Tưởng nhớ họa sĩ sơn mài bậc thầy Nguyễn Lâm

Hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Lâm đã sáng tác hơn 1.200 tác phẩm. Tranh của ông có mặt trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh… và được các nhà sưu tập tư nhân khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ lưu giữ.

Tôi và Huyền Lam quen biết nhau từ Đại hội Mỹ thuật Việt Nam đã khá lâu, nay thường tương tác qua Facebook. Qua trang cá nhân của Huyền Lam, tôi biết thêm nhiều hoạt động mỹ thuật ở TP. Hồ Chí Minh - trung tâm nghệ thuật phía Nam của đất nước. Hoạt động của Lam cho thấy cô là một nữ họa sĩ say nghề và khá thành công. Tư gia của Lam và gia đình trưng bày rất nhiều tranh đẹp. Tôi được biết Huyền Lam là con gái của một họa sĩ sơn mài nổi tiếng, điều đó càng khiến tôi thêm mến phục, dự định có dịp vào Sài Gòn sẽ ghé thăm Lam và xem tranh. Nhân được mời tham gia trại sáng tác tại Vũng Tàu, tôi quyết định tranh thủ dịp này ghé thăm Huyền Lam.

Họa sĩ Nguyễn Lâm thể hiện tác phẩm

Họa sĩ Nguyễn Lâm thể hiện tác phẩm

Sáng 14/11/2024, sau khi từ Vũng Tàu lên và ghé qua nhà vài người thân đang sinh sống tại đây, tôi tới nhà Huyền Lam như đã hẹn. Bước vào nhà, tôi sững người khi nhận ra họa sĩ Nguyễn Lâm – người mà tôi đã từng biết đến và nghe danh từ lâu. Thú thật, từng đọc một số bài viết về Lam mà tôi vô tâm không nhận ra cô chính là con ruột của họa sĩ Nguyễn Lâm. Ông nay yếu và gầy nhiều, chỉ đôi mắt vẫn rất tinh anh. Huyền Lam giới thiệu tôi với ba cô và giới thiệu ông với tôi… Lam còn nói nhỏ: “Ba em nay đã 85 tuổi, ông bị K, đã phẫu thuật được mấy tháng và đang trong quá trình điều trị…”.

Ông tặng tôi một vựng tập tranh sơn mài in chung với một số họa sĩ sơn mài bậc thầy ở TP. Hồ Chí Minh… Tôi xin phép ông, cùng Huyền Lam lên các tầng trong nhà xem tranh, nghe Lam giới thiệu… rồi xuống chụp với ông mấy tấm hình lưu niệm trước khi tạm biệt. Sau đó, tôi cùng Huyền Lam đến Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, kịp xem triển lãm tranh lụa của cô giáo tôi – PGS, họa sĩ Lê Kim Bạch - đang trưng bày tại đây… Bữa trưa hôm ấy do nhà thơ Phan Hoàng sắp xếp, cùng dự còn có các họa sĩ Siu Quý, Lê Sa Long, nhà phê bình văn học - TS. Hà Thanh Vân… Chiều Sài Gòn cuối thu nắng gắt, trên xe về Vũng Tàu, hình ảnh người họa sĩ già cùng những bức tranh sơn mài khổ lớn, vừa lạ vừa quen, cứ ám ảnh khiến tôi lục tìm trí nhớ, tìm hiểu thêm về ông.

Họa sĩ Nguyễn Lâm trong xưởng vẽ với những tranh sơn mài khổ lớn

Họa sĩ Nguyễn Lâm trong xưởng vẽ với những tranh sơn mài khổ lớn

Họa sĩ Nguyễn Lâm (tên đầy đủ: Lâm Huỳnh Long, sinh năm 1941 tại Cần Thơ). Ông là họa sĩ thành công ngay từ khi đến với hội họa sơn dầu vào thập niên 1960 và từng có tranh tham dự Biennale de Paris (Pháp). Năm 1962, ông nhận Huy chương Bạc tại Triển lãm Mùa xuân Sài Gòn, trở thành một trong những họa sĩ trẻ nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975.

