Tụt lại so với Microsoft và Apple sau khi lên vị trí số 1, Nvidia không trấn an dù cổ đông lo lắng

Tuần trước, Nvidia đã vượt Microsoft để trở thành công ty giá trị nhất thế giới khi có vốn hóa thị trường 3.340 tỉ USD. Song sau khi chốt phiên giao dịch hôm 26.6 (giờ Mỹ), giá trị hãng chip trí tuệ nhân tạo (AI) số 1 thế giới chỉ còn 3.110 tỉ USD, giảm khoảng 230 tỉ USD.

Các nhà đầu tư đang tự hỏi liệu vốn hóa thị trường của Nvidia, với cổ phiếu tăng chóng mặt nhờ sự thống trị trên thị trường chip AI, đã đạt đỉnh hay chưa. Cuộc họp với cổ đông thường niên của Nvidia hôm 26.6 đã không làm dịu được những lo ngại từ họ.

Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, không nói điều gì đáng báo động trong cuộc họp này. Thế nhưng, tỷ phú 61 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan cũng không nói gì đặc biệt để trấn an cổ đông về cách Nvidia sẽ đẩy lùi các đối thủ cạnh tranh và duy trì vị trí dẫn đầu, hoặc điều gì đó thay đổi cuộc chơi chưa được đề cập tại hội nghị GTC hồi tháng 3.

Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) và Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) vẫn xem các bộ xử lý đồ họa (GPU) Nvidia là thành phần chính của sự bùng nổ AI tạo sinh. Tuy nhiên, các gã khổng lồ công nghệ khác đã bắt đầu phát triển giải pháp thay thế của riêng họ.

Cần lưu ý rằng ngay cả khi các công ty này phát triển bộ xử lý riêng thì cũng có thể mất một thời gian trước khi chúng trở nên hoàn toàn đáng tin cậy. Google vào tháng 4 cho biết đang sản xuất bộ xử lý trung tâm (CPU) dựa trên Arm của riêng mình mang tên Axion, trong khi Microsoft cũng cố gắng tạo chip AI riêng.

Trong cuộc họp với cổ đông, Jensen Huang cũng không đề cập chính xác khi nào dòng chip AI Nvidia thế hệ tiếp theo là Blackwell sẽ có mặt trên thị trường, dù ông tuyên bố nó sẽ là "sản phẩm thành công nhất lịch sử công ty".

Jensen Huang đã giới thiệu Blackwell tại hội nghị GTC hồi tháng 3 nhưng chưa cung cấp thông tin chính xách về giá. Theo Nvidia, Blackwell có tốc độ xử lý một số tác vụ nhanh hơn 30 lần so với phiên bản trước là H100.

Hồi tháng 3, Jensen Huang nói với trang CNBC rằng Blackwell sẽ có giá từ 30.000 đến 40.000 USD (gần 1 tỉ đồng). Sau đó, ông nói rằng Nvidia sẽ đưa Blackwell vào các hệ thống máy tính lớn hơn và giá sẽ thay đổi tùy theo giá trị mà chúng mang lại.

Theo Nvidia, Blackwell dự kiến sẽ được Nvidia bán ra vào quý 3/2024. Công ty cho biết các khách hàng lớn gồm Amazon, Google, Microsoft, OpenAI và Oracle dự kiến sẽ sử dụng Blackwell trong các dịch vụ điện toán đám mây mà họ cung cấp, cũng như các dịch vụ AI riêng.

Tại cuộc họp với cổ đông hôm 26.6, Jensen Huang nói điều tích cực về triển vọng của Nvidia, cho rằng công ty đã tạo ra con đường phía trước cho tương lai của tính toán, điều này phải mất khoảng hai thập kỷ để đạt được. Nvidia phục vụ hơn 5 triệu nhà phát triển và 40.000 công ty, gồm cả hàng ngàn công ty AI.

Jensen Huang cho biết: “Nvidia đã tăng tốc tính toán, đã đạt đến điểm bùng phát và đạt được một chu kỳ tích cực”. Tuy nhiên, điều đó là không đủ với các cổ đông. Cổ phiếu Nvidia vẫn giảm hơn 2% sau cuộc họp này.

Nvidia hiện có vốn hóa thị trường lớn thứ ba thế giới sau Microsoft (3.360 tỉ USD) và Apple (3.270 tỉ USD), nhưng thời gian sẽ cho biết liệu hãng này có thể duy trì vị trí là nhà cung cấp chip AI số 1 thế giới và liệu giá trị khổng lồ của nó có bền vững hay không.

Nvidia từ chối bình luận khi nhận câu hỏi từ trang Insider.

