Tưng bừng năm học mới trên mọi miền đất nước
Sáng 5-9, các địa phương trên cả nước đã tưng bừng khai giảng năm học 2019-2020, với các chương trình gọn nhẹ, đem lại tinh thần thoải mái cho các học sinh khi bước vào năm học mới.
* Sáng nay (5-9), vượt lên khó khăn vừa bị lũ ống tràn qua, gây nhiều thiệt hại, thầy cô giáo và học sinh vùng lũ Bản Hồ (Sa Pa - Lào Cai) khai giảng năm học mới, với khí thế và quyết tâm mới “thân thiện, chất lượng, thực chất”.
Sau mấy ngày mưa tầm tã, sáng nay, ở xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai) trời quang mây tạnh, nắng bừng lên trong sân trường tiểu học đón các em học sinh vào năm học mới. Cách đó không xa, cây cầu treo mới cũng vừa được hoàn thành thay thế cầu treo cũ bị lũ ống cuốn trôi hồi cuối tháng 6, nâng bước các em học sinh người dân tộc Tày, Dao, Mông đến lớp dự khai giảng năm học mới 2019-2020.
Thầy giáo Đinh Văn Huân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Hồ cho biết, năm học mới 2019-2020, trường có 54 em học sinh bước vào lớp 1. Toàn trường có 213 học sinh, trong đó có 84 em ở bán trú. Trước khai giảng, các thầy cô giáo đã “bám dân, bám học sinh” để vận động, hỗ trợ các em chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ra lớp đúng độ tuổi, đúng ngày khai giảng. Chính quyền xã và phụ huynh học sinh đã thực hiện củng cố, tu bổ, vệ sinh trường lớp, nhà ở công vụ giáo viên, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho năm học mới bắt đầu.
Cô giáo và học sinh Bản Hồ đi trên cây cầu treo mới thay thế cây cầu treo cũ bị lũ cuốn trôi cuối tháng 6 để đến trường khai giảng năm học mới. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Cùng với Trường tiểu học Bản Hồ, sáng nay hơn 218 nghìn học sinh các cấp học của tỉnh Lào Cai đã tưng bừng bước vào năm học mới, trong đó tuyển mới hơn 16 nghìn học sinh lớp 1. Năm học mới này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Lào Cai đề ra chín nhiệm vụ trọng tâm và bốn giải pháp để nâng cao năng lực quản lý, đạo đức nhà giáo và năng lực chuyên môn; đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
* Sáng 5-9, hơn 262.630 học sinh TP Đà Nẵng bước vào năm học mới với ngày khai giảng gọn nhẹ trong vòng 45 phút. Ngay sau lễ khai giảng, học sinh vào học chính thức năm học mới với những tiết học đầu tiên.
Tại Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nằng) - ngôi trường là Trường học xanh tiêu biểu nhất của TP phố Đà Nẵng, trong năm học này, trường có 1.520 học sinh với 33 lớp, trong đó, khối lớp 1 có 332 em với bảy lớp. Ngày khai giảng tại đây gói gọn trong 45 phút, với những tiết mục văn nghệ chào mừng cùng lời dặn dò học sinh toàn trường của Hiệu trưởng nhà trường. Cảm động nhất là hình ảnh các em học sinh lớp 1 đầu cấp được các thầy cô giáo, các anh chị lớp lớn chào đón nồng nhiệt bằng những tràng pháo tay và những bó hoa tươi thắm.
Tại Trường Tiểu học Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, trong năm học này, nhà trường tiếp tục duy trì cho học sinh đồng bào Cơ Tu mặc trang phục truyền thống đến trường. Cùng với đó, các thầy cô giáo đang dạy tại trường là con em đồng bào dân tộc Cơ Tu cũng mặc trang phục truyền thống thổ cẩm cùng học sinh. Trong ngày khai giảng năm học mới, học sinh toàn trường đã được nhận mũ bảo hiểm do doanh nghiệp trao tặng...
* Sáng 5-9, tỉnh Lạng Sơn cùng với cả nước, hơn 188 nghìn học sinh ở 718 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông tưng bừng bước vào năm học mới.
