Tương lai cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ và châu Âu

Theo tờ The Economist, trong suốt thời gian lạm phát cao, các nhà kinh tế học đã tranh cãi về việc lạm phát đến từ đâu và phải làm gì để 'hạ nhiệt' đà tăng giá hàng hóa và dịch vụ hiện nay.

Khách hàng mua đồ trong siêu thị ở Rennes, miền Tây nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách hàng mua đồ trong siêu thị ở Rennes, miền Tây nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất và lạm phát đang có xu hướng giảm, nên cuộc tranh luận về lạm phát có vẻ ngày càng hàn lâm.

Trong thực tế, lạm phát lại ngày càng quan trọng. Lạm phát đang giảm chủ yếu là do giá năng lượng giảm, một xu hướng sẽ không kéo dài mãi mãi. Lạm phát cơ bản hay lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) đang tỏ ra khó giải quyết hơn.

Vì vậy, những người đứng đầu các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới hiện đang cảnh báo rằng "cuộc chiến" chống lạm phát của họ còn lâu mới hoàn thành. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết: "Việc giảm lạm phát xuống 2% còn một chặng đường dài phía trước".

Trong khi phát biểu tại một cuộc họp của các quan chức ngân hàng trung ương ở Bồ Đào Nha chỉ hai ngày trước đó, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho hay: "Chúng tôi không thể nao núng và chúng tôi không thể tuyên bố chiến thắng". Ông Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE), gần đây đã nói rằng lãi suất có thể sẽ ở mức cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Điều này có nghĩa là sẽ không có sự nhượng bộ trong cuộc chiến của các nhà kinh tế học. Mặt trận đầu tiên một phần là ý thức hệ, và mối quan tâm ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc tăng giá. Một lý thuyết độc đáo nhưng phổ biến cho thấy sự tham lam của các công ty đã tạo ra nguyên nhân. Ý tưởng này lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ vào giữa năm 2021, khi tỷ suất lợi nhuận của các công ty phi tài chính cao bất thường và lạm phát gia tăng.

Hiện đang có một "luồng gió" thứ hai, được thúc đẩy bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức gần đây đã phát hiện ra rằng lợi nhuận tăng "chiếm gần một nửa mức tăng" trong lạm phát của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong hai năm qua.

Bà Lagarde dường như cũng đang ủng hộ cho luận điểm này, khi nói với Nghị viện châu Âu rằng "một số lĩnh vực nhất định" đã "lợi dụng" tình trạng hỗn loạn kinh tế và rằng "điều quan trọng là các cơ quan cạnh tranh có thể thực sự xem xét những hành vi đó".

Lạm phát xảy ra do cầu vượt quá cung - điều gì đó mang lại nhiều cơ hội kiếm lời. Theo chuyên gia tư vấn Neil Shearing của Capital Economics, luận điểm về lạm phát tham lam "làm lẫn lộn các triệu chứng của lạm phát với nguyên nhân".

Tiền lương có xu hướng bắt kịp giá cả, chứ không phải ngược lại, bởi vì, như các nhà kinh tế của IMF lưu ý, "tiền lương phản ứng chậm hơn giá cả để phản ứng với các cú sốc". Đó là một bài học quan trọng từ giai đoạn lạm phát cao ngày nay cho những ai luôn coi kích thích kinh tế là có lợi cho người lao động.

Mặt trận thứ hai trong cuộc chiến lạm phát liên quan đến địa lý. Lạm phát của Mỹ lúc đầu cao hơn lạm phát của Eurozone. Mỹ đã chi 26% GDP cho kích thích tài chính trong thời kỳ COVID-19, so với 8-15% ở các nền kinh tế lớn của châu Âu. Và châu Âu phải đối mặt với một cú sốc năng lượng tồi tệ hơn Mỹ sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, cả vì sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và phần lớn thu nhập của họ dành cho năng lượng.