Jensen Huang không nói gì đặc biệt để trấn an cổ đông về cách Nvidia sẽ đẩy lùi các đối thủ cạnh tranh và duy trì vị trí dẫn đầu, sau khi cổ phiếu công ty giảm mạnh gần đây - Ảnh: Getty Images

Jensen Huang không nói gì đặc biệt để trấn an cổ đông về cách Nvidia sẽ đẩy lùi các đối thủ cạnh tranh và duy trì vị trí dẫn đầu, sau khi cổ phiếu công ty giảm mạnh gần đây - Ảnh: Getty Images

Ngày 25.6, Reuters đưa tin các nhà đầu tư đã thu về gần 5 tỉ USD lợi nhuận từ sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu Nvidia trong ba phiên giao dịch gần đây, theo công ty phân tích dữ liệu Ortex Technologies.

Ortex Technologies cho biết chỉ riêng trong ngày 24.6, giới bán khống đã kiếm được 2,4 tỉ USD khi cổ phiếu Nvidia giảm 6,6%. Đây là khoản lời lớn nhất mà hãng phân tích này ghi nhận kể từ khi bắt đầu theo dõi hoạt động bán khống vào năm 2019.

Bán khống là hình thức bán loại cổ phiếu mà người bán chưa hoặc không sở hữu nó. Cụ thể là vay mượn cổ phiếu từ nhà đầu tư khác và bán với giá cao, sau đó kỳ vọng trong tương lai giá cổ phiếu đó sẽ giảm. Trong tương lai, người bán có nghĩa vụ mua lại và hoàn trả đủ số lượng cổ phiếu đã vay mượn.

Kết quả hoạt động bán khống:

- Người bán sẽ lời hoặc lỗ bằng với sự chênh lệch giữa giá bán và mua lại, chưa tính chi phí vay mượn.

- Lời xuất hiện khi giá mua lại thấp hơn so với giá bán, lỗ nếu giá mua lại cao hơn so với giá bán.

Một số người tham gia thị trường cho rằng cổ phiếu Nvidia suy giảm là do các nhà đầu tư chuyển từ cổ phiếu thuộc lĩnh vực AI sang ngành khác.

Trước đó, phiên giao dịch 18.6 ghi nhận trường hợp cổ phiếu Nvidia tăng 3,5%, lên mức hơn 135,5 USD, giúp hãng chip có trụ sở ở thành phố Santa Clara (bang California, Mỹ) vượt Microsoft để trở thành công ty giá trị nhất thế giới.

Cuối năm 2022 là thời điểm đánh dấu bước ngoặt với Nvidia khi OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT, kích hoạt cơn sốt AI toàn cầu.

Vốn hóa thị trường Nvidia tăng vọt được thúc đẩy bởi nhu cầu về GPU của hãng, vốn là tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực AI. Cổ phiếu Nvidia đã tăng gần 170% trong năm 2024 và tăng gần 1.100% kể từ mức thấp nhất vào tháng 10.2022 (tức trong khoảng 21 tháng đến nay).

Lợi nhuận khổng lồ và sự nhiệt tình với AI ngày càng tăng từ nhà đầu tư đang thúc đẩy đà tăng trưởng của Nvidia. Sự nhiệt tình đó đã được phản ánh qua vốn hóa thị trường Nvidia, chỉ mất 96 ngày để tăng từ 2.000 tỉ USD lên 3.000 tỉ USD.

Microsoft, một trong hai công ty khác đạt đến mốc vốn hóa thị trường đó, phải mất 945 ngày để tăng từ 2.000 tỉ USD lên 3.000 tỉ USD, còn Apple mất 1.044 ngày để đạt được bước nhảy vọt này, theo Bespoke Investment Group.

Bespoke Investment Group là một công ty quản lý tài sản và nghiên cứu cung cấp cho các nhà đầu tư các giải pháp vốn chủ sở hữu cùng quỹ giao dịch hoán đổi (ETF).

Mâu thuẫn âm ỉ giữa Nvidia với Microsoft

Trang The Information đưa tin Jensen Huang kiểm soát chặt chẽ cách phân bổ và lắp đặt chip AI đã khiến Microsoft không hài lòng.

Trước đây, Jensen Huang cho biết Nvidia quyết định cách phân bổ chip AI để ngăn các công ty dự trữ chúng trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên khi những nỗ lực này mở rộng sang việc hướng dẫn các công ty cách lắp đặt GPU Nvidia trong các trung tâm dữ liệu, điều đó đã dẫn đến căng thẳng với khách hàng quan trọng là Microsoft, The Information cho biết.

