Từng đi tù vì tạo ra 3 đứa trẻ chỉnh sửa gien, nhà khoa học Trung Quốc được mời làm ở Mỹ

Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học người Trung Quốc từng gây tranh cãi và đi tù vì tạo ra ba đứa trẻ chỉnh sửa gien đầu tiên trên thế giới, cho biết ông đang cân nhắc một lời đề nghị làm việc tại Mỹ.

Hôm 25.7, nhà vật lý sinh học Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) cho biết một nhà đầu tư từ Thung lũng Silicon đã đề nghị ông 1 triệu USD để giúp thành lập một công ty tại Mỹ tập trung vào các công nghệ chỉnh sửa gien phòng ngừa bệnh Alzheimer.

"Đó là một đề xuất rất thú vị và tôi sẽ xem xét nó. Tôi sẽ rất vui khi làm việc tại Mỹ nếu có cơ hội tốt", Hạ Kiến Khuê nói tại hội nghị bàn tròn trực tuyến do tạp chí MIT Technology Review (Mỹ) tổ chức.

Hạ Kiến Khuê đã thụ án ba năm tù vì hành nghề y trái phép và phải vật lộn để lấy lại chỗ đứng trong cộng đồng nghiên cứu kể từ khi ra trại vào năm 2022.

Kế hoạch làm việc tại Hồng Kông theo chương trình nhân tài hàng đầu ở thành phố này đã bị hủy bỏ vào năm ngoái, khi thị thực của Hạ Kiến Khuê bị thu hồi vì nghi ngờ ông cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký.

Ngoài phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán (miền trung Trung Quốc), Hạ Kiến Khuê cho biết đã mở một cơ sở tương đối mới và độc lập tại thành phố Tam Á (thuộc đảo Hải Nam, phía nam Trung Quốc) với sự tài trợ của các nhà đầu tư Mỹ và các công ty Trung Quốc.

Trong cuộc họp bàn tròn trực tuyến hôm 25.7, Hạ Kiến Khuê cho biết những người từ một "quốc gia Đông Âu nhỏ" và một quốc đảo kém tiếng đã mời ông tiếp tục nghiên cứu tại đó, nhưng ông đã từ chối những lời đề nghị này. "Tôi cần nghiên cứu ở Mỹ và Trung Quốc hoặc các nước lớn khác", Hạ Kiến Khuê nói.

Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học được đào tạo tại Mỹ, lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Rice và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Stanford, cho biết ông quyết định nghiên cứu bệnh Alzheimer vì mẹ ông mắc bệnh này.

Hạ Kiến Khuê nói rằng ông đề xuất sử dụng một công nghệ chỉnh sửa gien tương đối mới, được gọi là chỉnh sửa cơ sở, để đưa một đột biến gien cụ thể vào phôi người nhằm bảo vệ chống lại nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ.

Hạ Kiến Khuê nhấn mạnh công việc của ông sẽ giới hạn ở chuột, khỉ và phôi người không sống được, không có ý định cấy phôi để tạo ra thai kỳ hoặc bất kỳ đứa trẻ nào sau đó. "Phần nghiên cứu cơ bản có thể hoàn thành trong hai năm", nhà khoa học này tiết lộ.

Tuy nhiên, Hạ Kiến Khuê cho biết ông sẽ không có quyền quyết định khi nào công nghệ này có thể được đưa vào thử nghiệm trên người. “Đó sẽ là quyết định của xã hội”, ông nói.

Theo Hạ Kiến Khuê, chỉnh sửa phôi bị cấm ở Trung Quốc và Mỹ, cũng như một số quốc gia khác, nhưng "sẽ phổ biến như trẻ sơ sinh thụ tinh trong ống nghiệm" trong 50 năm nữa. Ông cho rằng nhờ vào công nghệ này, tất cả trẻ em được sinh ra sẽ không mắc các bệnh di truyền từng được biết đến.

"Tôi tin rằng cuối cùng xã hội sẽ chấp nhận rằng chỉnh sửa gien phôi là điều tốt, vì nó cải thiện sức khỏe con người. Vì vậy, tôi đang chờ đợi xã hội chấp nhận điều đó", ông nói.

Hạ Kiến Khuê trong bức ảnh chụp năm 2018 - Ảnh: SCMP

Hạ Kiến Khuê trong bức ảnh chụp năm 2018 - Ảnh: SCMP

Cuộc sống của những em bé chỉnh sửa gien đầu tiên trên thế giới

Theo Hạ Kiến Khuê, những em bé chỉnh sửa gien đầu tiên trên thế giới do ông tạo ra hiện sống hạnh phúc với cha mẹ.

Từng là Phó giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam ở thành phố Thẩm Quyến (Trung Quốc), Hạ Kiến Khuê đã tạo ra ba em bé chỉnh sửa gien vào năm 2018 và 2019.

“Các bé có cuộc sống bình thường, hạnh phúc và không bị xáo trộn. Đây là mong muốn của các em và chúng ta nên tôn trọng”, Hạ Kiến Khuê nói với tờ SCMP.

Ông cho biết không muốn các em bị quấy rầy quá nhiều vì mục đích nghiên cứu khoa học, đồng thời cho rằng “hạnh phúc của các em và gia đình phải được đặt lên hàng đầu”.