Học sinh Trường THPH dân tộc nội trú tỉnh, biểu diễn văn nghệ và múa sư tử chào mừng năm học mới. (Ảnh: HÙNG TRÁNG)
Năm học này, các địa phương trong tỉnh đưa vào sử dụng hơn 1.890 hạng mục công trình bao gồm: xây mới và sửa chữa các phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc; phòng nội trú, bán trú và nhà đa năng... Ngoài việc tập trung xây dựng, tu sửa trường, lớp học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, bảo đảm đủ số lượng sách giáo khoa, thiết bị cho việc dạy và học trong năm học mới.
Cùng với ngành giáo dục, UBND ở 11 huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn. Trước khi bước vào năm học mới, nhiều địa phương trong tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội hóa, vận động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực để đầu tư cải tạo, xây dựng mới và sửa chữa trường, phòng học, phòng nội trú... Nhờ đó, năm học này, Lạng Sơn không còn trường, lớp học tranh tre nứa lá, với hơn 70% số trường được xây dựng bê-tông hóa...
* Hòa cùng không khí nô nức cả nước, sáng 5-9, 318 cơ sở giáo dục tại Ninh Thuận đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2019-2020.
Năm học này, toàn tỉnh có hơn 140 nghìn học sinh các cấp học. Với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, bảo đảm đạt chuẩn quốc gia, trước đó, địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây mới 431 phòng học, sửa chữa 279 phòng, sửa chữa và xây mới 74 công trình vệ sinh...
Cùng ngày, tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, Công ty CP Điện gió Trung Nam - Trungnam Wind Power (Thành viên của Trungnam Group) đã tổ chức Lễ bàn giao Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh do Công ty tài trợ với vốn đầu tư 45 tỷ đồng, xây dựng 35 phòng và các công trình phụ trợ khác trên tổng diện tích hơn 9.500m2, quy mô phục vụ cho 1.250 học sinh.
Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh đưa vào hoạt động, đem lại hiệu quả thiết thực, vì nhiều năm qua, xã Cà Ná chưa có trường THCS - THPT, học sinh nơi đây phải đi học nhờ Trường THCS Trương Văn Ly, xã Phước Diêm, hiện nay đã quá tải và không đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Dịp này, nhà tài trợ cũng đã trao tặng 900 chiếc cặp, đồ dùng học tập và 20 suất học bổng (4 triệu đồng/suất) cho các em học sinh vượt khó vươn lên học giỏi.
* Vượt qua những khó khăn do mưa lũ gây ra, sáng 5-9, nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới trong niềm hân hoan của thầy, trò và các bậc phụ huynh.
Trường THPT Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) tổ chức Lễ khai giảng năm học mới. (Ảnh: NGÔ TUẤN)
Tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh), ngay từ sáng sớm, hơn 500 học sinh ở các vùng lân cận như: Thị trấn Thạch Hà, Thạch Long, Phù Việt, Thạch Sơn... đã có mặt tại nhà thi đấu đa năng của nhà trường. Theo cô giáo Đỗ Thị Hạnh, Hiệu phó nhà trường, mặc dù trời mưa nhưng công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới được triển khai bài bản, chu đáo. Trên tinh thần công điện của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, sáng nay gần 1.000 học sinh sống ở các khu vực xung yếu, ngập lụt không phải đến trường tham dự khai giảng. Bên cạnh việc thực hiện các nghi thức khai giảng ngắn gọn, súc tích, nhà trường còn tổ chức vinh danh các giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua gắn với một số hoạt động văn hóa, văn nghệ phù hợp với điều kiện nhà trường nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho ngày Khai giảng năm học mới.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, toàn tỉnh có hơn 300 trường, ở năm địa bàn dừng tổ chức khai giảng. Trong đó, Hương Khê 61 trường với hơn 26 nghìn học sinh, Hương Sơn 78 trường với hơn 26 nghìn học sinh, Vũ Quang 32 trường với hơn sáu nghìn học sinh; TP Hà Tĩnh 49 trường, hơn 24.600 học sinh; Thạch Hà 45/76 trường, hơn 14 nghìn học sinh; Can Lộc 26/58 trường, hơn 12.500 học sinh. Ngoài ra, ở Đức Thọ có hai trường mầm non do địa bàn chia cắt và Trường THCS Xuân An ở Nghi Xuân bị ngập nước sân trường nên dừng khai giảng…
* Sáng 5-9, hơn 741 nghìn học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tham dự Lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2019-2020.