Tuổi thơ long đong

Nguyễn Lâm có tuổi thơ khá gian truân. Đang học tiểu học thì phải bỏ dở để theo cha trốn về Cà Mau khi cha ông bị gọi vào lính thuộc địa. Khi ấy, Cà Mau còn hoang sơ rậm rạp. Cha ông tham gia tổ chức kháng chiến và do gia đình có nghề tiện kim loại, nên được phân công làm Giám đốc xưởng chế tạo vũ khí. Sau vài năm, khi tình hình lắng dịu, gia đình mới trở lại Cần Thơ. Lúc đó cậu bé Long đã 10 tuổi nên đến 15 tuổi mới học xong tiểu học.

Ngày ngày đi học, Long thường ngắm các bức vẽ quảng cáo phim tài tử Mỹ, say mê rồi mơ ước trở thành họa sĩ. Trong một cuộc thi tranh toàn miền Nam, Long giành được hai giải: giải Nhất và giải Ba, gây xôn xao tỉnh Cần Thơ. Sau đó, ông xin cha mẹ thi vào trường Mỹ nghệ Gia Định. Học tại đây từ năm 1956–1959, chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp thì ông bỏ để thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn với mong muốn trở thành họa sĩ thực thụ chứ không chỉ là thợ vẽ. Năm 1962, khi còn đang học, ông đã lấy nghệ danh Nguyễn Lâm và bắt đầu bán tranh tại một số gallery.

Những trào lưu hội họa thế giới và các triển lãm mỹ thuật quốc tế tại vườn Tao Đàn (1962) tác động mạnh đến chàng họa sĩ 21 tuổi. Dù đã có vợ con, Nguyễn Lâm quyết định vượt biên sang Paris học tập, mong muốn được rèn luyện ở một trung tâm nghệ thuật châu Âu. Cùng họa sĩ Phương Hùng, ông lên kế hoạch chi tiết: đi xe đò từ Sài Gòn xuống Châu Đốc, nhờ người móc nối qua Campuchia rồi lên xe Mobylette đến thủ đô Phnom Penh, chờ cơ hội xuống cảng Sihanoukville để sang Pháp. Trước chuyến đi, Nguyễn Lâm đã chuẩn bị đầy đủ cho vợ con. Nhà còn hàng trăm bức tranh vẫn bán đều đặn để đảm bảo kinh tế.

Nhưng đến biên giới, xe chỉ chở được một người nên Phương Hùng đi trước, hẹn gặp lại ở Nam Vang. Nguyễn Lâm đợi mãi không có chuyến thứ hai, rồi nghe tin Phương Hùng bị bắt. Kế hoạch tan vỡ.

Một năm sau, ông lại nung nấu ý định vượt biên, lần này có thêm Nguyễn Trung và Nguyễn Phước tham gia. Họ tổ chức triển lãm chung, bán tranh lấy tiền. Nguyễn Trung còn quen một số vị lãnh sự, đại sứ nước ngoài từng mua tranh của ông, hy vọng sẽ được giúp đỡ. Cả ba lại xuống Châu Đốc, nhưng xe chỉ chở được hai người. Bốc thăm, Nguyễn Lâm lại là người đi sau. Hai người kia vừa qua biên giới thì gặp cuộc hành quân của lính Campuchia và bị bắt. Trong trại giam, họ gặp lại Phương Hùng - người vượt biên trước đó. Nguyễn Lâm ở lại nhà trọ chờ mãi vẫn không đi được, mất mấy tháng trời, đành quay về học tiếp. Các họa sĩ bị bắt sau 11 tháng cũng được trả về.

Họa sĩ Nguyễn Lâm giới thiệu với khách sưu tập thuộc Bảo tàng Singapore

Họa sĩ Nguyễn Lâm giới thiệu với khách sưu tập thuộc Bảo tàng Singapore

Năm 1965, ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Năm 1966, ông tham gia Hội Họa sĩ Trẻ - tổ chức triển lãm và bán được nhiều tranh. Từ 1963 - 1972, ông tổ chức 7 triển lãm cá nhân tại Sài Gòn và Malaysia. Từ 1970 - 1975, ông dạy hội họa tại Hội Việt - Mỹ, Trường Nghệ thuật Trang trí Gia Định. Sau năm 1975, ông làm việc tại Ty Văn hóa Thông tin TP. Hồ Chí Minh.