Khi được hỏi có lo lắng cho tương lai của các em không, Hạ Kiến Khuê nói cảm giác của ông giống như sự chờ đợi, lo lắng mà người cha nào cũng có cho tương lai con mình.

“Bạn sẽ có những kỳ vọng cao ở chúng, nhưng bạn cũng cảm thấy rất khó chịu”, ông cho hay.

Năm 2018, Hạ Kiến Khuê khiến cả thế giới choáng váng khi tuyên bố đã tạo ra hai bé gái song sinh chỉnh sửa gien, được các nhà khoa học Trung Quốc đặt tên là Lulu và Nana. Bố của hai bé này bị nhiễm HIV. Amy, em bé chỉnh sửa gien thứ ba, chào đời vào năm 2019 cũng ở Trung Quốc.

Hạ Kiến Khuê cho biết đã sử dụng kỹ thuật CRISPR-Cas9, còn gọi là cắt dán gien. Cụ thể là cắt bỏ và thay thế một phần bộ gien, giống như sửa lỗi đánh máy trên máy vi tính. Lulu và Nana được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ một phôi đã được chỉnh sửa gien trước khi được cấy vào tử cung của người mẹ.

Hạ Kiến Khuê nói đã sử dụng CRISPR-Cas9 để sửa lại gien CCR5 của cặp bé gái song sinh nhằm bảo vệ các em khỏi bị nhiễm HIV trong tương lai.

Trong một nghiên cứu chưa được công bố, Hạ Kiến Khuê và các tác giả khác về thí nghiệm trên người này tuyên bố gien CCR5 của cặp song sinh đã được “chỉnh sửa thành công” và sẽ tạo ra khả năng kháng HIV hoàn toàn hoặc một phần?! Thế nhưng, một số nhà khoa học và chuyên gia cho biết dữ liệu của nhóm nghiên cứu đó không hỗ trợ cho tuyên bố chính của họ.

“Nhóm nghiên cứu không thực sự tái tạo đột biến đã biết. Thay vào đó, họ tạo ra những đột biến mới, có thể kháng HIV nhưng cũng có thể không”, theo bản tin của trang MIT Technology Review tháng 12.2019.

Hạ Kiến Khuê cho hay nhóm của ông có nghĩa vụ theo dõi tình trạng sức khỏe các bé. Sau 18 tuổi, những đứa trẻ sẽ quyết định có nên theo dõi y tế theo nhu cầu cá nhân hay không.

Hạ Kiến Khuê và nhóm đã cam kết mua thêm bảo hiểm y tế cho ba bé bên cạnh bảo hiểm y tế công cộng. Song vì sự ra đời của ba bé gây tranh cãi nên không công ty bảo hiểm nào muốn tham gia. Do đó, Hạ Kiến Khuê đang muốn thành lập một quỹ từ thiện để quyên góp tiền và trang trải các chi phí liên quan đến sức khỏe cho ba đứa trẻ.

Hạ Kiến Khuê phải trả giá đắt cho những thí nghiệm của mình. Cuối năm 2019, tòa án ở Trung Quốc kết án 3 năm tù giam và phạt tiền 3 triệu nhân dân tệ (430.000 USD) với Hạ Kiến Khuê vì tội hành nghề y bất hợp pháp. Ông ra tù vào tháng 4.2022.

“Tôi đã làm điều đó quá nhanh. Tôi đã học được rất nhiều điều và thay đổi rất nhiều trong những năm qua", Hạ Kiến Khuê nói.

Khi được hỏi liệu có làm khác đi nếu có cơ hội tương tự hay không, ông đáp: "Câu hỏi quá phức tạp và tôi chưa có câu trả lời”.

Hạ Kiến Khuê dự định viết một bài báo về những suy nghĩ của mình và chia sẻ với cộng đồng khoa học quốc tế vào thời điểm thích hợp.

Ông được mời đến thăm Đại học Oxford (Anh) vào tháng 3.2023 để nói chuyện về việc sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR trong y học sinh sản.

Trước thời gian đến Đại học Oxford, Hạ Kiến Khuê đã thành lập một phòng thí nghiệm mới ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) để nghiên cứu liệu pháp gien hợp lý cho các bệnh di truyền hiếm gặp như chứng loạn dưỡng cơ Duchenne - căn bệnh chết người chủ yếu ảnh hưởng đến các nam thanh niên và thiếu niên.

Loạn dưỡng cơ Duchenne là bệnh lý di truyền liên quan đến một số đột biến gien. Đặc trưng của bệnh là các cơ sẽ teo dần, lâu ngày dẫn đến chức năng cơ suy giảm, cử động yếu, thậm chí là liệt nhóm cơ bị bệnh.

Hạ Kiến Khuê cũng có kế hoạch đăng ký thành lập tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận là Viện nghiên cứu bệnh hiếm gặp Bắc Kinh.

“Tôi có tầm nhìn dài hạn, đó là mỗi chúng ta sẽ không mắc các bệnh di truyền”, ông nói.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tung-di-tu-vi-tao-ra-3-dua-tre-chinh-sua-gien-nha-khoa-hoc-trung-quoc-duoc-moi-lam-o-my-222009.html