Năm học 2019-2020, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 741 nghìn học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT, giảm khoảng 20 nghìn học sinh so với năm học trước. Hầu hết các địa phương đều giảm học sinh so với năm học trước, chỉ riêng TP Biên Hòa tăng hơn 13 nghìn em, chủ yếu là con em người lao động nhập cư. Để chuẩn bị cho năm học mới, bên cạnh các trường học được đầu tư xây mới, toàn tỉnh còn xây mới 269 phòng học trên phần đất hiện hữu của các trường.
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai trao bằng khen của UBND tỉnh cho bốn giáo viên Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh có thành tích suất sắc. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai Huỳnh Lệ Giang cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới được xác định tiếp tục rà soát sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn và hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ thầy cô giáo phát huy hết khả năng sáng tạo và tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh gắn với xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
* Sáng 5-9, hòa cùng không khí tưng bừng ngày hội khai trường của cả nước, hơn 158 nghìn học sinh các cấp học phổ thông của 332 trường ở Hậu Giang đã chào đón năm học mới 2018-2019.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, phường 3, TP Vị Thanh, hơn một nghìn học sinh đã dự lễ khai giảng năm học mới. Với chủ đề của năm học 2019-2020 là “Dạy người”, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang sẽ tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, kết hợp nâng cao chất lượng dạy và học để các em phát triển toàn diện.
Theo ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang, việc xây mới cũng như đầu tư, nâng cấp, sửa chữa phòng, lớp học tại các trường trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, khó khăn mà ngành giáo dục tỉnh đang tập trung tháo gỡ là tình trạng thiếu giáo viên. Qua thống kê, toàn tỉnh thiếu 879 giáo viên ở các cấp học, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non, mẫu giáo với gần 600 giáo viên.
Về giải pháp tháo gỡ, Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hoài Thúy Hằng, cho biết: Ngành đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương hợp đồng 879 giáo viên. Năm học 2019 - 2020, tỉnh dự kiến gom 25 điểm trường lẻ, sáp nhập 12 trường tiểu học. Trên cơ sở đó, sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên và điều động giáo viên từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu…
* Sáng 5-9, cùng cả nước, gần 163 nghìn học sinh tại 299 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức khai giảng và chính thức bước vào năm học mới 2019 - 2020.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao tặng mũ bảo hiểm miễn phí cho học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, TP Bạc Liêu (Ảnh: TRỌNG DUY).
Theo lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu, năm học này, toàn tỉnh có gần 163 nghìn học sinh từ cấp học mầm non đến cấp THPT. Trong đó, cấp mầm non có gần 28 nghìn trẻ; cấp tiểu học có gần 75 nghìn học sinh; cấp THCS có hơn 46 nghìn học sinh; cấp THPT có hơn 17.600 học sinh. Toàn tỉnh có 299 cơ sở giáo dục từ mẫu giáo đến trường THPT…
Để có đủ điều kiện bước vào năm học mới, trước đó, Chủ tịch UBND Bạc Liêu đã ban hành Chỉ thị số 09, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019 - 2020…
* Sáng 5-9, hơn 400 học sinh cùng các thầy giáo, cô giáo Trường THCS Nguyễn Lân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đón mùa khai giảng đầu tiên. Ngôi trường được UBND quận Thanh Xuân ra quyết định thành lập ngày 2-4-2019, nhằm lan tỏa truyền thống hiếu học từ gia đình Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân đến thế hệ tương lai.
