Tuổi trẻ làng biển cùng nhau giữ cho biển xanh
Dải biển huyện Hậu Lộc từng là một nơi 'ngập ngụa' rác, nhưng giờ đây đã có sự chuyển biến tích cực. Việc thay đổi này không phải một sớm, một chiều mà là một quá trình kiên trì, nỗ lực của chính quyền và cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ...
Cánh én nhỏ góp nên mùa xuân
Trên tuyến đê ven biển huyện Hậu Lộc có những tốp thanh niên ngồi uống nước, chuyện trò. Trong đó chúng ta dễ nhận ra chàng thanh niên trẻ cúi người nhặt từng chiếc chai nhựa, túi bóng... Đó là anh Nguyễn Văn Nam, 34 tuổi, ở thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc.
Với chiếc xe đạp cũ và chiếc thùng xốp có dán mảnh giấy ghi dòng chữ “Xin tặng cho mình lon, chai vỏ nhựa để tặng những hoàn cảnh khó khăn. Mình xin chân thành cảm ơn ạ” buộc phía sau, anh Nam đi vòng quanh các khu dân cư. Hành trình nhặt rác mỗi ngày của anh Nam không định trước. Ở đâu có rác thải nhựa anh nhặt hết, gom vào thùng xốp, bao tải cho đến khi nào đầy mới nghỉ tay.
Anh Nam mồ côi bố từ khi 5 tuổi, sau khi học hết cấp THCS anh đi làm thuê rồi ra Hà Nội học nghề làm tranh đá quý. Năm 2018, anh về quê mở cửa hàng bán tranh tại con hẻm nhỏ ở quê nhà. Theo lời anh Nam chia sẻ, năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát, qua mạng xã hội, thấy có nhiều hoàn cảnh khó khăn được cộng đồng mạng kêu gọi, giúp đỡ, nên anh thường trích tiền bán tranh để ủng hộ. Tháng 7/2023, trong một lần đi thể dục, thấy có nhiều vỏ chai nhựa vứt dọc đường, gây mất vệ sinh môi trường, anh Nam nảy ra ý tưởng nhặt ve chai để góp tiền giúp đỡ những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ làm việc này để tạo sự khác biệt hay cố thể hiện một điều gì đó lớn lao. Tôi cũng không có mục đích giáo dục ai cả. Chỉ mong gom góp thêm chút tiền giúp đỡ người nghèo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, qua hành động đơn giản của tôi, mọi người phần nào có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường", anh Nam nói, và cho biết mỗi tháng anh tổ chức đi trao quà một lần, vào ngày đầu tháng. Đến nay, đã có hàng trăm hộ gia đình ở 6 xã vùng biển huyện Hậu Lộc được anh giúp đỡ, tặng quà đều đặn. Nhiều người dân địa phương thấy hành động của anh ý nghĩa nên cũng đồng hành.
Khi tình yêu môi trường được lan tỏa
Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường biển, đồng thời phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, Đoàn Thanh niên xã Ngư Lộc đã thành lập mô hình Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên bảo vệ môi trường và triển khai những chiến dịch thiết thực như: “Hãy làm sạch biển”, “Tuổi trẻ chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển”, các hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6)... Thông qua những hoạt động này đã giúp nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh thiếu niên và Nhân dân về bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, các hoạt động này còn làm thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa khó phân hủy để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Sinh ra và lớn lên dưới chân sóng, biển là “sân bóng” của những đứa trẻ như chúng tôi, cũng là “mảnh ruộng” của bố mẹ tôi. Nhờ biển mà chúng tôi có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Vì thế, yêu biển và giữ gìn biển là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi con người sinh ra, lớn lên ở biển", Bí thư đoàn xã Ngư Lộc Hoàng Ngọc Dương, nói.
Suy nghĩ ấy của anh Dương và các đoàn viên, thanh niên đã kéo mọi người xích lại gần nhau hơn trong tình yêu đối với biển, quyết tâm bảo vệ môi trường biển.
Hướng mắt về phía biển, anh Dương cho biết: Gần 10 năm trước, đê biển của xã toàn là rác thải sinh hoạt của người dân. Mỗi lần dọn phải mất cả tháng mới xong. Thế nhưng, cứ dọn xong là bà con lại mang rác ra bờ biển để đổ. Giờ đây, với mỗi người dân làng biển, biển không chỉ là bạn, mà còn là điểm vui chơi, giải trí, vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ven đê. Vì thế, cứ thấy rác ngoài biển theo triều cường, con sóng tấp vào bãi biển là chính quyền địa phương cùng đoàn thể và người dân lại nhanh chóng dọn dẹp.
Từ cách làm của Đoàn xã Ngư Lộc, Huyện đoàn Hậu Lộc đã nhân rộng mô hình CLB Thanh niên bảo vệ môi trường và mô hình công trình thanh niên bảo vệ môi trường tại các xã ven biển, với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt đoàn viên, thanh niên. Toàn huyện đã thành lập và duy trì, triển khai thực hiện 28 mô hình, công trình thanh niên chung tay bảo vệ môi trường. Qua đánh giá, các hoạt động đã được đoàn thanh niên các xã tổ chức sôi nổi, hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia. Từ đó, các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường biển nói riêng trở thành hoạt động thường xuyên.
Bên cạnh đó, thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phong trào bảo vệ môi trường biển đã lan tỏa rộng rãi tới các trường học trên địa bàn. Học sinh tích cực tham gia các chiến dịch hưởng ứng, các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường biển do các cấp bộ đoàn tổ chức. Đây cũng được xem là đợt sinh hoạt ngoại khóa rất bổ ích và ý nghĩa dành cho các em học sinh.
Vùng biển Hậu Lộc ngày càng thay da đổi thịt với sự đổi khác trên từng con đường, ngôi nhà và hơn hết, đó là hành trình “lột xác” để khoác lên mình màu áo mới. Môi trường - vấn đề khiến chính quyền nơi đây từng “đau đầu”, giờ đã trở thành niềm tự hào khôn tả, trong đó lớp trẻ của quê hương vùng biển đang góp phần xứng đáng vào sự thay đổi này.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tuoi-tre-lang-bien-cung-nhau-giu-cho-bien-xanh-229231.htm