'Tương lai' mới cho Dòng chảy Phương Bắc 2 sau khi Đức ngừng phê duyệt
Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom vừa thông báo sẽ sử dụng một phần của tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 để phục vụ thị trường khí đốt trong nước sau khi bị Đức ngừng phê duyệt.
Theo hãng tin Bloomberg, trong tuyên bố đưa ra hôm 5/5, Gazprom cho biết tập đoàn này sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng trên bờ của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Nga nhằm tăng cường cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở khu vực Tây Bắc nước này.
Việc Gazprom tận dụng Dòng chảy phương Bắc 2 để phục vụ khách hàng trong nước có nghĩa là sẽ chỉ có 1 nhánh trong hệ thống đường ống kép có thể sử dụng ngay lập tức để cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) nếu khối này thay đổi quyết định và phê duyệt dự án.
Theo thông báo của Gazprom, nếu Đức quyết định đưa đoạn ngoài khơi của tuyến đường ống dẫn khí đốt vào hoạt động, sẽ chỉ có thể kết nối một đường ống và nhánh đường ống thứ hai sẽ không hoạt động cho đến năm 2028.
Kế hoạch của Gazprom được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, nước cung cấp 40% nhu cầu khí đốt cho châu lục này trong năm ngoái. Việc nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga càng trở nên cấp bách hơn đối với EU sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do 2 nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo cơ chế thanh toán mới của Moscow.
Nhằm giảm bớt lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng, hôm 5/5, Đức, khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, đã bắt đầu thuê 4 trạm nổi để nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG).
Tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Nga sang Đức. Dự án này đã sẵn sàng đi vào hoạt động từ tháng 12/2021. Quyết định phê duyệt của cơ quan quản lý năng lượng Đức và các quan chức EU là rào cản cuối cùng để dự án chính thức được vận hành. Tuy nhiên, chính phủ Đức hồi tháng 2 năm nay đã dừng quá trình phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sau khi Nga công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass, Ukraine là các quốc gia độc lập. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã yêu cầu Bộ Kinh tế nước này rút lại đánh giá rằng dự án khí đốt của Nga không gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng châu Âu.