Cô Nguyễn Khánh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Mặc dù là ngôi trường mới nhưng với đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trách nhiệm, tâm huyết, giàu kinh nghiệm… chúng tôi sẽ xây dựng một ngôi trường để cho mỗi em học sinh đều cảm thấy “ Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
* Hòa chung không khí của Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Trường mầm non Chất lượng cao 20-10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức khai giảng cho 420 học sinh và các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Năm học 2018-2019 là năm học thứ năm Trường hoạt động theo mô hình trường mầm non công lập chất lượng cao và là năm thứ hai tự chủ toàn phần về tài chính.
Trước thềm năm học mới 2019-2020, nhà trường vinh dự được thành phố đề nghị Chính phủ xét tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng mô hình điểm giáo dục mầm non trong cả nước suốt 10 năm qua và thành tích xuất sắc trong đổi mới công tác quản lý, chăm sóc giáo dục trẻ, thành tích xuất sắc trong môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
* Sáng 5-9, tại Bình Dương, tất cả trường học các cấp từ mầm non đến THPT đã đồng loạt khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2019-2020.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Bình Dương, năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 493.347 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT, tăng 34.933 học sinh (khoảng 7%) so với năm học trước.
Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam động viên học sinh Trường THPT Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) nhân ngày khai giảng (Ảnh: :TRỊNH BÌNH).
Chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, tỉnh Bình Dương đã đưa vào hoạt động 18 trường mới, với 371 phòng học và các hạng mục chức năng có tổng kinh phí đầu tư 1.050,5 tỷ đồng. Đây là các công trình đã hoàn thành trong tổng số 22 công trình trường học mới có tổng kinh phí xây dựng từ ngân sách hơn 1.359,3 tỷ đồng được tỉnh Bình Dương thực hiện trong năm 2019. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh còn chi hơn 391 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học tại các trường kịp khai giảng năm học mới.
Sở GD và ĐT Bình Dương cho biết, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019-2020 của ngành là khắc phục những khó khăn, hạn chế; quyết tâm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020 và đạt được nhiều thành tích cao hơn trong công tác giảng dạy, học tập và rèn luyện; góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu mục tiêu phát triển kinh tê - xã hội của tỉnh.
* Sáng 5-9, hòa trong không khí chào năm học mới của hàng triệu học sinh trong cả nước, 713 trường học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Năm học này, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 330 nghìn học sinh, tăng hơn năm nghìn học sinh so với đầu năm học 2018 - 2019. Trong đó, học sinh dân tộc thiểu số từ bậc tiểu học đến THPT khoảng 12%.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến trao học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó Trường phổ thông DTNT - THPT tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: VĂN BẢO).
Trường Phổ thông DTNT - THPT tỉnh Lâm Đồng được ví là “cái nôi” đào tạo, ươm mầm những cán bộ người dân tộc thiểu số cho địa phương sau này. Năm học này, trường có 447 học sinh và 59 cán bộ, giáo viên. Ngày khai giảng năm học mới năm nay, trường vinh dự đón Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đến dự, đánh trống khai trường và trao 10 suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó.
Tại huyện Đạ Tẻh, khi cơn lũ qua đi, chính quyền và nhân dân đã cùng chung tay, tạo mọi điều kiện để con em được đến trường, chung vui niềm vui cùng bè bạn trong ngày khai giảng. Năm học mới này, huyện Đạ Tẻh có 39 trường học, với tổng số hơn 12 nghìn học sinh. Vượt qua khó khăn, năm học qua, các cấp học trên địa bàn đã làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp; tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho các em học sinh gia đình khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến trường theo đúng độ tuổi, đúng cấp học. Đến nay, toàn huyện có 21/32 trường đạt chuẩn quốc gia.
Tại khu vực “rốn lũ” Cát Tiên, Đạ Huoai cũng vậy, từng bước khắc phục những khó khăn, năm học mới, các trường tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Trong ngày khai giảng năm học mới, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh và tỉnh Lâm Đồng đã đến dự, động viên cán bộ, giáo viên và các em học sinh, nhất là với các trường vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua. Đồng thời, trao 160 suất học bổng tặng các học sinh nghèo vượt khó…
* Cùng với cả nước, sáng nay, 76.900 học sinh ở các bậc học tại tỉnh Bắc Cạn nô nức bước vào khai giảng năm học mới.
