niên sinh ra và lớn lên từ vùng đất Thái Nguyên, gắn bó tuổi thơ với những cánh đồng chè. Khi chứng kiến công việc ơ quê cực nhọc mà thu nhập không quá khởi sắc, anh Sơn cùng bạn đồng trang lứa quyết định chia tay cuộc sống nông dân để đến với các khu công nghiệp ở Bắc Ninh để làm công nhân với mong muốn có được cuộc sống đổi thay.

Thế nhưng, đời sống công nhân cũng không đơn giản như suy nghĩ của những chàng trai trẻ mới lớn. Xa nhà xa quê, anh Sơn phải đối mặt với biết bao áp lực cơm áo gạo tiền.

Thời mới lên Bắc Ninh có những lúc em chỉ còn 5 nghìn đồng trong túi vừa đủ để mua 2 gói mì tôm, chính những lúc như thế đã thôi thúc em phải tìm ra 1 con đường khác cho bản thân chứ cũng không thể làm công nhân suốt đời được”, anh Sơn chia sẻ.

Thời điểm này khó khăn nhiều nhưng cũng là lúc anh Sơn được tiếp thu nhiều cái mới. Trong đó có những công nghệ mới và mạng xã hội đã nhen nhóm trong anh 1 ý định giúp đổi thay ngành nông sản tại quê nhà.

Chàng nông dân 9xX Nguyễn Văn Sơn livestream bán chè Thái Nguyên trên mạng xã hội.

Chàng nông dân 9xX Nguyễn Văn Sơn livestream bán chè Thái Nguyên trên mạng xã hội.

Hành trình đưa chè và khoai xanh lên mạng xã hội

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề trồng chè, Sơn là thế hệ thứ ba. Tiếp nối nghề của tổ tiên nên anh Sơn hiểu rõ về loại nông sản vốn nổi tiếng khắp cả nước với hương vị thơm ngon đặc trưng.

Tuy nhiên, trước khi bước vào con đường kinh doanh nông sản qua mạng xã hội, Sơn cũng như nhiều hộ gia đình trồng chè tại Thái Nguyên đã đối mặt với không ít khó khăn.

Trước đây, bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là chè. Giá chè thường bị thương lái ép, giá cả bấp bênh. Nhiều gia đình thậm chí còn muốn bỏ nghề vì không có đầu ra ổn định", Sơn chia sẻ.

Dù là loại chè đặc sản, tuy nhiên người nông dân trồng loại đặc sản này lại thường xuyên thường bị thương lái ép, giá cả bấp bênh.

Dù là loại chè đặc sản, tuy nhiên người nông dân trồng loại đặc sản này lại thường xuyên thường bị thương lái ép, giá cả bấp bênh.

Chứng kiến những khó khăn này, Sơn càng quyết tâm hơn trong việc đưa các sản phẩm nông sản truyền thống của quê hương lên mạng xã hội, nhằm tìm đầu ra mới và ổn định hơn. Thế nhưng, việc bước chân vào lĩnh vực kinh doanh qua mạng xã hội không hề đơn giản. Sơn phải đối mặt với nhiều thử thách trong giai đoạn đầu.

Lúc mới bắt đầu, em phải tự mày mò tìm hiểu công nghệ, cách thức bán hàng qua mạng xã hội. Không ai hướng dẫn, em phải tự học cả đêm để hiểu cách tiếp cận người dùng và quảng bá sản phẩm", Sơn nhớ lại.

Ban đầu, Sơn gặp nhiều sự hoài nghi từ người thân và cộng đồng. Họ cho rằng cách bán hàng truyền thống an toàn hơn. Tuy nhiên, Sơn không bỏ cuộc. Sau hơn một năm kiên trì xây dựng kênh Tiktok, cuối cùng, anh đã thu hút được lượng lớn người theo dõi.

Hiện tại, trang Tiktok của Sơn có hơn 53.900 lượt theo dõi, mang lại cho anh thu nhập ổn định từ việc bán chè và các nông sản khác như khoai xanh, măng với doanh thu mỗi tháng có thể lên tới 60 triệu đồng.

Đó là động lực để anh Sơn quyết bỏ nghề công nhân để quay lại với nghề nông và bỏ hơn 1 năm trời để xây dựng kênh tiktok về đề tài nông nghiệp.

