Từng bước xây dựng lối sống xanh

Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố triển khai Dự án 'Xe đạp đô thị'. Nhiều người dân kỳ vọng, dự án được triển khai sẽ góp phần đa dạng hóa phương tiện công cộng, tạo thuận lợi cho người dân trong tham gia giao thông, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, góp phần từng bước xây dựng lối sống xanh...

Sẽ có hàng nghìn xe đạp công cộng

Dự án “Xe đạp đô thị” được triển khai nhằm đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư...; đồng thời phục vụ việc đi lại, thúc đẩy phát triển du lịch, tham quan trên địa bàn thành phố. Dự án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2022 đến 2023), thực hiện thí điểm tại 4 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Số lượng xe đạp công cộng phục vụ người dân là 1.000 chiếc, trong đó, có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Giai đoạn 2 (từ năm 2023 đến 2024) với quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, nhằm tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm thành phố. Theo tính toán, tổng kinh phí của dự án khoảng 26 tỷ đồng, do Tập đoàn Trí Nam đầu tư thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam cho biết: “Ngày 16-12-2021, chúng tôi đã khai trương dịch vụ xe đạp công cộng tại TP Hồ Chí Minh. Sau 3 tháng thực hiện, đến nay đã có hơn 110.000 tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ, trung bình mỗi ngày có hơn 1.200 tài khoản đăng ký mới. Tính đến nay, tại TP Hồ Chí Minh đã có hơn 130.000 lượt khách hàng sử dụng dịch vụ, trung bình mỗi ngày có hơn 1.500 chuyến. Trước kết quả khả quan của dịch vụ xe đạp công cộng tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi hy vọng dự án sẽ được triển khai thành công tại Hà Nội”.

Cũng theo ông Dân, nếu dự án đi vào thực hiện, mức phí dự kiến khi người dân sử dụng dịch vụ xe đạp truyền thống là 5.000 đồng/30 phút; giá thuê xe cả ngày là 50.000 đồng. Đối với xe đạp điện, công ty sẽ tính toán để đưa ra mức giá cụ thể.

Người dân TP Hồ Chí Minh tham gia trải nghiệm xe đạp công cộng. Ảnh: DUY MINH.

Người dân TP Hồ Chí Minh tham gia trải nghiệm xe đạp công cộng. Ảnh: DUY MINH.

Khi biết thông tin Hà Nội đang nghiên cứu thực hiện thí điểm loại hình xe đạp công cộng, nhiều người dân rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Hùng, nhà ở phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ bày tỏ: “Vào các buổi chiều, tôi thường tập thể dục bằng cách đi bộ quanh Hồ Tây. Nếu dự án triển khai, tôi sẽ có thêm lựa chọn là đạp xe để tập thể dục. Tôi nghĩ, nếu triển khai hiệu quả, dự án sẽ góp phần xây dựng lối sống xanh thân thiện với môi trường cho người dân”.

Để dự án triển khai hiệu quả

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, cũng có những băn khoăn xung quanh loại hình dịch vụ này. Anh Phạm Văn Dũng ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết: “Thực tế hiện nay, hạ tầng giao thông chưa có làn dành riêng cho xe đạp, trong khi phương tiện cơ giới rất đông, vào giờ cao điểm thì đây thực sự là trở ngại và nguy hiểm đối với người đi xe đạp. Ngoài ra, thời tiết miền Bắc vào mùa hè rất nóng bức, không thuận lợi cho việc di chuyển bằng xe đạp trên những quãng đường xa...”.

Về vấn đề này, ông Đỗ Bá Dân cho biết: “Mục đích chính của chúng tôi khi thực hiện dự án là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân, từ đó giảm tình trạng ùn tắc. Khi triển khai bất kỳ mô hình dịch vụ mới nào thì cũng có những ý kiến khác nhau, những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với quyết tâm hướng đến một tương lai xanh, môi trường ít ô nhiễm, chúng tôi vẫn quyết tâm triển khai dự án. Hy vọng sau thời gian thí điểm, với những mặt tích cực mà xe đạp công cộng mang lại sẽ giúp người dân có cái nhìn khách quan để từ đó sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong rằng, khi dự án đi vào hoạt động, thành phố sẽ quan tâm, hỗ trợ công ty xây dựng thêm bãi để xe, điểm sạc đối với xe đạp điện...”.

Đây không phải lần đầu tiên mô hình xe đạp công cộng được triển khai tại Hà Nội. Năm 2014, đã có các điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm là Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Trường Đại học Thương mại và Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Hay như năm 2015, tại Đại học Bách khoa Hà Nội cũng triển khai dự án cho thuê xe đạp, xe đạp điện công cộng BK-Ebike... Thế nhưng, các điểm cho thuê xe đạp này chỉ hoạt động một thời gian ngắn, nguyên nhân là do không có nhiều khách sử dụng và thiếu nguồn lực để duy trì dịch vụ.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên viên của Sở GTVT TP Hà Nội cho biết: “Hiện nay, phát triển phương tiện công cộng là xu hướng tất yếu và để phương tiện công cộng phát huy được hết hiệu quả thì các phương tiện như tàu điện, xe buýt, xe đạp... cần phải được kết nối với nhau. Khi triển khai Dự án “Xe đạp đô thị” do Tập đoàn Trí Nam thực hiện, chúng tôi hướng đến mục tiêu bắt nhịp xu thế của xã hội là giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến tương lai xanh và giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn trong việc sử dụng phương tiện công cộng”.

Việc triển khai xe đạp công cộng là cần thiết. Tuy nhiên, để có thể phát huy hiệu quả của dự án, các cơ quan chức năng và nhà đầu tư cần tính toán kỹ, có kế hoạch phù hợp cùng các giải pháp đồng bộ. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ưu tiên lựa chọn phương tiện công cộng khi đi lại.

ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tung-buoc-xay-dung-loi-song-xanh-690078