Năm học 2019- 2020, Bắc Cạn có 76.900 học sinh đến từ 122 trường mầm non, 79 trường Tiểu học, 95 trường THCS (gồm 51 trường THCS và 44 trường Tiểu học - THCS) và 20 trường THPT, PTDT Nội trú. Các trường đã thực hiện nghiêm túc chủ trương tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, trang trọng, hướng đến học sinh kết hợp hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm học mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Lý Thái Hải trao học bổng tặng học sinh nghèo Trường Mầm non xã Chu Hương, Ba Bể (Ảnh: TUẤN SƠN).
Tại Lễ khai giảng ở các trường, Hội Khuyến học tỉnh đã trao tặng nhiều suất học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tỉnh thực hiện chương trình phối hợp giữa Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Honda Việt Nam trao tặng mũ bảo hiểm cho tất cả học sinh lớp 1.
Năm học mới, Bắc Cạn tập trung thực hiện tám nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, gồm: rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và chất lượng giáo dục, triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS…
* Sáng 5-9, cùng với học sinh cả nước, hơn 344 nghìn học sinh các cấp trên địa bàn cả tỉnh Quảng Nam đã nô nức bước vào khai giảng năm học mới 2019 - 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đánh trống khai giảng năm học 2019-2020 (Ảnh: TẤN NGUYÊN).
Đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo đã đến dự, tặng hoa chúc mừng giáo viên và học sinh tại các trường trên địa bàn, nhân lễ khai giảng năm học mới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam Hà Thanh Quốc cho biết, để chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, toàn tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây mới hơn 430 phòng học, sửa chữa 792 phòng học và xây mới hàng trăm công trình vệ sinh; đồng thời mua sắm các trang thiết bị dạy học, với tổng kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng.
Trong năm học này, toàn tỉnh Quảng Nam có 817 trường (giảm một trường so với năm học trước) có 11.256 lớp, với hơn 344 nghìn học sinh các cấp và 27.180 cán bộ, giáo viên, nhân viên…
* Sáng 5-9, trong không khí vui tươi, náo nức của học sinh cả nước bước vào ngày khai giảng năm học mới, thì tại Thừa Thiên - Huế, vẫn còn 3.510 học sinh trong tổng số hơn 246 nghìn em học sinh các cấp chưa thể dự lễ khai giảng do trường chịu ngập lũ.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền, năm học 2019 - 2020, toàn huyện có hơn 24.000 em học sinh theo học ở các bậc học của 67 trường. Trong ngày khai giảng, huyện có 3.510 học sinh ở Phong Hòa, Phong Bình và Phong Chương đang ở vùng ngập lũ. Vì lý do mưa lũ, các vùng bị ngập úng sẽ tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 9-9. Học sinh chỉ quay trở lại trường sau khi nước rút và lãnh đạo các trường sẽ bố trí lịch học bù cho học sinh.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù những ngày qua mưa lớn kéo dài nhưng đúng vào sáng ngày tựu trường năm học mới, tại Thừa Thiên – Huế trời đã tạnh ráo và hửng nắng để chào đón thầy và trò của gần 500 điểm trường từ bậc mầm non đến THPT trong toàn tỉnh dự lễ khai giảng năm học mới. Thầy giáo Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm học 2019-2020, toàn tỉnh có hơn 246 nghìn em học sinh các cấp dự ngày tựu trường năm học mới 2019-2020.
Tại chín huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, mặc dù vừa chịu ảnh hưởng của mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, nhưng các đơn vị trường học đã có nhiều nỗ lực vượt qua điều kiện thời tiết bất lợi để tổ chức lễ khai giảng năm học mới diễn ra trong không khí vui tươi, gần gũi, thân thiện, thực sự là ngày hội đến trường của học sinh các cấp.
