Tuổi nào cũng có thể bị loãng xương!

Loãng xương (rỗng xương) là một dạng bệnh lý có đặc điểm mất khối lượng xương và kém chất lượng xương. Lúc đó xương ví như viên gạch đặc bị khoét rỗng và mềm nhũn ra, khiến sự chịu lực kém đi. Hậu quả là dù không té hay chỉ té nhẹ cũng làm gãy xương.

Loãng xương thường gây triệu chứng đau mạn tính, nhất là ảnh hưởng cột sống. Biến chứng gãy xương sống hay cổ xương đùi đều có thể đưa đến tử vong nếu không được chăm sóc, điều trị đúng mức. Khoảng 50% lão bà và 20% lão ông sau 65 tuổi bị biến chứng gãy xương do loãng xương.

Đàn ông có bị loãng xương?

Phụ nữ sau tuổi mãn kinh (trung bình sau 47 tuổi) dễ bị loãng xương. Do đó tới độ tuổi này cần theo dõi dấu hiệu loãng xương và phòng ngừa trước. Cùng một độ tuổi, nam giới ít bị loãng hơn cho tới tuổi sau sáu mươi, bảy mươi. Ở độ tuổi sau bảy mươi, quý lão ông đuổi kịp quý lão bà về việc... loãng xương. Loãng xương ở nam giới thường bị bỏ sót chẩn đoán, không nhận ra, không ai nghiên cứu hay báo cáo đầy đủ dù các rủi ro bị loãng xương không khác nữ giới nhiều.

Ngoài tuổi tác, những yếu tố rủi ro dễ bị loãng xương thường thấy: là phụ nữ; người có thể tạng mảnh mai, lùn; xương khớp nhỏ nhắn, mong manh...; người hút thuốc lá; do yếu tố di truyền (gia đình đã bị loãng xương hay dễ gãy xương); phụ nữ bặt kinh sớm; chán ăn hay quá háu ăn, ăn nhiều chất đạm khi có tuổi; khẩu phần ăn thiếu calcium; buộc phải uống một số loại thuốc trị bệnh gây loãng xương (methotrexate, corticosteroides ...); thiếu kích thích tố sinh dục nam testoterone; nghiện rượu; bệnh huyết cầu hình liềm hay bệnh lupút đỏ...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Triệu chứng báo hiệu

Cần lưu ý đến loãng xương khi thấy các triệu chứng: nghi gãy lún xương sống do loãng xương dù không chấn thương (khi thấy lùn dần và đo thấy hụt chiều cao hơn trước); đau lưng hay thắt lưng hoặc hai bên xương sườn dai dẳng, mạn tính hay đau xương tay chân mơ hồ không rõ nguyên nhân; đi đứng lom khom, không thể đứng thẳng; xương sống mất dần đường cong sinh lý, dẫn đến biến dạng cột sống (còng thắt lưng, vẹo cột sống lưng hay thắt lưng); gãy xương sống hay xương dài tái đi tái lại; gãy xương sống hay đầu xa xương quay, gãy cổ xương cánh tay dù bị chấn thương nhẹ; có nhiều vấn đề nội khoa xảy ra cho bệnh nhân như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupút đỏ, sử dụng nhiều thuốc hạt dưa (corticosteroides) để điều trị bệnh hay do lạm dụng, tiền căn bị cắt toàn bộ tử cung, cắt buồng trứng do u xơ, do ung thư tử cung hay cổ tử cung...

Phát hiện cách nào?

Việc chẩn đoán loãng xương thường sẽ dựa vào bệnh sử và tiền căn gia đình: tiền căn gãy xương dù chấn thương nhẹ, thân nhân hay gia đình dễ bị gãy xương hay đã bị loãng xương; thăm khám bệnh nhân để phát hiện những triệu chứng và yếu tố rủi ro loãng xương; Xquang thường quy; đo tỉ trọng xương bằng các máy phù hợp; đo các chất phát hiện loãng xương trong máu hay trong nước tiểu...

Đo tỉ trọng xương phải chú ý kỹ thuật và máy đo, máy đo thường dùng hiện nay là máy hấp thu Xquang năng lượng kép (DXA), hay định lượng theo Xquang cắt lớp điện toán định lượng (QCT).

Đo tỉ trọng xương nên áp dụng cho những ai đã bị gãy xương dù chấn thương nhẹ, phụ nữ sau mãn kinh với những yếu tố rủi ro đã nêu, tất cả phụ nữ trên 65 tuổi, ngay cả nam giới trên 50 tuổi nếu có kèm yếu tố rủi ro. Ngoài ra, việc đo tỉ trọng xương còn dành cho những ai có bệnh lý phải dùng thuốc corticosteoides lâu dài, các loại thuốc gây loãng xương như methotrexate dùng trị viêm khớp dạng thấp; những phụ nữ bị cắt tử cung và hai buồng trứng với những dấu hiệu đau xương mơ hồ hay có kèm theo các yếu tố rủi ro...

Bệnh nhân nên giúp thầy thuốc chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn với sự khai tiền căn cá nhân, gia đình và bệnh sử đầy đủ, mang các toa thuốc cũ, viết sẵn những câu thắc mắc để hiểu cặn kẽ thêm căn bệnh loãng xương, thảo luận với bác sĩ để rõ hơn việc điều trị và phòng ngừa...

Phòng từ lúc trẻ

Nếu từ lúc trẻ được ăn uống đầy đủ, tập thể dục, thể thao hằng ngày… thì khối lượng xương gia tăng dần và đạt ngưỡng cao nhất lúc ba mươi tuổi. Sau tuổi này, khối lượng xương mất dần theo thời gian, đặc biệt nơi phụ nữ sau mãn kinh. Với khối lượng xương dự trữ lớn, cơ thể vẫn còn khỏe mạnh, đủ chống biến chứng gãy xương.

Ngược lại, nếu thiếu tập luyện, suy dinh dưỡng từ nhỏ, không dùng đủ chất calcium… thì khối lượng dự trữ calcium thấp, dễ đưa đến loãng xương khi lớn tuổi. Tuổi nào cũng có thể bị loãng xương nếu mắc các bệnh lý hay dùng thuốc ảnh hưởng đến bộ xương gây thiếu hay loãng xương.

Đối với xương sống, nhiều khi các đốt sống gãy lún một cách âm thầm do thao tác hằng ngày khom cúi, khiêng xách (dù vật nhẹ) cho tới khi thấy đau lưng hay thắt lưng. Cần lưu ý khi xương bị loãng, rủi ro gãy xương tăng gấp sáu bảy lần so với người bình thường không bị loãng xương.

PGS-TS-BS. Võ Văn Thành

(Chủ tịch hội Cột sống TP.HCM)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tuoi-nao-cung-co-the-bi-loang-xuong-33951.html