Tùng Dương: Từng xin hát nhưng không ai nhận vì chỉ thuộc nhạc 'các cụ'

Tùng Dương thừa nhận từng cực đoan khi chỉ thuộc nhạc 'các cụ'. Đó là lý do anh từng đi xin hát không ai nhận. Hiện tại, anh muốn thay đổi tư duy âm nhạc để mới hơn, trẻ hơn và gần với khán giả hơn.

Lộ lý do xin hát nhưng không ai nhận

Tùng Dương từng ghi dấu trong làng nhạc Việt bởi sự "độc - lạ - ma mị" từ bài hát, giọng hát tới phong cách trình diễn.

Những năm gần đây, cái tên Tùng Dương được biết đến rộng hơn trên mạng xã hội, đặc biệt với khán giả trẻ, qua các bản cover nhiều ca khúc nhạc trẻ như: "Ai chung tình được mãi", "Anh ơi ở lại", "Ngày chưa giông bão", "Nàng thơ", "Bên trên tầng lầu", "Sau lời từ khước"...

Tùng Dương vừa trở lại với ca khúc mới "Cánh chim phượng hoàng" với kinh phí 1 tỷ đồng. Dịp này, anh nói muốn thay đổi tư duy âm nhạc để mới hơn, trẻ hơn và đến gần với khán giả hơn.

Tùng Dương vừa trở lại với ca khúc mới "Cánh chim phượng hoàng" với kinh phí 1 tỷ đồng. Dịp này, anh nói muốn thay đổi tư duy âm nhạc để mới hơn, trẻ hơn và đến gần với khán giả hơn.

Nói về sự thay đổi này, trong chương trình "Chuyện đời chuyện nghề", Tùng Dương cho biết, anh luôn tự nhắc bản thân mọi sự đến với mình rất tự nhiên, không quá mặc định phải cân bằng, nếu không sẽ mất khán giả.

"Đến một lúc nào đó, tôi nhận ra mình cần cởi mở, cập nhật. Tôi cũng cần phải thuộc những bài hát của giới trẻ chứ, nếu nói không thuộc là không được. Trước đây tôi chỉ thuộc nhạc "các cụ" nên khi đi xin việc, xin hát không ai nhận, như thế thì cực đoan quá.

Tôi vẫn giữ cho mình sự quyết liệt với nghề, nhưng không quá cực đoan. Giờ chỉ chọn cho mình cá tính cực đoan thì sẽ bị thu mình lại, không nghe ai nữa. Tấm gương đó đã xảy ra với rất nhiều người.

Tôi không muốn nhắc tên nhưng tôi nghĩ họ cực đoan quá. Tôi không muốn lựa chọn cực đoan như vậy. Tôi vẫn mong muốn được hòa vào dòng chảy chung của thị trường. Nhưng đồng thời, tôi vẫn là chính mình, được tung tẩy với không gian âm nhạc của riêng mình", nam nghệ sĩ giãi bày.

Trước đó, trong chương trình "Người trong muôn nghề", Tùng Dương cũng thừa nhận, anh từng đi xin hát ở các tụ điểm âm nhạc nhưng bị bầu show đều lắc đầu, không ai nhận lời. Trong khi đó, những nghệ sĩ đồng trang lứa như Lưu Hương Giang, Khánh Linh, Thái Thùy Linh… đều đã được nhận hát hết.

Một phần vì nghệ sĩ nữ sẽ dễ được nhận lời hơn. Một phần vì dòng nhạc Tùng Dương hát không phù hợp với quán bar, phòng trà.

Tùng Dương trong chương trình Người trong muôn nghề.

Tùng Dương trong chương trình Người trong muôn nghề.

"Tôi vào mấy phòng trà, khách sạn xin hát. Bầu show chăm chú nghe tôi hát xong bảo rằng: Em này hát hay đấy, có giọng đấy nhưng nhạc này ở đây không ai nghe. Em hát nhạc gì cứ như lên đồng, ai mà nghe?

Tôi nhìn lại hành trang của mình, toàn nhạc của Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương, rồi nhạc các divo, diva (nam, nữ ca sĩ có tên tuổi, có sức ảnh hưởng đến công chúng và góp phần vào sự thành công của âm nhạc đất nước) thì làm sao hát được ở các quán bar, phòng trà như vậy, không phù hợp.