Cũng trong sáng 5-9, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia tiến hành trao tặng mũ bảo hiểm năm học 2019-2020 cho học sinh lớp 1 với chủ đề “Giữ trọn ước mơ”. Theo đó, Ban tổ chức chương trình trao 23 nghìn chiếc mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho học sinh lớp 1 trên toàn tỉnh. Ngoài ra, các em đã được tuyên truyền kiến thức về an toàn giao thông, lợi ích của việc sử dụng mũ bảo hiểm cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Đây được xem là bài học đầu tiên trong ngày khai trường về việc bảo đảm an toàn giao thông.
Nhiều trường học tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) chưa thể khai giảng năm học mới vì ngập lụt (Ảnh: CÔNG HẬU).
* Sáng 5-9, hơn 850 nghìn học sinh và thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã “đội mưa” để tổ chức lễ khai giảng năm học mới khá trang trọng và trọn vẹn.
Lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi khi mưa lớn liên tục diễn ra ở nhiều địa phương. Nhưng không khí chuẩn bị cho ngày hội trường vẫn được các địa phương, các trường học đặc biệt quan tâm với mục đích tạo cho học sinh tâm thế vui tươi, hào hứng. Trong buổi sáng 5-9, tại Nghệ An, Lễ khai giảng năm học mới 2019 – 2020 đã được tổ chức tại 1.388 trường học với hơn 850.000 giáo viên, học sinh tham gia.
Tỉnh Nghệ An tổ chức nhiều đoàn do các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành dẫn đầu đến dự lễ khai giảng và tặng quà để động viên các giáo viên và học sinh các trường trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tại Trường PTTH Kỳ Sơn, hai em học sinh Lương Văn Đức và Vi Văn Quý học lớp 12C1 đã được trao Giấy khen của Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An về hành động dũng cảm, cứu hai người thoát khỏi đuối nước vào sáng 3-9 vừa qua...
Tặng quà cho học sinh bước vào năm học mới (Ảnh: THÀNH CHÂU).
* Sau những ngày mưa tầm tã do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sáng 5-9, thời tiết ở huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đác Lắc nắng ráo thuận lợi cho hoạt động khai giảng năm học mới và phụ huynh đưa con đến trường.
Mặc dù huyện biên giới Ea Súp vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử vào những ngày đầu tháng 8 vừa qua và đến nay vẫn để lại những hậu quả nặng nề, nhưng ngay từ sáng sớm, hoạt động khai giảng năm học mới ở đây vẫn diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi.
Trường tiểu học Ea Súp, nằm ngay trung tâm thị trấn Ea Súp, gần 100% học sinh ở đây là con em đồng bào DTTS. Tuy nhiên, ngay từ sáng sớm các bậc phụ huynh đã đưa con em mình đến dự lễ khai giảng năm học mới đông đủ trong không khí vui tươi, phấn khởi và tràn ngập cờ hoa.
Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Ya Tờ Mốt, cách trung tâm huyện Ea Súp hàng chục cây số đường đất lầy lội. Năm học này, nhà trường có 320 học sinh và tất cả đều có mặt trong lễ khai giảng.
Nhằm chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua ở xã Ya Tờ Mốt, trong ngày khai giảng năm học mới này, Công ty Điện lực Đác Lắc đến đã trao tặng 25 suất học bổng và 15 xe đạp với tổng trị giá 30 triệu đồng cho các em học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn.
Đồng thời, ngành giáo dục tích cực phối hợp các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ và vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng hàng nghìn suất quà là các suất học bổng, xe đạp, áo quần, cặp sách, sách vở, đồ dùng học tập... cho con em các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn.
Đông đủ học sinh DTTS Trường tiểu học Kim Đồng, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp đến dự lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: CÔNG LÝ).
* Hưng Yên: Hơn 225 nghìn học sinh khai giảng năm học mới 2019 - 2020
Sáng 5-9, hơn 225 nghìn học sinh các cấp học ở Hưng Yên tới trường dự lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020.
Sau lễ khai giảng ngắn gọn, súc tích theo các nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, học sinh được tham gia các tiết mục văn nghệ, thể dục thể thao do các nhà trường tổ chức.
Năm học mới, ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục tập trung thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua; tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Chú trọng đến công tác dồn ghép các điểm trường lẻ của cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hưng Yên.