Tưng bừng lễ hội đầu xuân

Trong không khí vui tươi, phấn khởi đầu xuân mới cũng là thời điểm nhiều địa phương trong tỉnh nói chung, khu vực miền núi nói riêng tưng bừng tổ chức lễ hội đầu xuân. Tất cả tạo nên một nét đẹp văn hóa vô giá về tinh thần, mang theo ước vọng năm mới bình an, hạnh phúc.

Lễ hội Văn hóa - Du lịch hang Bàn Bù, thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc).

Lễ hội Văn hóa - Du lịch hang Bàn Bù, thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc).

Vào các ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Giêng hằng năm, người dân thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh) và các vùng lân cận lại nô nức tổ chức Lễ hội chùa Mèo. Chùa Mèo hay còn gọi là đỉnh Miêu Thiền Tự được xây dựng từ thế kỷ XIII trên địa bàn thị trấn Lang Chánh. Chùa được hình thành từ thời Trần, có tên là chùa Chu và được mệnh danh là một trong 3 ngôi chùa lớn nhất xứ Thanh lúc bấy giờ. Tương truyền một lần Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn vào chùa Chu thắp hương khấn Phật, cầu nguyện cho sự nghiệp kháng chiến thắng lợi. Sau khi chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi đã sắc chỉ đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Lang Chánh, Vũ Thế Vinh, cho biết: Lễ hội chùa Mèo được tổ chức quy mô, với nhiều hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phong phú mang đậm nét văn hóa của các dân tộc trong huyện. Thông qua lễ hội để người dân tri ân, tưởng nhớ những người có công với đất nước, đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt và giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, từ đó động viên tinh thần các tầng lớp Nhân dân xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Hiện chùa Mèo là Di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn khách du lịch.

Đền Mỹ Lâm ở xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) là ngôi đền thờ 3 vị khai quốc công thần đã đóng góp công lao to lớn giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh xâm lược ở thế kỷ XV, gồm: Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ. Hằng năm, vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch, Nhân dân địa phương tổ chức lễ dâng hương để bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn các vị anh hùng dân tộc và cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu an lạc, cầu phúc cho Nhân dân. Sau nghi lễ dâng hương là các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như các trò chơi dân gian, múa cây bông, ném còn, đánh cờ tướng, đánh bóng chuyền nam nữ... Lễ hội đã thu hút được đông đảo Nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.

Với truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vào dịp đầu xuân các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi diễn ra sôi động mang đậm bản sắc bằng những sự tích, công trạng. Hầu hết các lễ hội thường gắn liền với các sự kiện lịch sử, tưởng nhớ người có công trong công cuộc dựng nước và giữ nước, nên các trò chơi, trò diễn thường mang tinh thần thượng võ. Thông qua lễ hội để người dân tưởng nhớ đến những người có công với đất nước, là dịp để Nhân dân vui chơi, tranh tài, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống của người dân no ấm, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Thiện Nhân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tung-bung-le-hoi-dau-xuan-240460.htm