Một bài báo gần đây của Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng tại IMF, cùng các đồng nghiệp cho rằng, cho thấy chỉ 6% lạm phát lõi của Eurozone gia tăng là do kinh tế tăng trưởng "quá nóng", so với 80% của Mỹ.

Điều này ngụ ý rằng châu Âu có thể thoát khỏi lạm phát với chính sách nới lỏng hơn. Các tác giả nhận thấy rằng 3% GDP của gói kích thích tài khóa bổ sung mà Eurozone đã tung ra gần đây bằng cách trợ cấp hóa đơn năng lượng đã không góp phần gây ra tình trạng tăng trưởng quá nóng. Lãi suất ở châu Âu cũng đang có chiều hướng hạ. Thị trường tài chính kỳ vọng lãi suất tại Eurozone sẽ đạt đỉnh khoảng 4%, so với 5,5% ở Mỹ.

Bất chấp tất cả những điều này, vấn đề lạm phát ở hai bờ Đại Tây Dương dường như đang trở nên giống nhau hơn theo thời gian. Ở cả hai nơi, lạm phát ngày càng bị chi phối bởi giá dịch vụ địa phương, thay vì lương thực và năng lượng. Mô hình cho thấy rằng, giá tăng ở cả hai nơi đang được thúc đẩy bởi chi tiêu trong nước mạnh mẽ.

Tính toán trên cơ sở so sánh, lạm phát cơ bản cao hơn trong khu vực đồng euro; tăng lương cũng vậy. Theo các công cụ theo dõi của ngân hàng Goldman Sachs, tiền lương đang tăng với tốc độ hàng năm là 4-4,5% ở Mỹ và gần 5,5% ở Eurozone.

Do đó, tầm quan trọng nằm ở mặt trận cuối cùng: Thị trường lao động. Ngay cả khi tỷ suất lợi nhuận giảm, các ngân hàng trung ương không thể đạt được mục tiêu lạm phát 2% trên cơ sở bền vững nếu không có sự cân bằng tốt hơn về cung và cầu của người lao động.

Năm ngoái, các nhà kinh tế đã tranh luận liệu điều này có đòi hỏi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn ở Mỹ hay không. Thống đốc Fed, Chris Waller đã nói "không", thay vào đó cho rằng tỷ lệ tuyển dụng việc làm hợp lý, vốn cao bất thường, có thể giảm xuống.

Các thành viên hội đồng điều hành Fed như Olivier Blanchard, Alex Domash và Lawrence Summers bi quan hơn. Họ chỉ ra rằng trong các chu kỳ kinh tế trước đây, số lượng vị trí tuyển dụng chỉ giảm khi tỷ lệ thất nghiệp tăng. Kể từ đó, tầm nhìn của ông Waller đã phần nào được hiện thực hóa. Theo Goldman Sachs, các vị trí tuyển dụng đã giảm đủ để quá trình tái cân bằng thị trường lao động đã hoàn thành được 3/4. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp đáng kể, ở mức 3,7%.

Tuy nhiên, quá trình này dường như đã bị đình trệ gần đây. Ông Blanchard và Ben Bernanke, cựu Chủ tịch Fed, gần đây đã ước tính rằng, với mối quan hệ gần đây nhất giữa vị trí tuyển dụng và tình trạng thất nghiệp, để lạm phát đạt được mục tiêu của Fed sẽ yêu cầu tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 4,3% trong "một khoảng thời gian".

Hai nhà kinh tế Luca Gagliardone và Mark Gertler cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 5,5% vào năm 2024, dẫn đến lạm phát giảm xuống 3% trong một năm và sau đó giảm xuống 2% "với tốc độ rất chậm". Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở quy mô như vậy không lớn, nhưng trong quá khứ thường liên quan đến suy thoái./.

Vân Hải (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tuong-lai-cuoc-chien-chong-lam-phat-o-my-va-chau-au/298578.html