Theo The Information, Nvidia cố gắng thuyết phục Microsoft mua và lắp đặt GPU hàng đầu thế hệ mới GB200 (thuộc dòng Blackwell) theo đúng cách mà công ty đã thiết kế trong giá máy chủ. Đó là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa Microsoft và Nvidia.

Việc lắp đặt GPU theo cách Nvidia muốn sẽ cản trở khả năng Microsoft chuyển sang các chip AI khác.

Tranh chấp với Nvidia về giá đỡ máy chủ đã kéo dài vài tuần và thậm chí còn lan đến bàn làm việc của Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella, The Information đưa tin, dẫn lời những người liên quan.

Microsoft cuối cùng đã thắng khi Nvidia lùi bước và đồng ý để gã khổng lồ phần mềm Mỹ thiết kế các giá đỡ GPU tùy chỉnh của riêng mình, theo The Information.

Đại diện Nvidia và Microsoft không trả lời ngay lập tức câu hỏi của trang Insider về chuyện trên.

Việc lắp đặt GPU theo cách Nvidia muốn sẽ cản trở khả năng Microsoft chuyển sang các chip AI khác - Ảnh: Internet

Việc lắp đặt GPU theo cách Nvidia muốn sẽ cản trở khả năng Microsoft chuyển sang các chip AI khác - Ảnh: Internet

Microsoft đặt mục tiêu nội bộ là tích lũy 1,8 triệu GPU vào cuối năm 2024, theo tài liệu mà trang Insider nhìn thấy.

Microsoft đang cố gắng tạo ra mô hình AI nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn, nhưng nỗ lực này chủ yếu phụ thuộc vào việc công ty mua chip, chủ yếu là GPU từ Nvidia.

Tài liệu nội bộ gợi ý rằng Microsoft có kế hoạch tăng gấp ba số lượng GPU mà hãng đang có vào năm 2024.

Hợp tác với OpenAI, Microsoft đang dẫn đầu trong sự bùng nổ AI tạo sinh. Thế nhưng, duy trì vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này là việc khó khăn và rất tốn kém.

Từ năm tài chính hiện tại đến năm tài chính 2027, Microsoft dự kiến sẽ chi khoảng 100 tỉ USD cho GPU và trung tâm dữ liệu, hai người quen thuộc với kế hoạch này nói với Insider.

Frank Shaw, người phát ngôn của Microsoft, từ chối bình luận.

Những gã khổng lồ công nghệ khác cũng đang xây dựng kho GPU khổng lồ. Đó là một trong những lý do giúp Nvidia tăng trưởng mạnh và hiện là nhà cung cấp GPU số 1 thế giới.

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, hồi đầu năm nay cho biết công ty truyền thông xã hội này sẽ mua khoảng 350.000 GPU Nvidia H100 vào năm 2024. Kết hợp với số GPU tương đương từ các nhà cung cấp khác, Meta Platforms sẽ có tổng cộng khoảng 600.000 GPU vào cuối năm 2024, theo Mark Zuckerberg.

Insider có được một tài liệu khác tiết lộ Microsoft đang đảm bảo có số lượng GPU kỷ lục để xử lý khối lượng công việc AI mới trong các trung tâm dữ liệu.

Trong nửa cuối năm ngoái, Microsoft đã cung cấp "lượng GPU ở mức kỷ lục", tăng hơn gấp đôi tổng số GPU đã được lắp đặt của mình, tài liệu nêu rõ mà không đề cập đến con số thực tế.

Số lượng và phạm vi GPU của Microsoft đã mở rộng sang thêm 39 trung tâm dữ liệu trong giai đoạn này. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ hiện có nhóm các máy tính được kết nối và tối ưu hóa để thực hiện các tác vụ AI hoạt động tại 98 địa điểm trên toàn cầu.

Các nhà phân tích tại hãng DA Davidson ước tính rằng Microsoft đã chi 4,5 tỉ USD cho GPU Nvidia vào năm ngoái, con số mà một nhà quản lý tại Microsoft nói là gần với mức chi tiêu thực tế của họ.

Microsoft có nỗ lực nội bộ nhằm thiết kế chip AI của riêng mình nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nvidia, nhưng một số nhân viên tỏ ra nghi ngờ dự án này vì công ty đi sau Nvidia nhiều năm và công nghệ tiên tiến phát triển quá nhanh.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tut-lai-so-voi-microsoft-va-apple-sau-khi-len-vi-tri-so-1-nvidia-khong-tran-an-du-co-dong-lo-lang-218873.html