Từng bước hoàn thiện quy hoạch chung của tỉnh

TP Tuy Hòa, tỉnh lỵ Phú Yên được quy hoạch, đầu tư xây dựng để trở thành đô thị loại I vào năm 2025. Ảnh: NGỌC THẮNG

Hội thảo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (lần thứ 2) vừa được UBND tỉnh tổ chức. Đây là dịp để tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nguyên lãnh đạo tỉnh… đối với việc xây dựng quy hoạch tỉnh.

Báo Phú Yên lược ghi lại một số ý kiến tại hội thảo này.

ĐỒNG CHÍ TẠ ANH TUẤN, PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Tạo đột phá trong chiến lược phát triển tỉnh

Việc lập Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo đột phá trong chiến lược phát triển của địa phương. Đây được xem là công cụ đặc biệt quan trọng trong quá trình định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian địa giới hành chính của tỉnh và là tiền đề để Phú Yên phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững trong tương lai.

Mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên sẽ trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa vào lợi thế biển với các trụ cột: Các ngành công nghiệp quan trọng vào Khu công nghiệp Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc; phát triển du lịch chất lượng mũi nhọn; phát triển đô thị xanh; dịch vụ cảng biển - logistics. Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, có môi trường đáng sống hàng đầu của Việt Nam.

Thời gian qua, Phú Yên đã triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh với tinh thần hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị, khẩn trương. Sau hội thảo này, Sở KH&ĐT cùng đơn vị tư vấn tiếp tục tổng hợp các ý kiến để cập nhật, hoàn thiện nội dung quy hoạch tỉnh; đảm bảo khả thi, chất lượng, khoa học.

ĐỒNG CHÍ ĐÀO TẤN LỘC, NGUYÊN ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY: Xác định rõ thế mạnh, điểm yếu của địa phương

Trong quy hoạch tỉnh, chúng ta phải xác định được điểm mạnh của Phú Yên có gì khác so với các tỉnh xung quanh. Tuy đi sau nhưng Phú Yên có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Chúng ta có nguồn nước mặn phong phú, phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp. Vùng nông thôn có nguồn lương thực thực phẩm dồi dào, ổn định…, đây là thế mạnh đáng nói.

Bên cạnh các thế mạnh thì quy hoạch tỉnh cũng cần nhận diện rõ các điểm yếu của tỉnh. Bờ biển Phú Yên tương đối dài và xa về phía đông nhưng thềm lục địa ngắn, nên nghiên cứu phương án phát triển phù hợp, tạo nét riêng biệt.

Phú Yên vẫn chưa có doanh nghiệp lớn, có tính đầu đàn, chủ lực để kéo kinh tế phát triển. Hạ tầng kỹ thuật, nhân lực đã phát triển nhiều nhưng vẫn chưa hiện đại. Tâm lý an phận và tự thỏa mãn của cư dân vẫn còn.

Trong quy hoạch tỉnh, Phú Yên nên đưa vào xây dựng khu công nghiệp liên quan đến công nghệ số ở gần trung tâm TP Tuy Hòa. Khu công nghiệp này sẽ dựa vào các hậu cần như nhân lực dồi dào, các tuyến giao thông kết nối (quốc lộ 1, quốc lộ 25, cao tốc Bắc - Nam)… để tạo giá trị kinh tế xã hội, thúc đẩy Phú Yên phát triển hiện đại, phù hợp xu thế chung của cả nước và thế giới.

KTS TRẦN NGỌC CHÍNH, NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG, CHỦ TỊCH HỘI QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VIỆT NAM: Thể hiện được tính liên kết vùng

Quy hoạch tỉnh phải nổi bật được tính liên kết vùng, vai trò của tỉnh Phú Yên để phát triển so với các tỉnh liền kề ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Về giao thông, Phú Yên cần quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt kết nối với các tỉnh Tây Nguyên dọc theo quốc lộ 25, 29.

Bên cạnh đó, quy hoạch công nghiệp của tỉnh phải gắn với việc xây dựng cảng biển nước sâu. Phía bắc tỉnh Phú Yên với TX Sông Cầu và huyện Tuy An rất thuận lợi với phát triển du lịch và có nhiều tiềm năng để phát triển thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia. Ở phía nam có lợi thế kết hợp với Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) để phát triển kinh tế gắn với cảng biển.

Về phát triển hệ thống đô thị, TP Tuy Hòa phải phấn đấu sớm trở thành đô thị loại 1 (hiện nay là đô thị loại 2) để mở ra không gian, động lực phát triển cho cả tỉnh. Hiện nay, Tuy Hòa có hai tiêu chí về dân số và diện tích chưa đạt nên cần mở rộng quy hoạch đô thị và gia tăng quy mô dân số.

PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI, ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV, NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ VÀ QUY HOẠCH THỦY SẢN: Phát triển kinh tế biển bền vững trong quy hoạch chung của tỉnh

Phú Yên có 189km bờ biển với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Là địa phương giàu tiềm năng, Phú Yên nên chú trọng đến phương án phát triển các ngành kinh tế biển mới và năng lượng tái tạo từ biển.

Trong các giải pháp phát triển kinh tế, tỉnh cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đảm bảo phát triển xanh và bền vững; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...

Phú Yên cần tập trung tối đa các nguồn lực như vốn, cơ chế và chính sách đầu tư để triển khai các nhóm dự án trọng điểm vùng ven biển. Quy hoạch tỉnh cũng nên có định hướng phát triển trong khu vực 6 hải lý tính từ bờ ra biển để phát triển kinh tế biển, nhất là nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt cần phân vùng rõ khu vực phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch để tránh xung đột.

ÔNG LÊ VĂN THỤY, PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ QUẢN LÝ QUY HOẠCH, BỘ KH&ĐT: Chủ động điều chỉnh nội dung, hoàn thiện hồ sơ để trình thẩm định

Quy hoạch tỉnh đang được triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc; trong đó nhiều tỉnh đã được phê duyệt. Trong quy hoạch tỉnh cần làm rõ vai trò, mục tiêu, sự tương tác của quy hoạch tỉnh với các quy hoạch khác bao gồm các quy hoạch cấp trên (theo Luật Quy hoạch) cũng như các quy hoạch cấp dưới (theo Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các luật khác có liên quan). Quy hoạch phải thể hiện liên kết trong nội vùng, định hướng các nội dung vĩ mô…

Trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quan điểm, mục tiêu phát triển còn rời rạc, chưa đủ ý theo quan điểm tổng thể quy hoạch quốc gia; đơn vị tư vấn cần rà soát lại. Đơn vị thực hiện quy hoạch cần xác định được dự kiến tốc độ tăng trưởng, đến năm 2030, Phú Yên đứng vị thứ bao nhiêu so với các tỉnh trong vùng.

Khi xác định mục tiêu chung, chúng ta sẽ có mục tiêu cụ thể, đưa ra mức phấn đấu phù hợp tình hình thực tế. Đơn vị tư vấn cũng cần chú trọng về cơ sở pháp lý, hồ sơ, dữ liệu (hiện trạng, phương hướng, kịch bản phải phù hợp và thống nhất với phương án lựa chọn, kết nối với ngành trọng tâm…) khi trình quy hoạch lên các cấp bộ, ngành, Hội đồng thẩm định Trung ương.

NHƯ THANH (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/300657/tung-buoc-hoan-thien-quy-hoach-chung-cua-tinh.html