Đó là động lực để anh Sơn quyết bỏ nghề công nhân để quay lại với nghề nông và bỏ hơn 1 năm trời để xây dựng kênh tiktok về đề tài nông nghiệp.

Thay đổi tư duy, phát triển thương hiệu

Với sự thành công trên Tiktok, Sơn đã giúp bà con địa phương tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là loại khoai xanh đặc sản mà ít nơi có. Chỉ trong hai tuần, Sơn đã bán được hơn 1 tấn khoai xanh, mang lại nguồn thu nhập lớn cho mình và các hộ nông dân trong vùng.

Khoai xanh là một loại nông sản ít phổ biến nhưng rất giàu dinh dưỡng và có tiềm năng lớn. Sơn chia sẻ: “Khoai xanh này gia đình em trồng và thu mua từ bà con xung quanh. Sau khi thấy tiềm năng, em đang dự định sẽ nhân giống và mở rộng diện tích trồng để đáp ứng nhu cầu của thị trường".

Sau khi thành công với chè, anh Sơn cũng vừa thành công với mặt hàng khoai xanh, vừa qua anh vừa livestream bán hết 1 tấn nông sản này.

Sau khi thành công với chè, anh Sơn cũng vừa thành công với mặt hàng khoai xanh, vừa qua anh vừa livestream bán hết 1 tấn nông sản này.

Không chỉ dừng lại ở khoai xanh, Sơn còn duy trì việc tiêu thụ các sản phẩm trà truyền thống Thái Nguyên, một sản phẩm nổi tiếng của vùng đất này. Anh không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc. “Mỗi tháng em cung cấp chè cho nhiều khách hàng lớn ở cả miền Bắc, miền Nam, thậm chí xuất khẩu sang Trung Quốc,” Sơn tự hào.

Sơn không chỉ là một người thành công về kinh tế mà còn là tấm gương cho những bạn trẻ khác trong việc phát triển nông nghiệp truyền thống theo hướng hiện đại hóa. Anh không ngừng thử nghiệm và học hỏi để phát triển bản thân và công việc. Trải qua không ít khó khăn, từ những ngày đầu chỉ có 5.000 đồng trong túi khi làm công nhân, đến khi quyết định đưa nông sản lên mạng xã hội, Sơn đã chứng minh rằng làm nông cũng có thể thành công lớn nếu biết thay đổi tư duy và thích nghi với xu hướng mới.

Hiện nay, anh Sơn còn đang muốn mở rộng danh mục nhiều nông sản khác của quê hương để giúp nhiều hộ nông dân hơn nữa có đầu ra ổn định.

Hiện nay, anh Sơn còn đang muốn mở rộng danh mục nhiều nông sản khác của quê hương để giúp nhiều hộ nông dân hơn nữa có đầu ra ổn định.

"Một năm đầu tiên khi xây dựng kênh, em vẫn làm công nhân để có thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng đam mê kinh doanh. Không hề dễ dàng, nhưng nhờ kiên trì, em đã vượt qua mọi khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay,” Sơn chia sẻ.

Với các bạn trẻ, đặc biệt là những người đang sống ở vùng nông thôn, Sơn gửi gắm thông điệp: “Làm nông nghiệp không hề thua kém bất kỳ ngành nghề nào khác. Chỉ cần có đam mê và sự sáng tạo, các bạn có thể thành công. Điều quan trọng là không ngừng học hỏi và sẵn sàng thay đổi để thích nghi với xu thế".

Hiện tại, Sơn không chỉ dừng lại ở việc bán trà và khoai xanh. Anh còn muốn mở rộng danh mục nông sản để giúp nhiều hộ nông dân hơn nữa có đầu ra ổn định. Sơn dự định sẽ nhân rộng diện tích trồng khoai xanh và phát triển thêm các sản phẩm khác như rau ngót rừng, măng và các loại nông sản đặc sản khác của Thái Nguyên.

Thanh Nam

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/tung-bo-nghe-nong-di-lam-cong-nhan-anh-chang-9x-quyet-quay-dau-kiem-hon-nua-ty-moi-nam-c17a84360.html