Tương lai hạ tuổi hưởng 'trợ cấp hưu trí xã hội' bằng với tuổi nghỉ hưu, số tiền hưởng dần tăng lên

Tại Phiên họp thứ 26 của UBTVQH ngày 20/9, các đại biểu đã cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, so với Luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đã bổ sung "trợ cấp hưu trí xã hội" trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định hiện hành về chính sách bảo trợ xã hội người cao tuổi được quy định tại Luật Người cao tuổi.

Tại Báo cáo số 1888 của Ủy ban Xã hội đã đề cập 2 loại ý kiến khác nhau về nội dung này nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nào. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự án luật về bổ sung quy định "trợ cấp hưu trí xã hội"; Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không cần thiết bổ sung quy định "trợ cấp hưu trí xã hội" mà có thể sửa đổi các quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi, các quy định này sẽ là bộ phận của pháp luật về BHXH tương tự như quy định chế độ BHTN trong Luật Việc làm, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất nhằm bảo đảm hướng tới từng bước hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng, liên kết, linh hoạt và theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 28).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với NSNN, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án luật này, nhất là các tác động liên quan đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện…

Bên cạnh đó, có ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội cho rằng, hiện nay trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi còn rất thấp và có khoảng cách khá xa so với mức chuẩn nghèo về thu nhập (kể cả ở nông thôn và thành thị). Chính vì vậy, khi chuyển nhóm đối tượng rất đặc thù này với mức hưởng rất thấp sang phạm vi của dự án Luật BHXH (sửa đổi) thì liệu có hợp lý? Hơn nữa, đây là một loại trợ cấp xã hội cho người cao tuổi không có thu nhập, không xuất phát từ nguyên tắc đóng - hưởng như đối tượng hưu trí. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng chưa nêu cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ để quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật tuổi hưởng trợ cấp là 75 tuổi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội lưu ý, trợ cấp hưu trí xã hội là từ nguồn thuế chứ không phải theo nguyên tắc đóng – hưởng, không thể quay lại tư duy trợ cấp đóng – hưởng… Vấn đề này liên quan đến quá trình thực hiện nghị quyết của Trung ương, pháp luật phải có điều chỉnh. Về chính sách không có gì phải bàn.

Trước mắt, tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là 75 tuổi, tương lai sẽ phải hạ dần xuống bằng với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và mức tiền hưởng sẽ tăng dần lên, phù hợp với khả năng của ngân sách.

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phía Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Luật cũng như các văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Ủy ban Xã hội tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 như tinh thần Chủ tịch Quốc hội đề cập bởi đây là luật khó, còn thảo luận nhiều lần. Do đó, Chính phủ phải có một bước hoàn chỉnh trình Quốc hội, phía Ủy ban Xã hội cũng sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tuong-lai-ha-tuoi-huong-tro-cap-huu-tri-xa-hoi-bang-voi-tuoi-nghi-huu-so-tien-huong-dan-tang-len-169230920185153804.htm