Từng được định giá 47 tỉ đô la, WeWork chuẩn bị nộp đơn phá sản
WeWork, công ty cho thuê không gian làm việc chung ở New York, có kế hoạch nộp đơn xin phá sản sớm nhất là vào tuần tới, Wall Street Journal dẫn các nguồn thạo tin cho biết. Từng được định giá đến 47 tỉ đô la Mỹ, WeWork đang gánh đống nợ lớn và tích lũy khoản lỗ khổng lồ do mô hình kinh doanh rủi ro cao.
Trong tuần này, các nguồn tin cho biết, WeWork đang xem xét việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ tại một tòa án ở bang New Jersey.
Tin đồn về việc WeWork nộp đơn xin phá sản đã xuất hiện một thời gian, sau khi hồi tháng 8, công ty thừa nhận với các cơ quan quản lý rằng có “nghi ngờ đáng kể” về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh trong năm tới.
Tin tức nộp đơn phá sản khiến giá cổ phiếu của nhà cung cấp không gian làm việc linh hoạt giảm đến 50% vào sáng 1-11, xuống còn 1,05 đô la Mỹ. Cổ phiếu của WeWork đã giảm giá hơn 98% trong năm nay. Trước đó, WeWork tiết lộ đã đạt một thỏa thuận với các chủ nợ về việc tạm hoãn thanh toán một số khoản nợ của khi thời gian ân hạn sắp kết thúc.
Tính đến cuối tháng 6, vào thời điểm chi phí vay tăng cao đang gây gây áp lực nặng nề lên lĩnh vực bất động sản thương mại, WeWork đang có khoản nợ ròng dài hạn là 2,9 tỉ đô la hơn 13 tỉ đô la tiền nợ thuê văn phòng dài hạn,
Việc WeWork nộp đơn xin phá sản sẽ đánh dấu sự đảo ngược vận may đáng kinh ngạc của một công từng được định giá tư nhân ở mức 47 tỉ đô la vào năm 2019 và là một đòn giáng đối với tập đoàn đầu tư công nghệ SoftBank (Nhật Bản) vốn đã rót hàng tỉ đô la vào công ty này.
WeWork rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng ( IPO) năm 2019 gặp thất bại.
Những khó khăn của WeWork không hề thuyên giảm trong những năm tiếp theo. Cuối cùng, công ty đã tiến hành IPO thành công vào năm 2021 thông qua thương vụ sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC ), với mức định giá thấp hơn nhiều. SoftBank đã rót hàng chục tỉ đô la để hỗ trợ WeWork nhưng công ty vẫn tiếp tục chìm trong thua lỗ.
Hồi tháng 8, WeWork nêu ra “nghi ngờ đáng kể” về khả năng tiếp tục với các lãnh đạo hàng đầu, bao gồm cả CEO Sandeep Mathrani, có kế hoạch rời đi trong năm nay.
Các vấn đề của WeWork lần đầu lộ diện vào năm 2019 khi công ty tìm cách IPO. Vào tháng 8 năm đó, công ty công bố toàn bộ báo cáo tài chính, tiết lộ khoản lỗ 900 triệu đô la trong sáu tháng.
Thương vụ IPO của WeWork sụp đổ do sự hoài nghi của các nhà đầu tư đối với mô hình kinh doanh thuê tài sản văn phòng dài hạn, rồi cho thuê lại bằng các hợp đồng ngắn hạn cũng như mối lo lắng về khoản lỗ khổng lồ của công ty này. Nhà đầu tư cũng lo lắng về tình hình quản trị của công ty dưới thời kỳ chèo lái của người sáng lập kiêm CEO lúc đó là Adam Neumann . Sau đó, công ty chứng kiến mức định giá giảm mạnh xuống dưới 10 tỉ đô la.
Neumann không còn được ủng hộ và cuối cùng bị phế truất giữa những cáo buộc về môi trường làm việc độc hại tại WeWork.
Các nhân viên của WeWork mô tả đó là môi trường tôn sùng lãnh đạo. Họ gọi Neumann là ‘tổng giám đốc tiệc tùng’ vả chỉ trích ‘phong cách điều hành sử dụng rượu tequila’ của ông. Trong một vụ bị cáo buộc là vượt quá giới hạn, Neumann tổ chức một bữa tiệc kéo dài ba ngày cho 8.000 nhân viên để ăn mừng mức định giá 37 tỉ đô la của công ty.
Trong cuốn sách “Kẻ thua cuộc tỉ đô: Sự trỗi dậy và sụp đổ chấn động của WeWork”, tác giả Reeves Wiedeman đã viết rằng Neumann yêu cầu phải đặt các thùng rượu tequila Don Julio 1942 ở mọi văn phòng.
Vào năm 2020, rộ lên thông tin cho rằng, WeWork đã trả hơn 2 triệu đô la tiền mặt cho một nữ nhân viên để giữ im lặng sau khi cô này đe dọa sẽ vạch trần văn hóa sử dụng ma túy, ngủ với đồng nghiệp và phân biệt đối xử tại công ty, đồng thời tuyên bố cô ấy là nạn nhân của một vụ tấn công tình dục.
Sau khi niêm yết cổ phiếu vào tháng 10-2021, WeWork bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, vì các biện pháp giãn cách xã hội khiến mọi người chủ yếu làm việc tại. WeWork vẫn chưa có lợi nhuận kể từ khi các hạn chế kiểm soát Covid-19 được dỡ bỏ.
Công ty ký hợp đồng thuê văn phòng từ 10-20 năm, sau đó đầu tư nâng cấp và cung cấp các đặc quyền như uống bia miễn phí để thu hút nhân viên trẻ.
WeWork sau đó cho những người khác như người làm việc tự do, nhân viên của các công ty khởi nghiệp và các công ty khác, thuê lại không gian với mức giá cao hơn, với thời hạn hợp đồng tối thiểu là một tháng. Điều đó có nghĩa là khách hàng có thể nhanh chóng bỏ rời bỏ các không gian làm việc chung trong thời kỳ suy thoái trong khi WeWork vẫn gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền thuê.
Phần lớn hợp đồng thuê tài sản văn phòng của WeWork được ký vào năm 2018 và 2019, khi giá thuê đạt đỉnh trước đại dịch. Giờ đây, trong bối cảnh bùng nổ làm việc tại nhà, nhu cầu thuê văn phòng giảm mạnh ở các thành phố lớn của Mỹ như New York và San Francisco, nơi tập trung các không gian của WeWork.
Tính đến tháng 6, WeWork trả hơn 2,7 tỉ đô la tiền thuê và lãi mỗi năm. Con số này chiếm hơn 80% toàn bộ doanh thu của công ty. Điều đó khiến không ty không còn đủ tài chính đủ để trang trải các chi phí khác. Tổng lỗ của WeWork kể từ khi thành lập lên tới 16 tỉ đô la sau khi tiêu hết số tiền huy động được từ các nhà đầu tư và chủ nợ cho trong thập niên qua. Ngay cả sau bốn năm cắt giảm chi phí và chỉnh đốn lại hoạt động kinh doanh dưới bộ máy quản lý mới sau thời kỳ của Neumann, công ty vẫn “đốt” 300 triệu đô la tiền mặt mỗi quí.
Theo WSJ, Daily Mail