Tương lai bất định

Tiến trình Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu - EU) giống như cuốn phim truyền hình nhiều tập bắt đầu từ giữa năm 2016 đã không thể kết thúc vào hạn chót năm 2019 như dự định. Năm nay ghi dấu là một năm khủng hoảng của chính trường Anh khi Brexit liên tục bị trì hoãn, nữ Thủ tướng T.May phải nhường bước cho Thủ tướng B.Johnson kế nhiệm và nhằm phá thế bế tắc, một cuộc bầu cử trước thời hạn đã được khởi động để bắt đầu 'cuộc phiêu lưu' mới cho 'xứ sở sương mù' .

Nhìn lại năm 2019

Người ủng hộ Brexit xuống đường diễu hành tại Anh. (Ảnh: Reuters)

Người ủng hộ Brexit xuống đường diễu hành tại Anh. (Ảnh: Reuters)

1. Rối như tơ vò

Có thể nói, chưa bao giờ chính trường Anh rơi vào tình trạng rối ren như hiện nay. Hai cuộc bầu cử liên tiếp diễn ra trong vòng một năm, nhiều lần chính phủ bị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, hạn chót Anh rời EU liên tục bị lùi cho thấy sự bất ổn và chia rẽ ở "xứ sở sương mù".

Ngay từ những ngày đầu năm 2019, Chính phủ của Thủ tướng Anh T.May đã đối mặt sóng gió khi phải trải qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội nước này chỉ 24 giờ sau khi Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit do bà T.May đề xuất. Dù Thủ tướng T.May đã "thoát hiểm", song việc thỏa thuận Brexit không thể "qua cửa" Hạ viện đã đẩy tiến trình Brexit không thể kết thúc vào hạn chót 29-3 theo kế hoạch. Một số nghị sĩ đã rời bỏ đảng cầm quyền để phản đối thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, việc lùi thời hạn Brexit đồng nghĩa với việc nước Anh vẫn phải tham gia các cuộc bầu cử tại Nghị viện châu Âu (EP) vào cuối tháng 5, khiến lộ trình rời khỏi EU thêm trắc trở. Sau khi không thể thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với EU cuối năm 2018, Thủ tướng T.May đã tuyên bố từ chức hồi đầu tháng 6, khiến nước Anh phải tổ chức cuộc bầu cử trước hạn, tìm người chèo lái con thuyền nước Anh về bến.

Trở thành người kế nhiệm bà May vào cuối tháng 7, Thủ tướng B.Johnson cũng đối mặt muôn vàn khó khăn trong việc ổn định tình hình chính trị trong nước và dự định đưa nước Anh rời EU vào ngày 31-10. Trong lễ nhậm chức, ông B.Johnson cam kết cân bằng giữa mong muốn duy trì một mối quan hệ gần gũi với EU, đồng thời vẫn bảo đảm tính tự chủ của quốc gia. Song thực tế, ông vô cùng chật vật trong việc giải quyết bất đồng về Brexit giữa Anh và EU, cũng như thu hẹp sự chia rẽ trong nội bộ Anh. Thủ tướng Anh chủ trương sẵn sàng thực hiện "Brexit cứng" (Brexit không thỏa thuận), khiến lãnh đạo Công đảng đối lập và nhiều đảng phái chính trị ở Anh nhiều lần hối thúc Quốc hội bãi nhiệm ông.

Ngay trước thời hạn chót mới 31-10, Anh và EU đã nhất trí được dự thảo thỏa thuận Brexit mới, bớt đi vài điều khoản gây tranh cãi mà theo các nhà phân tích có thể giữ nước Anh gắn chặt với các quy định về hải quan của EU. Theo đó, Bắc Ireland sẽ ở trong khu vực thuế quan của Anh, nhưng lại tuân theo một số quy định thuế quan EU. Anh và EU sẽ ký Hiệp định Thương mại tự do với mức thuế nhập khẩu bằng 0 và sẽ không bị hạn chế bởi chế độ hạn ngạch hàng hóa. Anh sẽ ra khỏi EU cuối tháng 1-2020, nhưng hai bên sẽ có 14 tháng chuyển tiếp, từ cuối tháng 10-2019 đến hết năm 2020, nhằm chuẩn bị cho cơ chế mới.

Thỏa thuận mới này bị đảng Liên minh Dân chủ (DUP) kịch liệt phản đối với lý do Bắc Ireland có thể sẽ có một cơ chế tính thuế VAT khác so với phần còn lại của Vương quốc Anh và quan ngại rằng thỏa thuận mới sẽ vi phạm Thỏa thuận Thứ sáu Tốt lành về việc tham khảo ý kiến của các cộng đồng quốc gia đối với những vấn đề quan trọng. Về mặt kinh tế, thỏa thuận Brexit mới với các điều khoản thương mại hạn chế nếu được thông qua sẽ khiến GDP của Anh sụt 130 tỷ bảng trong 15 năm tới.

