'Tuổi thọ' của luật

'Phải làm thật chắc chắn, thật kỹ lưỡng. Luật nào ra đời là phải có 'tuổi thọ' và chất lượng cao'. Đây là yêu cầu xuyên suốt được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt nhấn mạnh khi chủ trì, điều hành các phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Phiên họp thứ 36 vừa bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 2 dự án Luật vào chương trình lập pháp năm 2024, 2025. Một trong hai đề nghị đã không thuyết phục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể là đề nghị bổ sung dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình năm 2025. Dù đây là một nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81 nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn quyết định từ chối bởi hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật này chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, hồ sơ dự án Luật chưa xác định rõ phạm vi điều chỉnh của luật, nội dung các chính sách về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần, bảo đảm dinh dưỡng trong phòng bệnh và các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh; đồng thời, cần rà soát kỹ lưỡng quy định của các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đề nghị còn lại, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, dù đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, nhưng vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm y tế chỉ ra đến 120 tồn tại, hạn chế nhưng Chính phủ chỉ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều thì "liệu có ổn hay không?". Trước đó, khi Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã cho thấy phải tiến hành sửa đổi ngay Luật Bảo hiểm y tế để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Tháng 3.2022, Chính phủ cũng đã đề nghị bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được chấp thuận vì còn nhiều nội dung chính sách của dự luật chưa được làm rõ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đó cũng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng để "sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình". Đến nay, sau gần 2 năm rưỡi, Chính phủ mới đề nghị trở lại việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, nhưng lại thu hẹp phạm vi, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều thay vì sửa đổi toàn diện như yêu cầu đặt ra khi Quốc hội sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Hai dự án Luật khác được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp thứ 36 cũng đặt ra những băn khoăn lớn về chất lượng chuẩn bị. Trong đó, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) có đến 6 nhóm chính sách lớn, nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp, toàn diện không chỉ đến sinh hoạt của người dân, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn đến an ninh năng lượng quốc gia, đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, nhưng lại được đề nghị xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới theo quy trình tại một kỳ họp.

Không quá gấp gáp về thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua như dự án Luật Điện lực (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật lại đặt ra những băn khoăn về phạm vi sửa đổi. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành đã có 17 năm thi hành. Đây không chỉ là khoảng thời gian khá dài mà quan trọng hơn là, thời điểm năm 2006, khi Quốc hội ban hành Luật này, chúng ta mới chỉ đang đi những bước đầu tiên trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đạo luật này là điều kiện pháp lý tiên quyết, văn kiện trong hồ sơ trình để các nước xem xét, biểu quyết việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng đến nay, Việt Nam đã hội nhập hết sức sâu rộng, toàn diện, đặc biệt là đã tham gia tới 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có nhiều cam kết rất cao về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Quy mô, trình độ phát triển của nền kinh tế quốc gia hiện nay cũng đã hoàn toàn khác so với 17 năm trước. Việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia không chỉ là để thực hiện cam kết trong các FTA mà còn có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam trên "sân chơi" toàn cầu. Vậy nếu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì đã đủ chưa, đã thực sự đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra hay chưa?

Từ những dự luật nêu trên càng cho thấy yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về bảo đảm chất lượng các dự án Luật, bảo đảm "tuổi thọ" của các luật khi được ban hành là vô cùng đích đáng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng xem xét, bổ sung các dự luật vào chương trình nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng chuẩn bị, như Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ cấp vụ, thứ trưởng, bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan soạn thảo đến Chính phủ đều phải "quyết tâm, quyết liệt, quyết làm" và phải "làm thật kỹ, thật chắc, đủ điều kiện, đủ cơ sở để trình có chất lượng", còn nếu vẫn chỉ "làm sơ sơ và trình sang các cơ quan của Quốc hội thẩm tra thấy không bảo đảm thì hết sức uổng công".

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tuoi-tho-cua-luat-i385661/