Bước ngoặt ngoạn mục

Năm 1980, bước ngoặt đến khi ông tình cờ gặp họa sĩ Trương Văn Thanh - người đồng sáng lập Công ty sơn mài Thành & Lễ. Ông Thanh mời ông tham gia dự án tranh sơn mài xuất sang Pháp, Đức, Bỉ. Nguyễn Lâm hăng hái tập hợp một nhóm họa sĩ nổi danh trước 1975: Nguyễn Siên, Hồ Hữu Thủ, Hiếu Đệ, Văn Đen, Nghiêu Đề và Đỗ Quang Em.

Nhờ chuyên môn vững vàng, Nguyễn Lâm nhanh chóng thích ứng với chất liệu mới. Dù thời điểm đó kinh tế cả nước còn rất khó khăn, nhưng nhóm họa sĩ bán được tranh với giá cao. Nguyễn Lâm mua thêm nhà bằng vàng, nuôi 9 người con, 2 bà mẹ, gần chục đứa cháu mà vẫn dư dả. Dù dự án kết thúc năm 1986, nhưng Nguyễn Lâm và Hồ Hữu Thủ đã bén duyên với sơn mài – chất liệu làm nên tên tuổi đỉnh cao của mỹ thuật miền Nam.

Với uy tín nghề nghiệp, Nguyễn Lâm từng được Tổng Lãnh sự quán Pháp và một số tổ chức mời phục chế tranh Nguyễn Gia Trí.

Những năm gần đây, trên thị trường mỹ thuật, tranh sơn mài khổ lớn của ông có giá trị rất cao, có bức 2 - 3m² giao dịch đến vài trăm nghìn USD. Bức lớn nhất 600cm x 200cm, nếu giao dịch, giá có thể lên tới hàng triệu USD.

Từ trái sang: họa sĩ Nguyễn Lâm, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng, họa sĩ Huyền Lam (con gái họa sĩ Nguyễn Lâm)

Từ trái sang: họa sĩ Nguyễn Lâm, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng, họa sĩ Huyền Lam (con gái họa sĩ Nguyễn Lâm)

Đến thế giới hội họa trừu tượng

Có thể nói, cùng với Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm đã khai phá và làm giàu cho nghệ thuật sơn mài truyền thống. Ông sáng tạo bằng tinh thần lãng mạn, thăng hoa, qua các bút pháp hiện thực, ấn tượng, biểu hiện… rồi tự tại bước vào thế giới trừu tượng. Dường như ông được thảnh thơi thả hồn theo trí tưởng tượng. Ông tạo ra nó và chính nó lại cuốn hút, mê hoặc ông. Cuộc giằng co, đuổi bắt giữa lý trí và cảm xúc ấy đã đem lại nhiều thành công, đặc biệt là những tác phẩm thiếu nữ khiến người xem khó rời mắt.

Ngoài 80 tuổi, ông vẫn ngày ngày cầm cọ, vẽ tranh khổ lớn. Ông cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Ông ngại nói về bản thân, né tránh mọi cuộc phỏng vấn. Khi được hỏi: "Ông đã đi đến đâu trong thế giới trừu tượng?", ông chỉ khiêm tốn đáp: “Tôi nghĩ mình mới đi được một chặng thôi. Con cái và đồng nghiệp trẻ đã đi xa hơn, mới mẻ hơn”.

Gia đình Nguyễn Lâm là một trong những gia đình đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam. Ông có 9 người con, trong đó 6 người cùng cha đều là hội viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đó là một gia đình trí thức, một địa chỉ văn hóa, nơi lui tới của nhiều thế hệ họa sĩ, văn nghệ sĩ và nhà sưu tập.

Họa sĩ Nguyễn Lâm - một bậc thầy của hội họa sơn mài Việt Nam đã ra đi vào sáng 28/6/2025 tại nhà riêng: 650/3 Nguyễn Kiệm, P.4, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

Bài viết này như một nén tâm hương tiễn biệt ông, người đã phiêu du về miền mây trắng - nơi có những sắc màu huyền ảo lung linh như trong tranh ông.

Đỗ Ngọc Dũng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tuong-nho-hoa-si-son-mai-bac-thay-nguyen-lam-a29586.html