Với những bất cập nêu trên, thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Johnson đã tiếp tục không vượt qua được cửa ải Hạ viện Anh, khiến cuộc ly hôn giữa Anh và EU phải tiếp tục trì hoãn. Trong khi đó, giới chức châu Âu cũng đã tỏ thái độ "không thể kiên nhẫn" đối với tiến trình Brexit kéo dài và bế tắc của nước Anh. Ðức bày tỏ bức xúc rằng "Brexit không phải là một trò chơi" và EU đã quá mệt mỏi bởi các cuộc đàm phán quanh co và dai dẳng hơn hai năm qua về việc Anh rời khỏi khối này.

2. Cuộc đua "song mã"

Ðể phá thế bế tắc, một cuộc bầu cử trước thời hạn đã được khởi động và các chính đảng ở "xứ sở sương mù" quyết liệt tranh đua để bắt đầu một "cuộc phiêu lưu" mới cho tiến trình Brexit. Ðây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tổ chức gần dịp Giáng sinh tại Anh kể từ năm 1923. Cuộc tổng tuyển cử này cũng là một trong những cuộc đua khắc nghiệt nhất trong nhiều năm qua tại Anh khi Brexit gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội.

Theo các nhà phân tích, hai chính đảng lớn nhất là đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập đang cạnh tranh mạnh mẽ, tạo nên "cuộc đua song mã" quyết liệt trên chính trường Anh. Với Thủ tướng B.Johnson, đây được coi là canh bạc lớn nhất mà ông buộc phải thắng để duy trì vị trí cũng như sự hưng thịnh của phe Bảo thủ. Lãnh đạo một chính phủ thiểu số và từng chứng kiến người tiền nhiệm T.May từ chức vì không nhận được sự ủng hộ tại Quốc hội, ông B.Johnson được cho là sẽ đánh cược cả "giấc mơ Brexit" và sự nghiệp chính trị vào cuộc bầu cử lần này.

Nhằm tranh thủ lá phiếu của cử tri "xứ sở sương mù", cả đảng Bảo thủ và Công đảng đều đã đưa ra các tuyên bố tranh cử và định hướng chính sách của mình trong trường hợp trở thành đảng cầm quyền ở nước Anh nhiệm kỳ tới. Công đảng đã công bố cương lĩnh tranh cử đặc biệt, tập trung vào những vấn đề xã hội "nóng" như bất bình đẳng việc làm, giáo dục và sự tham gia của những nhóm thiểu số và các cộng đồng tín ngưỡng. Công đảng cam kết sẽ chi thêm 26 tỷ bảng Anh cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nếu giành chiến thắng. Ngoài ra, thủ lĩnh Công đảng J.Corbyn còn đưa ra các cam kết về việc quốc hữu hóa, đầu tư lớn cho lĩnh vực dịch vụ công và cải cách doanh nghiệp. Về tiến trình Brexit, ông Corbyn cho biết sẽ ký một thỏa thuận "rút lui" mới với EU và tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về tư cách thành viên của Anh trong "mái nhà chung" này.

Ngay sau khi Công đảng đưa ra cương lĩnh tranh cử nêu trên, Thủ tướng B.Johnson đã lập tức "phản pháo". Ðối với cam kết của Công đảng về việc quốc hữu hóa hãng viễn thông BT nếu thắng cử, Thủ tướng Anh thậm chí chế nhạo rằng đây là "kế hoạch điên rồ". Theo cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ, ông B.Johnson cam kết sẽ hoàn tất nhiệm vụ đưa nước Anh rời EU đúng thời hạn chót 31-1-2020 và sẽ kiến tạo một "nước Anh mới", đồng thời ký thỏa thuận thương mại toàn diện với EU vào cuối năm 2020 và không duy trì liên kết chính trị với EU. Cương lĩnh của đảng này cũng tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế, môi trường sinh thái của đất nước nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri "xứ sở sương mù". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, việc đặt mục tiêu ký thỏa thuận thương mại toàn diện với EU vào cuối năm 2020 là tham vọng "không thực tế", vì quá trình thương thảo cần thời gian lâu hơn.

Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử đều cho thấy ưu thế nghiêng về đảng Bảo thủ với khoảng 42% phiếu ủng hộ, tiếp theo là Công đảng với 33% số phiếu và cuối cùng là đảng Tự do Dân chủ với 13% phiếu bầu. Tuy nhiên, có nhiều thông tin cho rằng một số đảng nhỏ hơn ủng hộ EU có thể sẽ thành lập liên minh hậu bầu cử với Công đảng, trong đó có đảng Tự do Dân chủ. Cuộc "so găng" giữa hai bên sẽ gay cấn hơn trong trường hợp đảng Tự do Dân chủ ủng hộ Công đảng. Tuy nhiên, vẫn còn lượng lớn cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho đảng nào cho nên kết quả cuối cùng vẫn chưa thật sự chắc chắn. Do vậy, các nhà phân tích nhận định, đây sẽ là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất tại Anh trong nhiều năm qua. Ðồng thời, tiến trình Brexit một lần nữa lại đứng trước tương lai bất định bởi hoàn toàn phụ thuộc vào "canh bạc chính trị" nhiều rủi ro nêu trên.

BÍCH HẠNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/42554702-tuong-lai-bat-dinh.html