Bầu show hỏi tôi có hát được bài nhạc trẻ hay nhạc Hoa lời Việt nào không. Lúc đó tôi mới ngớ người ra, rằng tôi chẳng thuộc bài nào. Tôi không thuộc bài nhạc trẻ nào, chỉ hát những bài lắt léo, khoe giọng, khó hát do tôi thích.

Lúc đó, tôi tưởng trời sập xuống rồi, thất bại rồi. Bây giờ đi xin hát còn không ai nhận thì sau này làm sao nổi tiếng được", ca sĩ nhớ lại.

Nhìn lại sự nghiệp, Tùng Dương nói rằng, nếu không đủ nghị lực, quyết tâm thì không bao giờ theo được con đường ca hát này.

"Rất may, sau những cột mốc quan trọng như Sao mai điểm hẹn, Tiếng hát hay Hà Nội, Cống hiến… tôi đã định hình phong cách, phát triển con đường nghệ thuật, cá tính cho mình.

Cá tính bây giờ chưa đủ, mới chỉ là cái bên trong, nghệ sĩ phải làm nên trường phái của riêng mình. Cá tính quyết định trường phái, tạo ra trường phái và nghệ sĩ phải tạo ra trường phái cho riêng mình.em

Tôi tự hào rằng mình có thể chịu ảnh hưởng, học hỏi từ những người đi trước nhưng tôi không bê nguyên mà chắt lọc cái hay của họ để tạo ra con đường cho riêng mình, không loay hoay, luôn đi con đường dài", divo tâm sự.

Tùng Dương nói rằng, nếu không đủ nghị lực, quyết tâm, không bao giờ anh theo được con đường ca hát này.

Tùng Dương nói rằng, nếu không đủ nghị lực, quyết tâm, không bao giờ anh theo được con đường ca hát này.

Tự trôi vào thế giới của riêng mình

Được mệnh danh "divo của làng nhạc Việt", ít ai biết Tùng Dương có tuổi thơ êm đềm nhưng sống khá thu mình. Anh nói, lúc 5 tuổi, người bạn của anh là lá cây, chiếc rèm cửa, là những chú kiến. Anh không có nhiều bạn mà tự "trôi" vào thế giới của riêng mình.

Năng khiếu âm nhạc của anh cũng được bộc lộ từ rất nhỏ. "Một lần bố mẹ cho đi xem ca nhạc, khi ánh đèn sáng lên, ca sĩ nhảy theo nhạc thì có một cậu bé nhảy sung hơn ca sĩ trong vòng tay của bố mẹ. Đó là Tùng Dương.

Lúc ấy bố tôi đã biết tôi có năng khiếu âm nhạc và cho đi hát ở khắp nơi ở các bữa tiệc nhỏ, cùng thầy giáo dạy guitar. Lúc ấy cát sê chỉ bằng bát phở, hay một gói kẹo", nam ca sĩ kể.

Tùng Dương kể về tuổi thơ lớn lên trong gia đình có truyền thống giáo dục.

Tùng Dương kể về tuổi thơ lớn lên trong gia đình có truyền thống giáo dục.

Để có một Tùng Dương như ngày hôm nay, ca sĩ nói biết ơn khi được trưởng thành trong sự giáo dục của gia đình với bố là giáo viên, mẹ là nhà thiết kế thời trang, các bác cũng làm trong ngành giáo dục.

Anh nói, tuổi thơ của mình trải qua khá êm đềm. Sau này, khi bố mẹ sang Nga làm ăn, anh thiếu vắng sự gần gũi của bố mẹ, nhưng bù lại, anh được sự rèn giũa nghiêm khắc của các bác và ông nội.

"Từ khi còn bé xíu, tôi đã biết giặt giũ, nấu cơm, lau nhà, quét nhà... Nhưng ở trong trạng thái vừa hát vừa làm. Tôi hát ở khắp nơi, lúc nào cũng hát.

Sau này, vì đi hát nhiều, việc học bị sa sút, các bác còn "nhốt" tôi lại, không cho đi hát mà bắt ở nhà để tập trung học văn hóa", divo hồi tưởng.

Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tung-duong-tung-xin-hat-nhung-khong-ai-nhan-vi-chi-thuoc-nhac-cac-cu-19224061722194189.htm